Ngôi nhà 1,5 tầng rộng 150m2 hiền hòa nép mình giữa những tán cây, lấy cảm hứng từ nếp nhà nông thôn truyền thống ở miền Bắc.
Điểm nhấn là mái nhà dốc xòe rộng, mái được đổ bê tông, chống nóng cẩn thận và lát đá.
Ngôi nhà là tâm huyết anh Tâm dành trọn cho mẹ sau 10 năm bôn ba nơi đất khách. |
Góc mái “vén” lên để đón hướng gió mát thổi vào nhà. Chống đỡ mái là cột được ốp gỗ ngoài trời như thân cây đỡ lấy ngôi nhà.
Thiết kế có hướng đi của gió vào và ra để ngôi nhà lúc nào cũng thoáng mát. Hệ cửa linh hoạt có thể mở thoáng về mùa hè, đóng kín chắn gió về mùa đông mà vẫn đảm bảo góc nhìn lãng mạn ra vườn và đủ sáng.
Tất cả các phòng đều có thông gió đối lưu để đảm bảo không khí tươi liên tục, ánh sáng tự nhiên, hoàn toàn không cần bật đèn vào ban ngày.
Hiên nhà rộng vừa là khoảng đệm chắn nắng Tây chiếu trực tiếp vào nhà, vừa là nơi đọc sách, uống trà, ngồi tán gẫu. |
Nhìn ngôi nhà với không gian mở nhưng thực ra thiết kế là một khối liền vẫn đảm bảo được an toàn.
Ngôi nhà sử dụng các vật liệu truyền thống một cách vừa quen vừa lạ. Ngói mũi hài ốp dọc tường như cánh chim hạc, tường rào nhốt đá suối để cây cỏ có thể sinh trưởng qua thời gian, gạch ốp từ làng cổ Bát Tràng, gạch họa tiết hoa sen thời Lý…
Anh Nguyễn Quang Tâm – chủ nhân ngôi nhà cho biết, bố anh mắc bệnh hiểm nghèo từ lúc anh 3 tuổi, mẹ anh vừa lo chạy chữa cho bố vừa nuôi con ăn học. Ngày bố mất, gia đình cũng không còn gì, mọi thứ bán hết để lo chạy chữa cho bố.
Để duy trì cuộc sống và hy vọng, hai mẹ con thuê một căn phòng 10m2 ở Hà Nội, mẹ anh đi làm nhiều việc từ sáng đến tối.
Vì không muốn mẹ phải vất vả thêm nữa, năm 17 tuổi anh vào TP.HCM, còn mẹ vẫn tiếp tục làm việc ở Hà Nội vì còn phải về quê chăm lo việc gia đình.
Sau 10 năm hai mẹ con sống xa nhau, anh cũng dành dụm một số tiền, dự định đón mẹ vào TP.HCM để phụng dưỡng, báo hiếu. Tuy nhiên, mẹ anh muốn về quê để gần chị em, gần mộ bố.
Lúc này, anh tìm mua được miếng đất nhìn ra cánh đồng mà mẹ thích. Cuộc gặp vợ chồng kiến trúc sư Nguyễn Minh Thủy đã khiến anh quyết định để họ hoàn thiện tâm nguyện của mình.
Kiến trúc sư gợi ý anh Tâm trồng cây bưởi, mẹ anh cũng thích cây bưởi, vừa mát vừa thơm, vừa rất “tình”. Một cái cây Việt Nam đặc sệt, hoa thơm ngất ngây và quả thì ngon. Phòng khách gần gũi với thiên nhiên khi có khoảng vườn nhỏ ngăn cách với bếp. Đồ lưu niệm trưng trên kệ là đồ anh Tâm bán để làm từ thiện hồi lâu thì họ hàng mua ủng hộ nhưng thực ra là mẹ anh giấu con, nhờ các dì mua ủng hộ.
Vợ chồng kiến trúc sư Nguyễn Minh Thủy tự tay lựa từng chất liệu, chở từng viên gạch và giám sát từng chi tiết trong thời gian thi công đến khi hoàn thiện.
Công trình mang tên “Nhà của mẹ” là ngôi nhà mái dốc mang dáng dấp của ngôi nhà cũ trước đây gia đình anh ở, không gian mở mà an toàn, nhìn ra cánh đồng yên bình, ánh sáng và thiên nhiên chan hoà, có căn bếp lớn để mẹ thoải mái nấu nướng, có phòng ngủ ấm cúng.
“Hoàn thiện xong công trình, mẹ có nói với tôi “Ngôi nhà là ước mơ cả đời của mẹ, không đâu thoải mái bằng nhà mình con à”. Trong ánh mắt của mẹ đã bớt nhiều ưu lo.
Tôi chỉ mong từ giờ sáng sáng mẹ uống trà tưới cây, chiều chiều mẹ làm bánh và nấu những món mẹ thích”, anh Tâm chia sẻ.
Phòng ăn nhìn ra được phòng khách, vì mẹ anh thích ở nhà góc nào cũng nhìn thấy nhau, nhất là những ngày gia đình tụ họp. Căn bếp tối giản, dụng cụ bếp được cất trong tủ giúp bếp lúc nào cũng gọn gàng. Khi ngồi ăn, mọi người có thể nhìn ra khoảng vườn xanh mướt.
Trong khung hình này có sự kết hợp của 3 món vật liệu: Ngói mũi hài hoa sen, gạch làng Bát Tràng, và gạch hoạ tiết hoa sen thời Lý. Một điểm nhấn nhỏ nhưng cầu kỳ, giúp ngôi nhà trở nên độc đáo, gần gũi với không gian xưa ở đồng bằng Bắc bộ. |
Không gian liên thông của ngôi nhà, vừa đóng, vừa mở, vừa khẽ khép hờ |
Hiên rộng, hút gió trời vào nhà. |
Góc sân và khoảng trời cho mẹ trồng cây, làm vườn.
Sảnh lên tầng trên với phòng ngủ áp mái và khoảng sân thượng để ngắm mặt trời lặn sau núi.
Phòng ngủ tối giản. Chiếc giường tròn bao gồm luôn công năng của ghế ngồi xem tivi, tab đầu giường, để sách, đồ ăn sáng, xạc điện thoại.
Phòng tắm từ tầng 2 nhìn xuống là thấy đồng cỏ bông lau đẹp mỹ mãn. Màu phòng tắm sử dụng tông xám, mang hơi hướng màu của nền bê tông, xi măng trong các gian nhà thập niên 1990 ở nông thôn.
Kiến trúc sư Nguyễn Minh Thủy chia sẻ: "Anh Tâm là đạo diễn và nhiếp ảnh gia nên mỗi góc nhỏ đều chú trọng đến tính thẩm mỹ, nghệ thuật. Ngay cả bồn rửa mặt cũng phải tinh tế, tạo được dấu ấn riêng. Phần tường bao quanh nhà ốp bằng gạch họa tiết hoa sen".
Tường rào bằng đá suối, bên ngoài là khung lưới sắt. Đá này do chính tay anh Tâm và mẹ tự thả vào. "Mẹ không thích xây kín cổng cao tường vì bà muốn tiếp hàng xóm qua chơi mỗi ngày, mình cực thích thiết kế cổng này" - gia chủ cho hay. |
Bên ngoài ngôi nhà khá đơn giản, nằm giữa cánh đồng mênh mông.