Với người Việt, tháng 7 là "tháng cô hồn", đặc biệt Rằm tháng 7 được coi là Tết của người đã mất, là một nét văn hóa mang tính nhân văn cao cả, là dịp thể hiện lòng tôn kính tưởng nhớ tới người đã mất, đề cao việc báo hiếu và làm phúc, bố thí…
"Tháng cô hồn" có những việc cần làm, hay không nên làm là những tín ngưỡng dân gian với quan niệm "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Nhưng năm nay tháng cô hồn đúng cao điểm dịch bệnh, nên việc cúng lễ có vài thay đổi, đồng thời tuân thủ Chỉ thị 16 "người dân ở trong nhà, không nên ra đường". Vì thế người dân nên thay đổi vài thói quen cúng lễ để "tháng cô hồn" được an toàn.
Năm nay lễ cúng cô hồn nên làm vào ngày mùng 2, hoặc 16 tháng 7 âm lịch. Ảnh minh họa.
Theo ông Tam Nguyên (Công ty TNHH Kiến trúc Phong thủy Tam Nguyên), năm nay lễ cúng cô hồn nên làm vào ngày mùng 2, hoặc 16 tháng 7 âm lịch là thời điểm tốt nhất để tỏ lòng thành của mình với gia tiên. Dịp này theo quan niệm dân gian nhiều người sẽ ăn chay để tránh điềm dữ. Ngoài ra nên làm các việc sau:
- Nên cứu giúp người khi gặp các trường hợp nguy cấp.
- Nên hạn chế sát sinh động vật, gia súc.
- Nên ăn nói, giao tiếp nhã nhặn, vui vẻ ở mọi nơi, mọi lúc, các mối quan hệ đối tác... và tránh các cuộc xung đột với người khác.
- Đầu tháng 8 âm lịch thì nên sử dụng bột trừ tà để tẩy uế khí, cân bằng sinh khí trong ngôi nhà.
Tùy điều kiện mà sắm lễ cúng cô hồn. Ảnh minh họa.
Thời điểm này nhiều người cũng lo lắng là sang tháng cô hồn, cần thanh bông hoa quả, mâm cỗ để cúng gia tiên. Ở các siêu thị, mini shop chỉ có hàng thiết yếu, trong khi các bài khấn lễ đều có câu "kính dâng thanh bông, hoa quả…". Vậy nên thay hoa bằng gì?
Về vấn đề này, ông Hà Thanh (Viện Nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người) cho rằng, việc cung kính dâng hoa thơm, quả đẹp thanh khiết cúng trên ban thờ có ý nghĩa dâng lên Tam Bảo và gia tiên những điều thiện lành, tốt đẹp, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn, thể hiện nét đẹp hiếu hạnh của người Việt mỗi khi cúng lễ.
Bình thường thì hoa thơm, quả ngọt dâng cúng là tốt, chỉ cần chọn những quả chín để trưng được lâu (hoa quả đã héo thì nên dọn xuống ngay). "Tháng cô hồn" năm nay hoa quả ít, nhưng cũng không nên dùng đồ lễ giả (bánh trái, oản, quả) đặt lên ban thờ. Hoa thì có thể dùng hoa giả để trưng, ngắm và cũng chỉ bày vài bông cho đẹp mắt, không nên nhiều vì rườm rà, mất sinh động nơi thờ cúng. Tùy nhà mà bày biện lễ cúng cho phù hợp, đảm bảo an toàn cho mình và mọi người.
Mâm cúng cô hồn có gì cúng nấy. Ảnh minh họa.
Mùa dịch đang căng thẳng, việc cúng tháng cô hồn không có thanh bông, hoa quả cũng không sao, người dân đừng quá lo lắng, bởi đó là việc chung của cả xã hội. Gia tiên không vì thiếu thốn mùa dịch mà trách móc, hay "phạt" con cháu như một số người nghĩ. Nhưng có thể bày bánh kẹo dâng cúng. Nếu không đi mua bán được thì gạo, muối, chén nước. Có điều kiện thì làm mâm cơm cúng, có tiền vàng mã... là gia tiên chứng cho tấm lòng thành kính, hiếu thảo. Nếu con cháu đồng tâm ngồi xuống tụng kinh (chú Đại bi, kinh Vu lan, kinh Adida) thì rất tốt cho vong linh gia tiên.
Năm nay không được tụ tập nên việc tranh nhau giật các đồ cúng sẽ không gặp phải, nhưng nếu có người giật thì nên buông thả đồ cúng ra, không nên giật lại. Dân gian cho rằng nếu bạn chưa làm lễ cúng mà đã có người chầu chực để giật là tốt.
Dịch bệnh nên việc cúng lễ hạn chế cúng vàng mã để tránh tro tàn bay làm ảnh hưởng tới xung quanh, không may lại xảy ra hỏa hoạn. Việc lễ chùa cầu siêu, thăm mộ phần "tháng cô hồn" nên tuân thủ theo quy định của chính quyền.
"Tháng cô hồn" người dân nên làm nhiều điều phúc, từ thiện. Việc cúng lễ cần thành tâm, không nên cố chấp lùng mua bằng được thanh bông, hoa quả về cúng lễ vì vừa vất vả, vừa tốn kém, lỡ dính mắc dịch bệnh về nhà thì các cụ cũng không vui.
Uyển Hương