Chuyên mục  


1. Bếp nào, nồi nấy

Lựa chọn loại nồi phù hợp với mặt kính bếp từ là nguyên tắc đầu tiên, mang tính sống còn để đảm bảo hiệu năng cũng như độ bền của bếp. Độ dày lý tưởng của đáy nồi inox là từ 4-6mm, còn chảo gang tráng men cần có đáy dày từ 2-3mm.

Đáy nồi nên hơi lõm (cong vào trong) một chút. Lý do là ngay sau khi nhiệt được truyền vào đáy nồi, nó sẽ nở ra và trở nên bằng phẳng trên bề mặt bếp. Tuy nhiên, đáy nồi không nên quá cong, vì nếu vậy sẽ tạo ra nhiều khoảng trống giữa mặt bếp và đáy nồi và làm giảm khả năng dẫn nhiệt.

Cuối cùng, chúng ta nên chọn nồi với kích cỡ và hình dáng phù hợp với thiết kế vùng nấu, nhằm đảm bảo thức ăn được nấu chín đều và tránh thất thoát nhiệt.

2. Dùng nồi chảo có từ tính

Khi sử dụng bếp từ, bạn sẽ cần dụng cụ nấu ăn có từ tính. Bạn có thể thử bằng cách úp ngược nồi, sau đó cầm một cục nam châm ở phía trên. Nếu cục nam châm "dính" vào đáy nồi, điều này có nghĩa là đáy nồi được làm bằng vật liệu từ tính và phù hợp với bếp từ.

3. Không dùng những loại nồi không phù hợp

Bạn không nên sử dụng nồi có đáy bằng đồng, gốm thủy tinh hoặc nhôm thường vì chúng không có từ tính, chưa kể còn để lại các hạt nhỏ rất khó loại bỏ trên mặt bếp. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh dùng các loại nồi bị bẩn hoặc hỏng đáy, vì chúng có thể gây ra những vết xước vĩnh viễn khi tiếp xúc với mặt bếp.

4. Tắt bếp trước khi lau

Bếp từ là loại bếp có tính an toàn tương đối cao vì nguồn nhiệt bị ngắt ngay khi bắc nồi ra khỏi bếp, trong khi các khu vực xung quanh vẫn tương đối mát mẻ. Tuy nhiên, bạn vẫn nên thận trọng, vì đồng hồ hoặc vòng tay của bạn vẫn có khả năng dẫn nhiệt và làm bỏng tay nếu bạn quên tắt bếp.

Cuối cùng, bạn nên bắc toàn bộ xoong nồi ra khỏi bếp trước khi vệ sinh. Nếu không, nồi xoong vẫn còn khá nóng và dễ gây bỏng cho chính bạn hoặc những người xung quanh.

5. Không sử dụng mặt bếp làm bàn sơ chế thức ăn

Nếu sơ chế thức ăn ngay trên mặt bếp, những hạt cát rơi ra từ rau củ, hay khi bạn chặt dừa hoặc các vật nặng khác đều có thể gây ra các vết xước trên bề mặt bếp. Tốt nhất là bạn chỉ nên dùng bếp từ để nấu và không lạm dụng vào những mục đích khác.

6. Vệ sinh bếp sau mỗi lần nấu

Mặt kính bếp từ được làm từ gốm thủy tinh, vật liệu kết hợp vẻ đẹp của kính với đặc tính chống nhiệt cao và độ bền vô địch. Do vậy, việc vệ sinh bếp sẽ trở nên dễ dàng – bạn chỉ cần lau với khăn mềm sau mỗi lần nấu là đủ. Thói quen vệ sinh ngay sau khi nấu sẽ giúp bạn tránh phải "tổng vệ sinh" cật lực hàng tuần hoặc hàng tháng.

7. Tránh sử dụng các chất tẩy rửa mạnh

Khi vệ sinh bếp, bạn nên tránh sử dụng những miếng bọt biển thô ráp, hay những chất tẩy rửa mạnh như xịt tẩy rửa lò nướng, vì những sản phẩm này không phù hợp với bề mặt gốm thủy tinh, thậm chí còn có thể làm hỏng mặt bếp. Do vậy, bạn chỉ nên dùng những dung dịch vệ sinh bếp dịu nhẹ và phù hợp với mặt kính bếp từ.

8. Vệ sinh đúng cách

Để vệ sinh mặt kính bếp từ, đầu tiên bạn hãy dùng dụng cụ cạo kim loại để loại bỏ cặn cứng và thực phẩm cháy còn sót lại trên mặt bếp. Sau đó, bạn nhỏ vài giọt chất tẩy rửa gốm thủy tinh chuyên dụng rồi chà với khăn giấy. Cuối cùng là lau sạch chất tẩy rửa bằng khăn ẩm và lau khô lại bằng khăn sạch.

9. Cách xử lý khi lỡ đánh rơi đường hoặc giấy bạc trên bếp

Khi sơ ý để đường, nhựa hay giấy bạc rơi trên bếp, chúng ta thường chờ chúng nguội bớt trước khi vệ sinh. Tuy nhiên, nếu chần chừ, giấy bạc hoặc nhựa nóng sẽ chảy lên vùng bếp, khi nguội đi, chúng sẽ bám chặt vào mặt kính và sẽ rất khó loại bỏ.

Do vậy, khi xảy ra sự cố như vậy, bạn nên vệ sinh ngay lập tức với dụng cụ cạo kim loại phù hợp. Như vậy, bạn sẽ dễ dàng xử lý những sự cố này một cách nhanh chóng mà không lo bị bỏng tay.

10. Giữ bếp luôn khô ráo để tránh hình thành cặn canxi

Cặn canxi hình thành nếu hàm lượng canxi trong nước ở mức cao, và thường xảy ra khi bạn đặt nồi ướt lên mặt bếp. Bạn có thể hạn chế những vết bẩn này bằng cách lau thật khô nồi trước khi nấu. Nếu vẫn thấy cặn canxi bám trên mặt bếp, bạn có thể vệ sinh bằng chất tẩy rửa phù hợp.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020