Chuyên mục  


Ngày 2/12/2020, Hội KTS Hà Nội tổ chức Toạ đàm “Một số vấn đề cần đổi mới trong công tác quy hoạch đô thị theo hướng tích hợp đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch”. Các chuyên gia đã trao đổi về một số vấn đề tồn tại và gợi mở giải pháp nâng cao công tác quy hoạch đô thị trong bối cảnh hiện nay.

Ths.KTS Nguyễn Đức Hùng – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chủ trì Tọa đàm

Trong những năm qua, công tác quy hoạch đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm và triển khai tích cực, sâu rộng trên cơ sở chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Từ đó đã tạo căn cứ cho việc kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án trong nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương trong cả nước. Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đội ngũ làm công tác quy hoạch và chất lượng quy hoạch đã từng bước có thay đổi rõ rệt. Trong đó việc lập và quản lý theo Quy hoạch đô thị đóng góp không nhỏ trong quá trình phát triển của cả nước, bộ mặt đô thị của các tỉnh thành phố đã được thay đổi theo hướng văn minh, xanh – sạch – đẹp.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch trong bối cảnh hiện nay thể hiện rất nhiều yêu cầu đổi mới toàn diện, đặc biệt là việc tích hợp các quy hoạch chuyên ngành với quy hoạch đô thị.

KTS Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch Hội KTS Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, KTS Vũ Hoài Đức nhận định, với hệ thống quy hoạch đô thị hiện nay gồm: quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý… chúng ta mới đang thiết lập các công cụ cho “nhà nước” để quản lý là chính; hay bản chất là dừng ở quy hoạch cơ cấu, hình thể – không gian… chứ chưa thực sự có sự tham gia của các lĩnh vực trong việc lập quy hoạch đô thị.

Do đó, công tác quy hoạch cần thể hiện tính chiến lược, tăng cường sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước, trách nhiệm của cộng đồng và phải có sự phối hợp toàn diện, đồng bộ, nhằm lựa chọn giải pháp thực thi, giải quyết thấu đáo mối quan hệ qua lại giữa các ngành, các cấp, giữa lập quy hoạch và thực thi.

KTS Vũ Hoài Đức cũng đề xuất sơ bộ một số vấn đề trọng tâm: nên xem xét lại hệ thống quy hoạch đô thị, xác định rõ lĩnh vực cần tích hợp, nội dung cần đổi mới và triển khai, đổi mới trong minh bạch và cách thức thông tin quy hoạch.

Theo Ths.KTS Nguyễn Toàn Thắng, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch hiện nay đòi hỏi các nhà khoa học, các KTS, đặc biệt là các nhà quản lý về quy hoạch đô thị cần tiếp tục nghiên cứu, tập trung định hướng đổi mới phương pháp lập quy hoạch đô thị; đảm bảo yêu cầu phù hợp với nền kinh tế thị trường, đáp ứng được số đông dân cư đô thị; tạo ra những sản phẩm quy hoạch đô thị bền vững, đô thị thông minh, phát huy công tác xã hội hóa trong lĩnh vực lập quy hoạch, giảm quy trình và thời gian quy hoạch.

Xuyên suốt buổi tọa đàm, nhiều nội dung đã được gợi mở nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng những sản phẩm quy hoạch chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Theo Luật Quy hoạch 2017 , tích hợp quy hoạch là phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch trên một phạm vi lãnh thổ xác định nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả bền vững.

Ban biên tập

XEM THÊM:

  • Hội Quy hoạch PTĐT Hà Nội: Nguồn lực nòng cốt nâng cao chất lượng quy hoạch Thủ đô
  • Tập huấn “Kỹ năng thuyết trình & bảo vệ đồ án kiến trúc”
  • Cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trực tuyến trên cả nước

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020