Chuyên mục  


Việc dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa là một điều cần thiết mà chúng ta nên làm thường xuyên. Tuy nhiên nếu bạn đang cảm thấy mình mất quá nhiều thời gian lau chùi thì có thể cách thiết kế, trang trí của ngôi nhà là một phần nguyên nhân.

Sau đây là 5 phương án trang trí nhà chưa biết có mang lại tính thẩm mỹ cao hay không, thế nhưng chắc chắn là sẽ khiến bạn phải phát khùng khi lau chùi, dọn dẹp.

1. Vật liệu phản quang sáng bóng

Bề mặt sáng bóng dễ bắt bụi và in hằn dấu vân tay.

Các thiết kế có lớp hoàn thiện sáng loáng, độ bóng cao trông thật quyến rũ và đẹp mắt. Tuy nhiên chúng lại có xu hướng để lại vết ố bẩn và dấu vân tay nhiều hơn so với các thiết kế mờ đục.

Với các bề mặt thép không gỉ hay gương, để giữ cho chúng luôn sạch sẽ không tì vết thực sự là một thách thức.

Vật liệu kính mặc dù có khả năng phản chiếu ánh sáng và làm rộng không gian nhỏ, song để giữ cho tấm kính luôn trong suốt thực sự khó khăn hơn nhiều so với dùng một tấm rèm vải cơ bản.

Nhà tắm có cửa kính đòi hỏi phải lau thường xuyên.

Do vậy bạn hãy cân nhắc thật kỹ trước khi lắp đặt các thiết kế kể trên, nếu không hãy tìm hiểu kỹ lưỡng tất cả các cách để có thể giữ chúng sạch sẽ.

2. Nhiều đường nối và kẽ hở

Bổn rửa gắn tường.

Các thiết kế của bạn có càng nhiều khoảng trống, đường nối và kẽ hở thì càng tạo cơ hội cho bụi bẩn và rác bị mắc kẹt, ẩn náu trong đó. Bồn rửa gắn tường trong nhà bếp hoặc nhà tắm chính là thủ phạm khiến các mảnh vụn thức ăn và bụi bẩn mắc kẹt lại. Hãy sử dụng một chiếc bồn rửa gắn liền với bệ bếp, không có khe hở, mọi thứ sẽ sạch sẽ và dễ dọn dẹp hơn rất nhiều.

Bồn rửa gắn liền với bệ bếp không có kẽ hở.

Đối với các khoảng tường sử dụng gạch ốp lát, viên gạch có diện tích càng nhỏ thì bạn sẽ càng có nhiều đường vữa và phải cọ rửa nhiều hơn để chúng không bị ố màu, nấm mốc.

Nếu bạn yêu thích loại gạch có kích thước nhỏ không muốn thay thế, hãy sử dụng loại keo gắn có màu tối hơn. Để cho dù bạn chưa kịp vệ sinh thì trông chúng cũng không quá khủng khiếp.

Dùng keo gắn mạch gạch màu tối để trông sạch sẽ hơn.

3. Thiết kế không kịch trần

Nhiều ngôi nhà có hàng tấn bề mặt tiếp xúc khiến bụi bẩn bám lại. Bạn hãy xem xét phương án mở rộng tủ bếp đến kịch trần, đặt tủ lạnh vào một ngăn chứa vừa khít để tránh khoảng không gian thừa phía trên có thể bám bụi. Với cách làm ấy chúng ta sẽ hạn chế được tình trạng “suốt ngày phải lau chùi”.

Ngoài ra các thiết kế kệ mở trong bếp cũng tạo điều kiện cho bụi bặm, dầu mỡ dính lên đồ vật. Hãy hạn chế chúng ở mức thấp nhất, trang bị thêm cánh cửa cho các kệ lưu trữ của bạn để bảo vệ đồ vật bên trong.

Thiết kế dạng này thực sự là "mảnh đất màu mỡ" cho bụi bẩn tích tụ.

Điều chỉnh các thiết kế lên kịch trần.

4. Chi tiết trang trí công phu

Các thiết kế cầu kỳ, công phu quả thực mang lại một vẻ đẹp nổi bật và quyến rũ cho căn nhà. Bạn hẳn là sẽ thích sống trong một không gian như vậy. Thế nhưng chắc chắn là chẳng ai vui vẻ khi phải dọn dẹp và lau chùi nhà cửa đâu.

Các món đồ và chi tiết trang trí công phu, nhiều ngóc ngách chẳng những là nơi ẩn náu tốt cho bụi bẩn mà còn vô cùng khó làm sạch.

Các thiết kế cầu kỳ đẹp thì cũng đẹp nhưng dọn dẹp rất vất vả.

Không phải ngẫu nhiên mà thiết kế nội thất cao cấp đa phần đều sở hữu những đường nét và hình khối đơn giản. Chúng chẳng những mang lại vẻ thanh lịch, tối giản mà còn dễ dàng trong khâu giữ gìn và làm sạch.

5. Bề mặt có kết cấu phức tạp

Lau chùi các bề mặt có kết cấu phức tạp này thực sự là một vấn đề lớn.

Các bức tường, trần nhà có kết cấu phức tạp sẽ tạo thêm sự thú vị cho không gian nhưng chúng cũng cực kỳ khó vệ sinh. Những khoảng tường phủ đá hoặc tranh nền 3D hay các bề mặt có rãnh sâu, hình dạng răng cưa, tất cả đều mất rất nhiều công sức lau chùi. Bạn hãy cân nhắc lựa chọn phương án thay thế đơn giản và dễ vệ sinh hơn.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020