Chuyên mục  


Rất nhiều người yêu sen và thích được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những bình sen do tự tay mình cắm, nhưng có rất ít người bắt được cái hồn của sen, lan tỏa hương sen rất tình trong ngôi nhà của mình. Một trong những người khiến ai ngắm sen cũng đắm say, yêu thương một thuở như dịu ngọt đong đầy, chính là anh Đỗ Vy Anh.

Có rất nhiều tiêu chí để đánh giá một bình sen đẹp, nhưng chắc chắn có một tiêu chí khó ai có thể bỏ qua, chính là khơi gợi cảm xúc cho người được ngắm.

Những bình sen do anh Đỗ Vy Anh sáng tạo không chỉ đẹp hài hòa với không gian mà chúng được hiện diện, những bình sen ấy mềm mại, nở đẹp tự nhiên và dịu dàng trong nắng hạ như đang khoe sắc giữa đầm, không một chút khiên cưỡng, cũng không khô cứng như cách cắm thông thường.

Anh Đỗ Vy Anh chia sẻ: "Trong hàng trăm loài hoa mà tôi từng biết, sen luôn giữ một vị trí đặc biệt, nếu như không muốn nói là vị trí độc tôn trong tiềm thức của tôi cũng như gia đình".

Anh Đỗ Vy Anh chậm rãi thưởng trà, ngắm sen.

Vì yêu sen, mê sen nên mỗi độ hè về, anh lại tự tay chọn hoa để làm đẹp cho tổ ấm. Anh Vy Anh cho biết, có nhiều người dù yêu sen nhưng rất dè dặt khi lựa chọn về cắm vì nghĩ sen chóng tàn, được một hai ngày là rụng cánh lả tả.

Theo kinh nghiệm của anh, có thể do mua phải hoa trên chợ hoặc bán rong đã nở lần 1 vào buổi sáng, được cắt chiều hôm trước. Đến tay người dùng là ngày thứ hai, thứ ba.

Trường hợp thứ hai là cắm mãi không nở, chỉ e lệ mãi, như thiếu nữ làm duyên. Trường hợp này do người hái non, hoa chưa đúng lứa, còn gọi là sen câm sẽ không thể nở được.

Mỗi tác phẩm sen hoàn thiện là sự sáng tạo đầy tâm huyết của anh.

Sau khi quan sát qua rất nhiều mùa sen, anh Vy Anh rút ra khá nhiều trải nghiệm để thưởng trọn vẹn cả hương lẫn sắc. Theo anh, tốt nhất nên đặt mua tại đầm. Loại sen này thường được người trồng cắt để bán từ 4 – 5 giờ sáng.

Sau khi được bẻ hoa ngay tại đầm, cần đưa vào dưỡng trong xô/ bình nước cao gần hết chiều dài của cành hoa, hoặc tốt hơn nữa là dưỡng trong chậu tắm em bé để hoa "lên nước" nhanh hơn.

Nếu đa số các loại hoa thân gỗ dưỡng bằng nước ấm thì sen lại cần cho thêm nước đá lạnh. Trước đó, bắt buộc phải cắt gốc/ cành hoa trong môi trường nước bằng dao sắc vì cắt kéo sẽ làm dập nát thân hoa.

Anh Đỗ Vy Anh cũng gợi ý thêm cách dưỡng hoa sen, súng của người Nhật, chính là thêm công đoạn dùng xi lanh đẩy nước bơm đầy cuống hoa, lá sen ngăn chặn quá trình bay hơi nước dẫn đến héo khô bề mặt hoa lá. Ngoài ra còn có loại kem chuyên dùng bôi lên bề mặt lá để tránh khô mép, quăn lá.

"Sau khi dưỡng hoa khoảng 6 tiếng có thể đưa vào bình cắm. Hoa thủy sinh như sen, súng rất kỵ gió quạt thổi trực tiếp sẽ làm khô và thâm cánh. Ngay cả máy lạnh cũng chỉ nên sử dụng ở mức độ hợp lý, khoảng 27 – 28 độ, cũng tránh trường hợp cửa gió điều hòa thổi trực tiếp vào bình hoa. Cần tạo môi trường mát nhẹ, vừa phải, ổn định và tránh gió thổi trực tiếp vào bình hoa", anh Vy Anh chia sẻ.

Hoa sen tạo điểm nhấn trong căn nhà.

Mỗi bình sen đều có vẻ đẹp riêng.

Sen nhẹ nhàng, thanh tao.

Bên cạnh việc dưỡng sen thì chọn bình cắm cũng là một yếu tố quan trọng giúp mọi người có thể tạo nên một tác phẩm ưng ý.

Sen là loại ưa nước nên anh Vy Anh thường chọn bình cao có khối lượng nước lớn. Sen được cắm vào bình chiều tối ngày thứ nhất thì khoảng 4h sáng ngày thứ hai sẽ bắt đầu mở cánh, tỏa hương ngào ngạt, ngây ngất. Thời gian đó, anh luôn trân quý để có thể thưởng thức hương sắc một cách trọn vẹn nhất. 

"Khi không gian còn yên bình, mặt trời đang ló dạng phương Đông, đây đó thoảng qua tiếng gió reo xào xạc, lảnh lót đâu đây một vài tiếng chim. Một chút nữa thôi, khi muôn loài thức giấc, sẽ là một bản đồng ca của những chú ve gọi hè về. Bạn – chỉ duy nhất bạn được hưởng niềm hạnh phúc lớn lao đó – như thể người đầu tiên được hưởng một cảm giác bình yên đến vậy", chủ nhân của những bình sen đẹp như mơ cho biết.

Thời khắc ấy, anh thường đốt mảnh trầm hương, khói bay lãng đãng, nhấp ngụm Trà sen – hương thơm lan tỏa tới từng huyết mạch, tế bào.

Chừng 10h sáng, bắt đầu quá trình khép cánh chờ tới sáng hôm sau nở lần nữa (ngày thứ ba). Lần này, cả sắc lẫn hương đều kém hơn trước. Độ mở cánh sẽ to hơn, đôi khi rụng cánh ở một số bông. 

Nếu như các bông hoa, phiến lá hướng lên cao, nhô ra phía trước, đẩy ra phía sau, nghiêng sang trái, ngả về phải – dễ nhận thấy và thu hút thị giác của người đối diện – là những cành hoa, lá mang tính dương.

Hỗ trợ, bổ sung cho chúng là những cành hoa, chiếc lá được cố ý cắm sâu vào khoảng không gian sâu bên trong, tạo nhiều bề mặt nông sâu khác nhau nhằm làm nổi bật độ sâu không gian 3D hơn nữa… là những đơn vị mang tính âm, vô cùng cần thiết cho sự hoàn thiện và quân bình trong một bình hoa.

Bình sen cao 310cm được anh Đỗ Vy Anh cắm với nhiều tâm huyết.

Anh Vy Anh chú ý đến việc dưỡng sen trước khi cắm.

Chọn bình cũng là yếu tố quan trọng.

Sen nở nhẹ nhàng tinh khôi.

Bình sen với vẻ đẹp hoàn thiện giúp bất kỳ góc nào được chụp đều vô cùng ấn tượng.

Anh Vy Anh xem việc kết hợp bình là một trong những yếu tố tạo nên một tác phẩm sen ưng ý. Anh thường chọn dáng bình có đường kính miệng rộng hơn đáy. Để tận dụng tối đa "độ mở" của bình diễn đạt nhưng cành hoa thêm phần duyên dáng.

Độ lớn của bình luôn tỉ lệ thuận với độ lớn, dài, cao của cành hoa. Một trong những tỉ lệ vàng mà anh chọn lựa là: lọ ba hoa bảy. Nghĩa là chu vi/ diện tích của bình chiếm 3 phần thì khối hoa bên trên có chu vi/ diện tích chiếm 7 phần.

Bên cạnh việc chọn kích cỡ thì màu của bình cắm cũng vô cùng quan trọng. Anh Vy Anh thường dùng màu lạnh, hoặc tone màu trầm lạnh, trầm nhã, sẫm tối như đen, xanh đen, nâu… để tôn màu sắc của hoa và bộ lá. Theo anh nên tránh cắm sen vào lọ màu đỏ hoặc lọ sơn mài.

Nguồn gốc hoa từ nước, vì thế anh khuyên chọn màu bình tone xanh và lạnh như men ngọc, men lý, men bí, men rạn hoặc tất cả các sắc trắng như trong, sứ, đục, xanh, ngà, mờ, rạn… và hầu như các tone lạnh hoặc men hỏa biến, men loang, men ghi xám, thạp gốm, chất liệu đồng, đều ăn nhập và phù hợp với cả sen hồng và sen trắng.

Để có một tác phẩm sen hoàn thiện, anh Vy Anh còn chú ý đến "gáy sen". Nếu cắm một bình hoa, chỉ "show" toàn bộ mặt trước mà vô tình thiếu hụt phía sau – nghĩa là bạn mới chỉ cắm một nửa của bình hoa. Phía sau hoàn toàn trống rỗng nghĩa là mới chỉ hoàn thành một nửa công việc.

Vì thế, anh Vy Anh thường cắm đủ các hướng khác nhau, hướng lên phía trên, cúi xuống phía dưới, nhìn qua hai bên trái, phải, quan trọng là những bông phía sau "mặt hoa" phải xoay về phía sau, thấy "gáy sen" mới được gọi là bình hoa hoàn chỉnh.

Hoa sen có một cấu trúc đặc biệt, khác với đa số các loại hoa khác. Đoạn cuống hoa sát với bông còn gọi là "cổ hoa" đẹp như vẻ đẹp mỹ miều của những người phụ nữ "cổ kiêu ba ngấn".

Theo anh Vy Anh, không nên để người ngắm nhìn thấy khoảng không gian trống trơn giữa miệng bình tới cành hoa. Nên khéo léo dùng lá che bớt một phần khoảng trống để nhằm mục đích tạo nên sự duyên dáng, kín đáo và tế nhị của bình hoa.

Thêm nữa, cần lưu ý độ dài hoặc ngắn của cành hoa cũng có thể góp phần tạo nên cảm giác thanh tao hoặc ngược lại.

Nhờ những kinh nghiệm nhiều năm chọn sen, cắm sen ấy, mỗi mùa hè đến đều vô cùng đáng nhớ với anh Đỗ Vy Anh bởi sáng thức giấc luôn là khoảng thời gian được thả hồn hướng tới vẻ đẹp dịu dàng, thơm ngát của sen.

Nguồn ảnh: NVCC

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020