Chuyên mục  


Những loại máy lọc không khí giá rẻ chỉ có vài tính năng cơ bản như lọc bụi, phấn hoa, lông thú và thường dùng cho căn phòng nhỏ, chất lượng lọc cũng vừa phải.

Theo giới chuyên môn, đa số thiết bị lọc không khí sau một thời gian sử dụng, màng lọc sẽ giảm đi tính năng nên cần phải thường xuyên vệ sinh chúng. Nếu không sẽ dẫn đến bụi bám tạo thành nơi tích tụ virus, vi khuẩn, ngược lại chính là tác nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà.

Chẳng cần mua máy lọc không khí, bạn vẫn có thể giữ cho môi trường sống trong lành, sạch sẽ bằng những cách đơn giản và không tốn chi phí sau đây.

1. Giữ cho ngôi nhà sạch sẽ

Cách tốt nhất để loại bỏ các tác nhân gây dị ứng như bụi bẩn và lông thú cưng, đó là giữ cho ngôi nhà luôn sạch sẽ. Bạn càng để chất gây ô nhiễm tích tụ trong nhà thì chất lượng không khí ngày càng tồi tệ hơn.

Hãy lau dọn, giặt giũ, tổ chức nhà cửa một cách ngăn nắp và gọn gàng, đồng thời phủi bụi thường xuyên. Bạn cũng có thể thay thế các tấm thảm bằng sàn bề mặt cứng giúp dễ dọn dẹp, bụi bẩn, lông thú cưng cũng không bị mắc kẹt lại.

2. Chăm sóc tốt thú cưng

Kể cả khi bạn không bị dị ứng với vật nuôi thì vẫn phải chăm sóc thú cưng đúng cách. Hãy chải lông cho chó mèo thường xuyên, tỉa lông và tắm cho chúng thật sạch sẽ. Bạn cũng cần dọn sạch hộp đựng cát cho mèo và các chất thải của chúng, bể cá không được để quá bẩn. Bởi vì những điều đó sẽ là tác nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà.

3. Cẩn trọng khi chọn sản phẩm làm sạch

Bạn hãy cố gắng tránh các sản phẩm tẩy rửa sinh ra khói độc hại, chẳng hạn như dung dịch có thành phần amoniac hoặc thuốc tẩy. Trong một số trường hợp phải dùng đến chúng, bạn hãy nhớ đeo khẩu trang và mở cửa sổ, đồng thời sử dụng quạt thông gió cho đến khi khói bay hết.

4. Sắp xếp lại ngôi nhà của bạn

Bạn không cần thiết phải sống theo chủ nghĩa tối giản nếu không muốn, song sắp xếp ngôi nhà ngăn nắp, thoáng đãng cũng góp phần cải thiện chất lượng không khí. Việc dọn dẹp sẽ loại bỏ những đống lộn xộn trên mặt bàn, kệ, đó là nơi bụi bẩn dễ bị tích tụ.

Khi ngôi nhà quá bừa bộn và nhiều bụi bặm, đó chính là nguồn cơn khiến không khí thiếu trong lành, chưa nói đến các tác nhân có hại từ bên ngoài lọt vào.

5. Áp dụng các biện pháp tự nhiên để diệt trừ sinh vật gây hại

Các loại thuốc hóa học diệt trừ gián, kiến, bọ chét… không thực sự tốt cho sức khỏe của gia đình bạn. Hãy giảm thiểu số lần sử dụng chúng xuống mức tối đa và ưu tiên các biện pháp tự nhiên trước. Tinh dầu, bẫy làm từ keo… là vài cách mà bạn có thể áp dụng.

6. Đừng quá trông chờ vào thực vật lọc không khí

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số cây trồng đặt trong nhà có thể cải thiện chất lượng không khí. Tuy nhiên những nghiên cứu này được tiến hành trong phòng thí nghiệm, cây trồng đặt ở một thùng kín nhỏ. Trong điều kiện bình thường giữa căn phòng rộng, tác dụng của chúng thực tế không nhiều.

Chẳng những vậy lá cây còn là nơi cho bụi bẩn bám lại. Nếu đất trồng quá ẩm ướt cũng có thể chứa các bào tử nấm mốc, gây ra hệ quả xấu cho không khí trong nhà.

7. Tránh các sản phẩm có mùi thơm

Nến, các sản phẩm làm sạch có mùi thơm hoặc dung dịch xịt phòng khiến nhà bạn thơm tho hơn. Tuy nhiên chúng thường chứa VOC, là một hợp chất hữu cơ có hại cho sức khỏe con người. Nó có thể gây đau đầu, kích ứng mắt, kích ứng mũi và cổ họng, sử dụng thường xuyên lâu dài lại càng không tốt.

Bạn hãy chọn những mùi hương giúp thơm nhà có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như vỏ cam quýt và thảo mộc.

8. Dùng máy húi mùi khi nấu ăn

Khi nấu ăn, bạn hãy luôn dùng máy húi mùi để hút các loại khói ra khỏi nhà, làm không khí trong lành và căn nhà không còn bị ám mùi thức ăn.

Bạn đừng quên kiểm tra bộ lọc của máy, đảm bảo chúng luôn hoạt động tốt, không bị tắc do khói hay cặn dầu mỡ.

9. Mở cửa sổ

Nếu bạn từng nhận thấy chất lượng không khí trong nhà vào mùa đông kém hơn so với mùa hè, vậy thì bạn sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc trao đổi không khí. Ngay cả những tháng mùa đông, mở cửa sổ để đón không khí bên ngoài tràn vào cũng có lợi, dẫu cho bạn phải để ngôi nhà lạnh hơn một chút trong vài giờ.

Khi không khí không được lưu thông dễ gây ra hiện tượng ẩm mốc, vi khuẩn tích tụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe chủ nhà.

Theo: hunker

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020