Nguy hiểm khi vô tình biến nhà ở thành nơi thu hút rắn
Mới đây cô gái 21 tuổi ở xã Nghĩa Lâm (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) đang ngủ ở phòng trên tầng 2 nhà mình thấy lạnh mới kéo chăn lên đắp thì bất ngờ bị con rắn cạp nia trong chăn chui ra cắn vào cổ. Cô gái kéo được con rắn ra khỏi cổ thì nó cắn tiếp vào tay. Cô gái được gia đình đưa đi cấp cứu, sau 5 ngày điều trị đã qua đời.
Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) đã và đang điều trị cho nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn trong tình trạng gây suy hô hấp, liệt tứ chi… ở các tỉnh đưa về. Theo TS. BS Nguyễn Trung Nguyên (Giám đốc Trung tâm) thì mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận 3-5 bệnh nhân bị rắn cắn phải nhập viện với các mức độ nặng - nhẹ khác nhau. Mùa hè là mùa sinh sôi phát triển của rắn nên số bệnh nhân phải nhập viện do rắn cắn cũng tăng lên đáng kể. Sai lầm lớn nhất của những bệnh nhân khi bị rắn cắn là cứ loay hoay ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) thì mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế.
Bãi cỏ là một trong những nơi rắn ẩn nấp. Ảnh minh họa.
Rắn bị thu hút tới gần nơi con người sinh sống vì nó tìm thấy nguồn thức ăn, nguồn nước bên cạnh nơi trú ẩn an toàn mà con người vô tình cung cấp cho chúng như nhiều cây cối rậm rạp, khu vườn, bụi cây cảnh trước sân, bãi cỏ, hòn non bộ, nguồn nước cho chó mèo, nhà kho, nơi vật dụng được vứt bừa bãi… là nơi rắn tìm thấy thức ăn ưa thích (chuột, thằn lằn, tắc kè, thậm chí cả thú cưng cũng là mục tiêu của rắn).
Bên ngoài những bức tường hay hàng rào đá, đống củi, gỗ với nhiều cấu trúc hốc hố giúp rắn có nơi ẩn nấp cũng biến xung quanh nhà bạn trở thành điểm đến lý tưởng cho loài động vật đáng sợ này.
Vì vậy các gia đình luôn giữ nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ để hạn chế rắn vào ẩn nấp. Dọn dẹp để phá bỏ tất cả các nơi ẩm thấp có thể trở thành chỗ ẩn nấp, cung cấp thức ăn, nguồn nước cho rắn. Luôn tiêu diệt chuột trong nhà, kho, xưởng… (vì chuột là mồi ngon của rắn), phát quang bụi rậm, năng cắt cỏ, bịt các hốc hay lỗ, lối vào, lỗ cống xung quanh nhà, trần nhà, tránh để các nguồn nước ngoài trời, sân nhà, vườn như chậu vỡ vì vừa thu hút rắn, còn làm nơi cho muỗi phát triển.
Nếu thấy trong vườn, sân nhà có các hang đào, lớp da rắn bị lột… hãy báo cho người nhà cẩn thận, nhất là trẻ em tránh xa, và có thể thì nhờ người bắt rắn, hoặc báo cho nhân viên bắt rắn tới hốt đi.
Cây bạch hoa xà thiệt thảo. Ảnh minh họa.
Không trồng những cây thu hút rắn vào nhà
Trong dân gian có lưu truyền một số loài cây có sức thu hút rắn tụ về, rất nguy hiểm. Đó là các cây:
1. Bạch hoa xà thiệt thảo (cỏ lưỡi rắn trắng, bồi ngòi bò, xà thiệt thảo, xà châm thảo…) là loại cỏ mọc bò quanh năm ở vệ đường, nơi đất ẩm ướt, ưa mát và có ở cả 3 miền Bắc Trung, Nam. Ở đâu có loại cỏ này là ở đó có rắn.
2. Bạch hoa xà (còn gọi là đuôi công hoa trắng, cây lá đinh, bạch tuyết hoa), sống ở nơi ẩm mát. Tuy cây là dược liệu quý dùng chữa viêm da, sỏi mật, viêm gan, ung thư hay làm sáng mắt… nhưng mùi hương của nó đặc biệt thu hút rắn.
3. Sa nhân tím mùa quả chín có vị ngọt… là thức ăn của chuột, sóc, nhím… Vì rắn rất thích ăn chuột nên mùa quả sa nhân tím chín là rắn tìm đến để săn chuột. Cây này hay mọc thành đám ven khe suối, ven rừng, nơi ẩm ướt, nhiều bóng mát… nên người dân cần tránh nơi có cây sa nhân tím mùa ra quả để tránh bị rắn cắn.
Một số loài hoa có hương thu hút rắn khác trong dân gian như cây hoa thiên lý, hoa nhài, cây cỏ hương, bìm bìm... Nhưng nếu bón phân hóa học, hay phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ thì rắn lại không đến.
Cây sa nhân tím. Ảnh minh họa.
Nên trồng những loại cây xua đuổi rắn quanh nhà
Trong dân gian cũng có những cây khắc tinh của rắn như cây nén, lan tỏi, sắn dây xung quanh nhà để ngăn rắn vào nhà, được cho là có tác dụng xua đuổi rắn như:
Cây nén (còn gọi là hành tăm, hành trắng), thứ gia vị đặc biệt có tinh dầu mùi thanh và cay hơn so với hành, tỏi. Chỉ cần ngửi thấy mùi củ nén là các loài rắn đã lẩn tránh và không dám đến gần. Nên trồng cây nén ở trong vườn, sân, xung quanh hàng rào nhà để đuổi rắn.
Hoa lan tỏi (hoa thiên lý tỏi, hoa ánh hồng…) thân leo, hoa màu tím, hay trồng trên cổng nhà. Cây có mùi cay nồng khó chịu hơn cả tỏi nên rắn thường tránh xa nơi có cây này. Nên trồng giàn lan tỏi trước cổng ngõ, hàng rào để đuổi rắng rất hiệu quả.
Cây sắn dây (cát căn, cam cát căn, phấn cát căn, củ sắn dây, bạch cát…), nhựa sắn dây khiến rắn sợ và tránh xa. Nhà nào có sân vườn rộng, um tùm, nhiều loại cây thì trồng thêm vài bụi sắn dây xua đuổi rắn.
Cây sả có mùi thơm, trồng khắp cả nước, trong các gia đình. Củ sả bẻ/xắt, đập giập sẽ tiết ra tinh dầu xua đuổi rắn. Còn để cả cụm sả thì đôi khi rắn chui vào đó làm tránh nóng.
Rắn còn rất mẫn cảm với các những loại cây có tinh dầu hay mùi hương như bạc hà, hương thảo, ngũ sắc… Trồng những loại cây này có thể giúp cho rắn tránh xa nhà bạn.
Nuôi chó mèo đuổi rắn. Việc nuôi chó hoặc mèo trong nhà có thể xua đuổi rắn, ngăn chặn chuột xâm nhập, hạn chế khả năng bị rắn vào nhà.
Tự làm dung dịch xua đuổi rắn. Trộn muối hạt với tỏi nghiền với tỷ lệ 1:1 rồi rắc xung quanh lối vào nhà, sân vườn...giúp ngăn chặn các con rắn bén mảng tới ngôi nhà bạn.
Nuôi chó, mèo trong nhà ngăn chặn chuột xâm nhập, hạn chế rắn xâm nhập vào nhà. Ảnh minh họa.
Còn có một số loại thuốc có tác dụng đuổi rắn như: DDT, cyanogas, mercaptan, nicotine sulfate, mothballs (naphthalene), sulfur... để rắc quanh nhà hay những nơi tiềm ẩn nguy cơ rắn có thể trú ngụ như bụi cây, hốc tường hàng rào...
Bột hùng hoàng (còn gọi là Minh hùng hoàng, Hùng tinh, Yêu hoàng gồm Sulfur Asen và lưu huỳnh kết hợp với các loại thực vật để tăng hiệu quả xua đuổi, diệt trừ rắn). Rắc bột hùng hoàng quanh nhà, sát vách tường… rắn có sẽ bỏ đi ngay. Tuy bột hùng hoàng có công dụng trị rắn cắn, trúng độc… nhưng vì nó độc nên khi dùng phải cẩn thận.
BS Nguyên khuyến cáo, hiện Việt Nam có rất nhiều loại rắn độc và mỗi loại lại có cơ chế gây độc khác nhau nên tùy theo loại rắn độc mà chúng ta có biện pháp sơ cứu cũng như hướng điều trị khác nhau. Vì vậy sau khi bị rắn độc cắn cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách để nọc độc từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm và ít hơn. Đồng thời nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều kiện điều trị thực sự (như cấp cứu hô hấp, tim mạch tốt, có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu) để được xử lý kịp thời.
Ngọc Hà