Chuyên mục  


Căn hộ 2 phòng ngủ của vợ chồng chị Lương Hồng Mỹ (hiệu trưởng một trường mầm non Montessori) thuộc một dự án ở Hạ Long, Quảng Ninh, nằm sát biển. Tận dụng lợi thế ấy, chị Mỹ làm một hệ thống tủ chạy dọc tường, để hở phần diện tích bên cửa sổ làm một phản nhỏ. Một tháng nay chuyển về đây, chị hay nằm đọc sách ở đó. Thi thoảng, bé Đức Cường - con trai 7 tuổi của chị - chạy lại giành vị trí đắc địa với mẹ. Cường thích được nằm thừ ở đấy ngắm thuyền ra vào bến cảng.

Tủ không chỉ chứa quần áo mà còn chăn gối, thậm chí cả loại nệm futon của Nhật mà gia đình đang sử dụng thay cho giường. Ngủ xong, nhà chị gấp gọn cất vào đó.

Tủ chạy dọc tường dài khoảng 3 m, sâu 60 cm, với tầm ngắm vươn ra biển. Cửa sổ chỉ mở tối đa 10 cm để đảm bảo an toàn. Ảnh: Hồng Mỹ.

"Khi sinh con 6 năm trước, tôi mua riêng chiếc tủ lạnh 350 lít phục vụ công cuộc ăn dặm của bé. Nhưng khi về nhà mới, tôi chuyển sang chiếc tủ 90 lít, mua 2,6 triệu đồng, chỉ để giữ mát hoa quả và chục trứng gà, không trữ thực phẩm, cũng không tích đồ ăn thừa", chị Mỹ tiết lộ. Bữa cơm nhà chị đơn giản với chỉ một món rau, một món đạm và cơm cắm đủ mỗi người một bát.Trong nhà chị Mỹ không có hầu hết các đồ nội thất cơ bản, như kệ tủ trang trí, tivi, sofa, giường, bàn trang điểm. Phòng khách để trống trơn. Chị Mỹ dự kiến đặt một bộ bàn ăn kiểu dáng đơn giản vừa là nơi tiếp khách.

Con đường đến với tối giản của chị Mỹ bắt đầu năm 2017, khi sống trong căn phòng rộng 12 m2 thuộc phạm vi nhà trẻ do chị sáng lập. Ban đầu phòng ít đồ, nhưng sau một thời gian bắt đầu chen chúc quần áo, đồ chơi, bàn ghế, tivi. Chính lúc cảm thấy ngột ngạt thì chị đọc được cuốn Lối sống tối giản của người Nhật.

"Hóa ra tôi đã sống theo một phần tinh thần của cuốn sách từ rất lâu, như không bao giờ chạy đua theo quần áo, mua ít mà chất lượng tốt. Có chiếc áo tôi mặc 10 năm", chị nói.

Việc đầu tiên chị Mỹ tối giản triệt để là cho đi sách, trong đó có nhiều cuốn chưa đọc. Cảm giác "cắn rứt lương tâm" khi cho sách không còn, thay vào đó chị phát hiện "trong năm kế tiếp đã đọc được nhiều hơn cả thời thích trữ sách".

Chị Hồng Mỹ theo xu hướng sống tối giản 2 năm nay. Ảnh: Đ.C.

Tiếp đến, chị cắt giảm sang tủ quần áo. Chị Mỹ từng thấy kỳ lạ với một người bạn thường mặc duy nhất một bộ đồ bởi nó đến từ một thương hiệu yêu thích. Sau này cuốn sách tối giản đã giải thích hộ chị: "Biết cảm ơn, biết trân trọng, bạn sẽ không còn thấy nhàm chán vì luôn thấy, luôn dùng một món đồ trong thời gian dài", sách viết.

Đây chính là giải pháp cho căn bệnh nghiện mua sắm, bởi sự nhiều sẽ gây ra nhàm chán, đau khổ. Từ đó, chị Mỹ đưa ra hai quy tắc với tủ quần áo. Thứ nhất, chị gói ghém cất đi phần lớn đồ của mình, chỉ dùng 6 bộ đi làm và ra ngoài. Trong vòng 3 tháng chỉ sử dụng những món này. Sau đó, đánh giá lại tủ quần áo của mình để bổ sung, mua mới, lấy thêm đồ cũ, hoặc bỏ bớt đồ đi...

Luật thứ hai là quy tắc về việc mua sắm: Nếu bạn mua một món đồ mới thì phải bỏ một món đồ cũ (cùng loại) đi.

Tường phòng ngủ chính đập bỏ thay bằng cửa kính lùa để không gian thoáng, còn phòng khách dùng một chiếc bàn nhỏ ăn uống, tiếp khách. Ảnh: Hồng Mỹ.

Sau đó, chị gạ chồng bỏ đi giường, băng đĩa, nhật ký... Căn phòng 12 m2 bỏ giường, chuyển sang dùng tấm nệm futon, giải phóng diện tích.

"Việc tối giản ăn uống cũng đến với gia đình tôi một cách tự nhiên, do chồng tôi thấy giảm cân khỏe ra, không cầu kỳ ăn uống. Hơn nữa, hai đứa đều phải đi làm bận rộn nên việc nhà phân công nhau. Anh hiểu được nỗi khổ khi nấu nhiều ăn không hết, mệt vì dọn nhà nhiều đồ. Khi dạy con học, anh hiểu được cảm giác vì sao vợ không thích chồng xem tivi, dành sự tập trung cho con", chị kể. Vậy là trong nhà cứ ít dần đồ đi, tivi bỏ một cách nhẹ nhàng.

Riêng con chị sống trong căn nhà chỉ có sách và đàn piano thì không có lựa chọn nào hơn là chơi đàn hoặc đọc sách và phải chạy xuống nhà sinh hoạt chung của chung cư để tìm bạn chơi. Cậu bé cũng chỉ có 4 bộ quần áo để mặc khi ra ngoài.

"Hai bí quyết để chồng và con cũng tuân thủ lối sống đó là tôi làm gương và phân công việc nhà cho tất cả thành viên. Với chồng tôi, những việc nào có lợi cho con càng dễ tác động anh ấy", chị Mỹ giãi bày.

Trong quan điểm của chị Hồng Mỹ, tối giản không phải là xuề xòa, đơn giản mà ít về số lượng và trân trọng đồ mình có. "Trong cuộc sống gia đình bớt đi các đồ điện tử, quần áo, giày dép và những thứ có tác động xấu, gia đình có nhiều thời gian cho nhau, cho mình cảm giác thoải mái, chứ không hẳn tiết kiệm chi phí", chị Mỹ nói.

"Tôi đang trong hành trình học cách quý trọng từng món đồ mình có. Khi biết trân trọng sẽ không còn thèm khát những gì mình chưa có nữa", chị nói.

Căn hộ 100m² truyền cảm hứng của chàng trai thiết kế thời trang

Theo Phan Dương

VnExpress

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020