Ý nghĩa Lễ tạ Thổ Công cuối năm
Theo hướng dẫn của chuyên gia phong thủy Tam Nguyên (Viện phó thường trực Viện nghiên cứu Bảo tồn Phát triển Văn hóa phương Đông, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Phong thủy Tam Nguyên), Lễ tạ thần còn gọi là Lễ tạ Thổ công (lễ hoán thần hồng, lễ tạ ơn, lễ tạ đất, lễ Hóa mã trên ban thờ...). Lễ này chỉ làm trong tháng 12 âm lịch) nhằm tạ ơn các vị thần linh, thổ công cai quản đất nơi mình ở năm qua đã phù hộ cho gia chủ bình an, phát tài, thuận hòa, may mắn…
Thổ Công là vị thần quan trọng nhất trong nhà, khi sắp xếp bát hương đứng ở ngoài nhìn vào thì bát hương thờ Thổ Công ở giữa, bên trái là bát hương bà Cô Tổ, bên phải là bát hương Gia tiên. Khi cúng lễ, đều phải khấn thần Thổ Công trước để xin phép cho tổ tiên về. Trong nhà mỗi khi làm việc có đụng chạm đến đất đai như xây cất, đào ao, đào giếng, mở vườn, mở ruộng, đào huyệt… đều phải cúng xin phép vị thần Thổ Công (còn gọi là thần Thổ Địa, Thổ thần) - vị thần cai quản vùng đất đang ở.
Lễ tạ thần là một trong các tục lệ lâu đời của người Việt làm trước khi đón Tết Nguyên đán. Xưa các cụ làm cỗ lớn để tạ ơn các vị thiện thần đã che chở cho mảnh đất an lành, vượng mạch, sung khí, bốn mùa gia đạo trong ngoài êm ấm, mạnh khỏe… Cũng là dịp dạy dỗ con cháu biết nói lời cảm ơn, lễ tạ ơn các vị thần linh, thiện thần và những người xung quanh.
Lễ tạ Thổ Công giờ được làm trùng vào Lễ tạ Táo.
Lễ tạ Thổ Công cần làm những gì?
Xưa các cụ làm lễ tạ Thổ Công trước, rồi mới làm lễ tạ Táo – vì đó là 2 nghi thức khác nhau.
Ngày nay Lễ tạ thần có thể làm trùng vào Lễ tạ Táo cho đỡ phức tạp. Ngày này người dân mua 3 bộ quần áo Táo quân, 1 bộ quần áo thần linh - bộ quần áo thần linh đó chính là bộ cần hóa cho thần Thổ Công dịp Lễ tạ thần.
Trong Lễ tạ thần, những tranh ảnh, bài vị của các vị thần theo niên vận như là Thái Tuế phù, các chữ xin đầu năm có ghi niên vận, các kim bài thái tuế, lệnh phù, tranh ảnh, bài vị, bùa chú bình an, tài lộc, vàng hoa đỏ… của các vị thần theo niên vận của năm cũ… cả nhà mới có trấn trạch hổ phù đều hóa luôn dịp lễ này.
Mỗi vùng miền có cách cúng khác nhau, ở miền Nam và các Hoa kiều khi cúng Thổ Công thường ăn trước một miếng trước bàn thờ Thổ Công – theo tích thần Thổ Công bị đầu độc chết, nên ai cúng phải ăn một miếng trước thì thần mới dám ăn), còn người miền Bắc vẫn cúng như bình thường.
Xưa các cụ làm Lễ tạ Thổ Công và lễ tạ Táo riêng. Ảnh minh họa.
Cách sắm lễ tạ Thổ công cuối năm theo dân gian
Trong ban thờ gia đình có 3 lư hương thờ Thần linh, Hội đồng gia tiên và bà cô Tổ dòng họ. Lễ tạ thần làm ngay tại ban thờ nhà mình, nghi thức cúng ở gia đình:
Lễ chay gồm:
- Hương thơm, hoa tươi (cúc vàng, hoặc bình hoa ngũ sắc, hoa hồng đỏ) 10 bông chia ra hai lọ hai bên (nếu là ban thờ lớn).
- Trầu 3 lá, cau 3 quả dài đẹp.
- Đĩa ngũ quả 5 loại quả 5 màu bày 2 đĩa ở hai bên.
- Xôi trắng 2 đĩa bày hai bên.
Lễ mặn gồm:
- Gà luộc nguyên con bày vào 1 đĩa (gà giò, gà trống thiến), hoặc 1 cái chân giò lợn luộc (chân giò trước, trái hay phải đều được), cút rượu trắng (với 3 chén đựng rượu), 10 lon bia, 6 lon nước ngọt bày ở hai bên ban thờ; Thuốc lá, chè, bánh kẹo… bày vào 1 đĩa to.
- 1 đĩa xôi, 2 bát chè ngọt, 1 con gà luộc.
- 1 chén rượu, 1 chén trà khô, 1 chén nước, 1 chén gạo, 1 chén muối.
Một số gia đình thường có đèn thờ thì không cần phải dùng nến cốc, nếu không có đèn thờ thì phải dùng đôi nến khi thắp hương làm lễ.
Phần mã tùy tâm, nhưng cần có mã dâng Thần linh và tiền mã dâng gia tiên.
Chọn ngày làm Lễ tạ thần
Lễ tạ thần được chọn ngày tốt, giờ tốt để làm, đồng thời xin phù hộ cho gia đình năm mới tăng tài tiến lộc hơn năm trước, nhân hòa hưng long, đạt được những điều mong ước…
Riêng 4 ngày 18, 19, 21, 25 tháng Chạp có 4 tuổi cần chú ý:
Ngày 18 tháng Chạp kị tuổi Thân.
Ngày 19 tháng Chạp kị tuổi Dậu.
Ngày 21 tháng Chạp kị tuổi Hợi.
Ngày 25 tháng Chạp kị tuổi Mão.
Ngọc Hà