Kỹ thuật gỗ carbon hóa được nhắc tới ở đây với tên gọi là Shou Sugi Ban – một cách xử lý gỗ của Nhật Bản đã tồn tại hơn 300 năm, được phát triển trên đảo Naoshima nhằm chống lại sự phá hủy gỗ do tác động của gió, nước biển.
Truyền thống tổ tiên, tính bản ngữ và tối giản, đối với nhiều người, ba khái niệm này đã định hình kiến trúc Nhật Bản, một đất nước đóng vai trò là nguồn cảm hứng văn hóa và công nghệ cho rất nhiều nền văn hóa khác.
Trong những thập kỷ gần đây, các kỹ thuật phổ biến của Nhật Bản đã lan rộng ra khắp thế giới, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà còn ở các lĩnh vực kỹ thuật và nghệ thuật. Trong kiến trúc, việc sử dụng và tái tạo các vật liệu và kỹ thuật xây dựng khác nhau như carbon hóa mặt ngoài gỗ là chủ đề nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Phương pháp xử lý này được tạo ra nhằm chống lại sự phá hủy gỗ do tác động của gió, nước biển. Ban đầu, quá trình này đòi hỏi phải đốt lớp ngoài của gỗ thông với lửa, tuy nhiên phương pháp thường thấy hiện nay là các tấm ván được đốt bằng đuốc. Bằng cách như vậy, các thớ thịt bên ngoài gỗ buộc bị phản ứng, giúp các lớp gỗ bên trong miễn nhiễm với sự tấn công của mối, nấm và các yếu tố tự nhiên khác trong nhiều thập kỷ.
Quá trình carbon hóa phải được thực hiện bởi những những chuyên gia hoặc công ty được đào tạo kỹ thuật bài bản. Quy trình này bao gồm 4 bước. Đầu tiên, việc đốt gỗ có thể được thực hiện trước khi lắp đặt hoặc áp dụng trực tiếp lên bề mặt đã được cài đặt. Sau khi đốt, gỗ được trải lên một lớp đất sét hoặc sạn đặc biệt, loại bỏ lớp carbon trên cùng và tạo cho gỗ độ bóng như mới. Trong hai giai đoạn cuối, gỗ lúc này đã có tông màu đen sẽ được phủ một lớp chống thấm đặc biệt với dầu tuyết tùng để đảm bảo độ kháng vi khuẩn, nấm mốc cao hơn trước khi được phủ lớp keo tránh các vết bẩn do bề mặt bị làm cháy.
Kiến trúc sư người Nhật Terunobu Fujimori đã đổi mới quy trình carbon hóa gỗ trong các dự án bản địa của mình, chính công việc này đã mang lại tiếng vang cho ngành kỹ thuật Nhật Bản, đồng thời tình cờ cũng tạo ra những tác phẩm độc đáo đối với bề mặt gỗ.
Ở Nhật, kỹ thuật truyền thống đã được thay thế bằng việc sử dụng và ứng dụng các vật liệu khác như polymer, đá và nhôm. Tuy nhiên, Fujimori là người đã nhân rộng kỹ thuật này bằng cách thể hiện đơn giản, rõ ràng, đưa carbon hóa gỗ vượt ra ngoài ranh giới của Nhật Bản. Vẻ ngoài ấn tượng và đặc biệt của kỹ thuật này đã khiến nhiều kiến trúc sư ở nhiều nơi trên thế giới thích thú, sáng tạo lại với những ứng dụng và bố cục mới.
Đơn cử như Villa Meijendel (2016), được đội ngũ thiết kế của VVKH Architecten ở Hà Lan và Forest Retreat (2013) được thiết kế bởi Uhlik Architekti trông giống như những viên đá chạm khắc giữa rừng, tạo điểm nhấn tinh tế cho môi trường xung quanh.
Tại Brazil, Jacobsen Arquitetura đã vận dụng linh hoạt kỹ thuật từ đất nước mặt trời mọc để soạn nên một số dự án khu dân cư và thương mại. Ở những thiết kế này đã áp dụng các kỹ thuật bản địa như sử dụng mashrabiya (là một chi tiết kiến trúc giống như chiếc hộp có chức năng không gian nội thất thông thoáng giữa nền nhiệt nóng bức) và brise-soleils (giải pháp chắn sáng, điều sáng để làm giảm sự gia tăng nhiệt trong tòa nhà bằng cách làm chệch hướng ánh sáng mặt trời) được phát minh lại, tạo ra các biến thể mới trên nền tiền lệ cũ.
Trong số các dự án văn phòng sử dụng gỗ carbon hóa, các thiết kế nổi bật là RT House (2014) với hai khối được nâng lên 1,5 mét so với mặt đất và Gilda Midani Store (2013) nằm ở Rue Oscar Freire, cửa hàng nằm giữa một phòng trưng bày nghệ thuật và lối vào của một ngôi làng. Tòa như dường như lặp lại chính nó với các thanh gỗ dọc được carbon hóa, đôi khi là hàng rào, đôi khi là mái hiên mở ra để lộ cửa sổ.
BF House (2015) cũng là một trong những công trình sử dụng gỗ carbon hóa, trên địa hình rộng khoảng 4000m2, các khối được sắp xếp theo chiều ngang với gỗ tông đen, đối lập với với tông màu ấm của gỗ nội thất.
Biên dịch | Vũ Hương (Nguồn: Archdaily)
XEM THÊM:
- Kiến trúc “Yobitsugi” truyền thống trong cửa hàng tạp hoá hiện đại ở Nhật Bản
- Kengo Kuma: Cánh rừng Nhật Bản giữa thành phố Nagoya
- Ngôi trường mái gỗ cong độc đáo ở Nhật Bản