Chuyên mục  


“Chiều dài một gang tay bằng một phần mười chiều cao của người, khoảng cách từ cằm đến đỉnh đầu sẽ bằng một phần tám và từ núm vú đến đỉnh đầu bằng đúng phần tư chiều cao của họ” – M.V. Pollio

Tỷ lệ con người là yếu tố tiên quyết trong mọi thiết kế kiến trúc. Nếu giờ này bạn vẫn ngồi đây mà chưa lấy thước đo, tôi sẽ giới thiệu cho bạn chủ nhân của câu nói nổi tiếng nêu trên: Marcus Vitruvius Pollio – người đặt những nền móng đầu tiên cho tỷ lệ con người trong kiến trúc.

Vitruvius là một KTS người La Mã sống vào thế kỷ thứ Nhất TCN, người đã dành phần lớn thời gian trong cuộc đời mình cho các nghiên cứu về tỷ lệ con người. Ông có một chuyên luận vô cùng nổi tiếng về kiến trúc mang tên De Architectura Libri Decem.

Tác phẩm bao gồm 10 phần, được Vitruvius tổng hợp toàn bộ kiến thức về kiến trúc – xây dựng dành tặng cho Hoàng đế Caesar. 15 năm sau, danh họa Leonardo Davinci đã trình bày lại các nghiên cứu của vị tiền bối một cách bài bản trong tác phẩm vô giá “Vitruvius Man”.

Trong cuốn sách do Da Vinci biên soạn lại, Vitruvian Man là hình ảnh đại diện cho một người đàn ông khỏa thân ở hai vị trí xếp chồng lên nhau. Điều đáng chú ý là tỷ lệ cơ thể của anh ta ở một mức độ gần như chính xác tuyệt đối.

Sự chuẩn xác giữa các tỷ lệ tự nhiên và con người là một chủ đề đã thu hút các học giả trong nhiều thế kỷ qua. Cho đến tận ngày nay, người ta vẫn sử dụng các nghiên cứu từ thời cổ đại và phát triển, ứng dụng chúng khá hiệu quả trong nhiều lĩnh vực thiết kế, điển hình là kiến trúc – xây dựng.

Để nói về tỷ lệ con người, lịch sử tiến hóa của các tiêu chuẩn này trải qua rất nhiều thời điểm khác nhau. Nhắc tới cuốn Vitrusvian Man nổi tiếng, chắc chắn không thể quên được cuốn sách gối đầu giường của KTS Neufert – Architect’s Data.

Tại Đức vào năm 1936, giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới, Ernst Neufert đã khởi động chiến dịch nghiên cứu Bauentwurfslehre (hay còn gọi là Architect’s Data – Dữ liệu Kiến trúc sư). Cuốn sách đã và đang là kho báu của nhiều thế hệ người làm kiến trúc, được tái bản rất nhiều lần và còn phù hợp trong phần lớn thiết kế hiện đại.

Cuốn sách có những hình ảnh minh họa chi tiết về tỷ lệ, các kiểu thiết kế kiến trúc cơ bản được hệ thống hóa giúp người đọc dễ dàng áp dụng. Kể từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1936, đã có thêm 39 ấn bản tiếng Đức được phát hành; sau đó tác phẩm đã được tái bản bằng 18 thứ tiếng và bán được tổng cộng hơn một triệu bản trên toàn thế giới.

Neufert – Architect’s Data không chỉ là một tác phẩm truyền đạt kiến thức, nó còn là dấu ấn văn hóa và thời gian.

Nếu để ý tác phẩm một cách kỹ lưỡng, bạn có thể nhận thấy nhiều thứ khác cũng được quy ước, quy chuẩn hóa chứ không riêng gì kiến trúc. Chẳng hạn về giới tính, đàn ông xuất hiện phần lớn trong mọi tiêu chuẩn, trong khi đó Neufert chỉ sử dụng hình ảnh của nữ giới trong mục kích thước thiết kế nhà bếp.

Từ năm 1948 đến 1953, “cha đẻ của kiến trúc hiện đại” Le Corbusier đã cho ra mắt hai trong số những ấn phẩm nổi tiếng nhất của ông: The Modulor và The Modulor 2. Trong những văn bản này, Le Corbusier đã cho biết cách tiếp cận của ông với các nghiên cứu trước đó (từ thời Vitruvius và Da Vinci) là nỗ lực tìm kiếm mối quan hệ toán học giữa các phép đo của con người và tự nhiên.

Các nghiên cứu trên được ông tự gọi là Module – một hệ thống các phép đo hoàn chỉnh trên quy mô con người dựa vào tỷ lệ vàng. Module nổi tiếng nhất của ông bao gồm ba thước đo được giới KTS hoàn toàn công nhận: 

  • Chiều cao của người đàn ông được tiêu chuẩn hóa: 1,83 m hoặc 6 feet (trước đây từng là 1,75 m, tương đương với một người Pháp trung bình)
  • Chiều cao của một người đàn ông tiêu chuẩn với cánh tay giơ lên: 2,26 m
  • Chiều cao từ bàn chân tới rốn, được coi như một nửa chiều cao khi giơ tay qua đầu: 1,13 m.

Ba tiêu chuẩn trên tạo thành Tỷ lệ vàng Fibonacci.

Modulor ra đời nhằm mục đích tạo ra một hệ đo lường và quy chuẩn chung cho các tòa nhà, tránh sự nhầm lẫn trong việc chuyển đổi giữa hệ mét và feet. Các Module của Le Corbusier áp dụng cho những công trình kiến trúc, nhưng đồng thời cũng có thể sử dụng với đồ nội thất. Marseille là dự án đầu tiên của ông mà trong đó tất cả các kích thước đều là bội số của Modulor.

Tuy nhiên, Modulor (hay Module) bị đánh giá là hạn chế do chỉ áp dụng được trên một người đàn ông trẻ và khỏe mạnh.

KTS Lance Hosey đã chỉ ra yếu điểm của Modulor: “Các phương pháp khác nhau được sử dụng để biểu diễn cơ thể con người cho thấy rằng, hình dáng điển hình lại rất đặc trưng về giới tính và chủng tộc. Các hình ảnh minh họa kích thước cơ thể áp dụng cho toàn nhân loại, nhưng chỉ có một loại cơ thể được hiển thị, đó là nam giới da trắng. Các tiêu chuẩn như vậy tuy hạn chế nhưng vẫn luôn bị gắn chặt trong kiến trúc hiện đại, trong các kích thước, kết nối và ý tưởng về không gian.”

Trên thực tế, giới tính là một phần và thậm chí còn vượt xa các tiêu chuẩn ngặt nghèo của kiến trúc. Trong cuốn sách Invisible Women: Exposing Data Bias in a World Designed for Men (tạm dịch: Những người phụ nữ vô hình: Phơi bày sự thiên vị trong một thế giới được thiết kế dành riêng cho nam giới), Caroline Criado Perez đã nêu ra được quan điểm của mình như tiếng nói chung cho toàn thể nhân loại, rằng nữ giới cũng nên được sử dụng các không gian kiến trúc một cách bình đẳng và thoải mái như những người đàn ông.

Lịch sử phát triển của tỷ lệ cơ thể con người ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Nhiều đối tượng được quan tâm hơn từ giữa thế kỷ 20. Ngoài giới tính, kích thước và hình dạng cơ thể còn thay đổi theo sự khác biệt về thể chất, văn hóa, chủng tộc, tuổi tác, quốc tịch, nghề nghiệp và điều kiện kinh tế xã hội ở mỗi vùng đất.

Từ những năm 1960, một số quan niệm bắt đầu thay đổi, ít nhất là trong các sách hướng dẫn. Việc nhận ra rằng có một số lượng lớn người khuyết tật và nhu cầu cấp thiết dành cho người cao tuổi sau những tiến bộ của y học, dẫn đến luồng suy nghĩ rằng nam giới không phải ai cũng giống nhau” – Trích dẫn José Almeida Lopes Filho và Sílvio Santos da Silva

Sau này, các nước Bắc Âu và Anh đã nhận định chính xác hơn về nghiên cứu của Vitruvian: những tài liệu đó chỉ được ứng dụng cho một con người hoàn chỉnh, và việc đó cần đi song song với nhiều đối tượng khác nữa bằng sự tôn trọng, việc phân tích rõ ràng hơn về năng lực, khả năng… thậm chí rằng đó có thể là một người khuyết tật.

Giữa những năm 1974 cho tới 1981, công ty thiết kế Henry Dreyfuss Associates đã cho xuất bản tác phẩm Humanscale (tái bản trở lại vào năm 2017). Đây là ấn phẩm đa dạng về kiến thức, cho thấy các số đo của cơ thể con người liên quan mật thiết đến bối cảnh xung quanh.

Humanscale đại diện cho toàn bộ giống loài, giới tính, mang đến sự bình đẳng và giúp các thiết kế phục vụ được cho phần lớn người sử dụng trên toàn thế giới: từ những chiếc ghế ngồi, xe lăn cho đến phương tiện giao thông hay mũ bảo hiểm.

Theo thời gian, các nhà nhân trắc học từ lâu đã đồng ý rằng giá trị trung bình là một cách viết tắt dễ gây hiểu nhầm, thậm chí còn sinh ra những sai số nguy hiểm. KTS người Mỹ Lance Hosey chia sẻ rằng: “Mô tả một thứ gì đó là “bình thường” lại rất đáng nghi ngờ. Từ “bình thường” này có thể là định lượng, đề cập đến một số lượng thống kê – nhưng có thể lại là những định kiến, mang ngụ ý có tính chính trị.”

“Nếu có một điều bình thường, bất cứ điều gì khác biệt một chút sẽ được cho là bất bình thường. Các chuẩn mực và lý tưởng thường bị nhầm lẫn và gây nên sự phân biệt giữa con người với con người không đáng có. Nhiều người “không bình thường” đôi khi lại bị gạt ra rìa của xã hội và không được hưởng đặc quyền như những người bình thường khác” – ông cho biết thêm.

Mặc dù hầu hết các quy chuẩn và lý thuyết bắt nguồn từ những đặc thù, tìm cách bao quát nhiều người và thực tế nhất có thể, không khó để quan sát được kiến trúc vẫn đang chống chọi lại các quy chuẩn đó. Chúng sẽ mãi là những di sản trong thời hiện đại đang định hình nền kiến trúc của tương lai.

Nếu kiến trúc của bạn không giống với tỷ lệ vàng của Vitruvian Man, cũng đừng nên lo lắng quá!

Biên dịch | Đức Anh (Archdaily)

XEM THÊM:

  • Hiểu và sử dụng tỷ lệ trong kiến ​​trúc
  • Bàn hình vỏ ốc theo tỷ lệ vàng
  • Kiến trúc phi tỷ lệ: Nhìn điều quen thuộc bằng con mắt không quen thuộc

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020