Chuyên mục  


Diện tích đất dành cho việc án táng người chết ngày càng trở nên khan hiếm, nhiều người dân tại các thành phố lớn phải chi trả hàng trăm nghìn USD để sở hữu được đặc quyền an táng này.

Tại những thành phố đông đúc nhất trên thế giới, việc tìm kiếm một không gian thoải mái để sống – và cả để yên nghỉ khi qua đời – là một thách thức đang ngày càng gia tăng khủng khiếp. Người ta ước tính rằng có 55 triệu người qua đời mỗi năm và số lượng người còn sống ngày nay gấp 15 lần số người đã khuất.

Các nhà quy hoạch đô thị và phát triển kiến trúc thường chỉ quan tâm đến phát triển cơ sở hạ tầng cho người sống hơn là giải quyết các nhu cầu về đất an táng dành cho người qua đời. Điều này đã tạo ra sự căng thẳng đối với đất an táng, đặt ra câu hỏi làm thế nào để chúng ta có thể xây dựng một không gian công cộng cho cả người sống và người qua đời đều có thể cùng “tồn tại”?

Nghĩa trang Bukit Brown là một trong những nghĩa trang lớn nhất tại Singapore, có diện tích hơn 200ha và lưu giữ phần mộ của hơn 100.000 người Singapore và người nhập cư trong hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, “nơi an nghỉ cuối cùng” này lại không hề bao hàm ý nghĩa “cuối cùng” như vậy. Vào năm 2015, chính phủ Singapore thông báo rằng gần 4.000 ngôi mộ tại đây sẽ phải khai quật để ưu tiên diện tích cho một hệ thống đường cao tốc mới đi qua nghĩa trang.

Thậm chí, sự biến động của những ngôi mộ vẫn không phải là tin tức được quan tâm nhất bởi sau đó Bộ Phát triển Quốc gia đã công bố các hình ảnh kết xuất và thông báo rằng toàn bộ nghĩa trang sẽ được chuyển đổi thành một khu phát triển nhà ở quy mô lớn vào năm 2030. Điều này đã khiến gia đình của những người đã khuất lo lắng về việc phần mộ của người thân mình sẽ được di dời đi đâu và vào khi nào?

Giống như nhiều nơi khác, Hongkong đã thử nghiệm một số phương pháp chôn cất mới tuy nhiên không thành công. Vì các nghĩa trang hoặc nhà thờ đã gần như không còn chỗ trống, chính quyền đã phải buộc cho nghỉ việc một nửa số nhân viên tại các đơn vị an táng và đồng thời trao trả 300.000 bình chứa tro cốt người khuất về cho các gia đình.

Ngoài ra, dự kiến Hongkong sẽ thiếu hơn 400.000 suất lưu giữ tro cốt vào cuối năm 2023. Mặc dù Hongkong cho biết sẽ xây thêm 18 công viên nghĩa trang, nhưng cho đến nay mới chỉ có hai công trình được xây dựng và sự thật là 2 công trình này cũng không đủ đáp ứng nhu cầu cho những người dân đã già của thành phố. 

Do sự thiếu hụt đất an táng, nhiều gia đình tại Hongkong đã lựa chọn giải pháp đưa người thân đã khuất về Trung Quốc đại lục để an táng bởi nơi này dễ tìm kiếm những mảnh đất trống hơn. Mặc dù giải pháp này đã được nhiều người thực hiện, tuy nhiên tình hình thiếu hụt đất an táng tại Hongkong vẫn rất căng thẳng, chi phí để sở hữu 1 khu đất an táng vẫn vượt quá một triệu đô la Hongkong.

Vậy, làm thế nào để xây dựng được một không gian công cộng phù hợp người sống nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu xây dựng phần mộ của người đã khuất?

Câu trả lời có lẽ sẽ bắt đầu từ nỗ lực thay đổi quan điểm văn hóa của cộng đồng về các nghĩa trang. Đối với nhiều người nghĩa trang là đất lãng phí và thậm chí gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên một số khác lại cho rằng nghĩa trang không phải lúc nào cũng bị coi là không gian mất vệ sinh, thậm chí còn là một nơi công cộng dành cho cộng đồng, có chức năng giống như 1 công viên. Ở các thành phố thiếu không gian xanh công cộng, các nghĩa trang được trồng nhiều cây xanh và thực sự trở thành địa chỉ phổ biến cho các kỳ nghỉ hoặc các cuộc họp mặt gia đình.

Chúng ta nghĩ việc nào là phù hợp hơn? Cho phép những phần mộ đóng vai trò kiến trúc, giúp nghĩa trang không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn đảm nhận những chức năng khác; hay tìm ra một giải pháp mới để chôn cất người thân, lưu giữ truyền thống và những ký ức mà không cần đến không gian vật lý?

Thời đại công nghệ thông tin phát triển, một số chính quyền đã và đang triển khai mô hình “nghĩa trang ảo”, cho phép các gia đình chọn phương pháp hỏa táng người thân nhưng không có đủ khả năng trang bị vật chất trịnh trọng và không gian để thăm viếng. 

Bên cạnh đó, công ty Panasonic có trụ sở tại Nhật Bản đã mua các lô đất chôn cất công ty trong các nghĩa trang để dành tặng cho một số nhân viên của họ như một phần phúc lợi của công ty. 

Ở Kuala Lumpur, nơi hỏa táng người đã khuất là một chuẩn mực văn hóa, do diện tích đất an táng hạn chế nên đã dẫn đến việc thương mại hóa nghĩa trang – nơi các bình đựng tro cốt được cất giữ trong hầm và có thể được truy cập thông qua thẻ thành viên điện tử. Nirvana là một trong những công ty đi đầu trong ngành công nghiệp lưu trữ bình tro cốt, đã có kế hoạch xây dựng thêm các nghĩa trang tro cốt trên khắp châu Á. Tuy nhiên khả năng phát triển kế hoạch của công ty này vẫn không thể theo kịp với nhu cầu lưu trữ tro cốt người thân ngày càng tăng.

Hiện tại chúng ta vẫn duy trì các phương pháp an táng truyền thống, coi đó là sự kính trọng, tình cảm yêu thương đối với những người thân yêu đã khuất. Đối với nhiều người, việc an táng người thân còn mang ý nghĩa lưu giữ ký ức của mình bằng phương thức hữu hình, mong muốn người thân để lại 1 dấu ấn vật lý trên trái đất, cho dù đó là một ngôi mộ, cột mốc hay một đài tưởng niệm. 

Cho đến khi có một giải pháp lâu dài và bền vững hơn về vấn đề đất an táng, có lẽ rất nhiều người dân ở châu Á vẫn sẽ tiếp tục tìm cách tìm cho người thân đã khuất 1 nơi yên nghỉ dù cho bất kể giá nào.

Biên dịch | H.N (Nguồn: Archdaily)

XEM THÊM:

  • Những ngôi nhà cho người… chờ chết ở Nhật Bản
  • Kiến trúc của thế giới bên kia: từ hầm mộ, mộ cho tới lăng mộ
  • Ranh giới giữa sự sống và cái chết trên ảnh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020