Loại bỏ đi những khuôn khổ làm việc thông thường, 5 không gian sau đây được thiết kế nhằm hướng đến môi trường tương tác, thúc đẩy tinh thần làm việc của mọi đối tượng sinh hoạt bên trong.
Lerma Workshop – Không gian chia sẻ sáng tạo
Lerma workshop là studio được chia thành nhiều khu vực dành cho các nghệ nhân, nghệ sĩ cần có không gian làm việc lý tưởng. Công trình được cải tạo từ phòng khám nha khoa ở Buenos Aires, Argentina.
Quan điểm đầu tiên được đặt ra trong quá trình cải tạo là giữ lại nhiều nhất có thể các cấu trúc nguyên bản, đặc biệt là các khoảng giếng trời lấy sáng. Để đạt được yêu cầu này, các NTK đã phân chia không gian bằng những hệ cửa xếp kính mờ, khung kim loại. Chúng mở ra nhiều lựa chọn hơn về không gian cần sự linh hoạt, đảm bảo tính riêng tư khi cần thiết và hơn hết là tối ưu hóa nguồn sáng vào trong từng khu vực đơn lẻ.
Studio Reyes – Không gian brutal mang tinh thần điêu khắc
Pedro Reyes – nghệ sĩ điêu khắc người Mexico từng được đào tạo như một KTS trước khi chuyển hướng sang sáng tác nghệ thuật đã hoàn tất kế hoạch xây dựng studio ngay tại nhà riêng của mình theo phong cách brutal với chất liệu bê tông đúc và đá. Reyes cũng đã tự mình thiết kế cho phần mở rộng của ngôi nhà – nơi anh dùng để làm việc chính.
“Chúng tôi chuẩn bị không gian cho các cửa hàng bao gồm gỗ, kim loại, kho hàng và xưởng vẽ với các hệ giếng trời hình tròn giúp tối ưu ánh sáng trời. Chúng tôi thích làm việc bằng tay theo kiểu cũ và giảm thiểu sử dụng máy tính.” – Reyes cho biết.
Sannouno Office – Mái nhà tạo không gian
Một mái nhà lớn, trũng, cong và hoàn toàn có thể sử dụng được như một không gian ngoài trời là những ấn tượng đầu tiên về văn phòng Sannouno Office tại thành phố Okazaki, Nhật Bản. Công trình hầu như được thi công bằng gỗ với hai tầng trệt và thượng.
Khu vực làm việc của Sannouno Office rải rác khắp hai tầng, xen kẽ đó là một số không gian chức năng cần thiết như bếp nhỏ, pantry. Các NTK đã bố trí nhiều khoảng giếng trời nhỏ nhằm lấy sáng cho tầng trệt, đồng thời tạo sự tương tác thiết yếu cho hai không gian trên – dưới. Đây cũng là khoảng trống để cây cối phát triển, mang thiên nhiên vào công trình một cách hài hòa.
Viện nghiên cứu ven kênh đào
Lấy cảm hứng từ di sản kiến trúc và lịch sử hình thành địa phương, kết hợp với cùng nhiều giá trị thẩm mỹ, công năng mới, HOH Architecten đã chuyển đổi hai công trình nhà ở từ thế kỷ XVII thành Viện nghiên cứu nâng cao (Institue of Advanced Studies) dưới sự uỷ quyền của Đại học Amsterdam. Hàng loạt các không gian độc đáo đã được bổ sung nhằm thể hiện đặc tính liên ngành của viện cũng như tái xác định cách làm việc, nghiên cứu, cộng tác của các chuyên gia tại đây.
Treehugger – Kẻ dị biệt giữa trấn cổ
Nằm lạc ngay bên ngoài những bức tường thành Trung Cổ Bressanone (Brixen) tại thị trấn lâu đời nhất nước Ý South Tyrol, công trình Treehugger như một điểm dừng chân đầy bất ngờ mà không hề có một dấu hiệu báo trước. Dự án là văn phòng của công ty du lịch do MoDus Architects thiết kế theo lối kiến trúc hiện đại, hình khối lạ mắt của công trình ngay lập tức tạo nên cái nhìn tương phản với cảnh bao quanh, nhưng theo hướng tích cực.
(ELLE Decoration VN)