Chuyên mục  


base64-1725506775220769335095.jpeg

Giờ lên lớp của cô Hoàng Thị Hiền, giáo viên THCS có 19 năm gắn bó với học sinh ở xã đảo Minh Châu - Ảnh: VĨNH HÀ

Những đứa trẻ ở Minh Châu khá thiệt thòi so với học sinh trên bờ. Nhiều em bố mẹ vắng nhà đi làm xa, đời sống cũng khó khăn, điều kiện học tập thiếu thốn hơn. Thương các em, tôi càng không nỡ rời đi.
Cô Hoàng Thị Hiền

Xã Minh Châu (Ba Vì, Hà Nội) cách trung tâm thủ đô Hà Nội chỉ hơn 70km. Đó là vùng bãi bồi giữa sông nằm gần ngã ba Bạch Hạc - nơi hợp lưu của sông Hồng, sông Đà và sông Lô. Đến Minh Châu hoặc phải đi bằng thuyền, phà nhỏ từ phía đông hoặc qua đập tràn Thủ Độ ở phía tây.

Thời tiết thế nào cũng phải sang sông

base64-17255102226361875126347.jpeg

Những giáo viên hối hả qua sông vào giữa trưa sau giờ dạy sáng. Trong số này có cô giáo sang sông chỉ để về nhà ôm đứa con chưa đầy tuổi rồi lại quây quả trở lại trường - Ảnh: VĨNH HÀ

Năm học mới này, cô Hoàng Thị Hiền, giáo viên dạy ngữ văn ở Trường THCS Minh Châu, đã bước sang năm thứ 19 gắn bó với xã đảo Minh Châu.

"Mùa đông nước cạn nhưng rất lạnh và nhiều gió. Có những ngày sương mù dày đặc chỉ 2m là nhìn không rõ. Qua đò khi ấy tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vì rất có thể tàu cát chạy trên sông không nhìn được dẫn tới va quệt với đò chở người. Còn mùa mưa lũ thì rất sợ. Nước ngập mênh mông và cuồn cuộn như ngoài biển.

Có khi đang đi giữa sông thì mưa dông, sấm sét, có lần còn gặp mưa đá bất ngờ. Nhưng với giáo viên chúng tôi thì thời tiết thế nào cũng phải sang sông. Học sinh chờ chúng tôi trên lớp và chúng tôi phải cố gắng để không trễ giờ", cô Hiền kể.

Để kịp giờ lên lớp mỗi sáng, cô Hiền phải dậy từ hơn 5h để chuẩn bị đồ ăn cho con ở nhà rồi sửa soạn lên đường. Chặng đường chỉ 10km nhưng các thầy cô luôn phải xem thời tiết để căn giờ đi sớm hơn từ 30 phút đến 1 tiếng.

base64-1725511183688690689411.jpeg

Cô Nguyễn Thị Bình, hiệu trưởng Trường mầm non Minh Châu đi từng lớp học vào ngày đầu học sinh tựu trường - Ảnh: VĨNH HÀ

Cô Lê Thị Thúy Vân, giáo viên tiểu học gắn bó 20 năm với xã đảo Minh Châu, cho biết vì đường đến trường trắc trở nên thời gian dành cho gia đình và cho con rất ít. Giáo viên tiểu học dạy 2 buổi/ngày nên thường phải ra khỏi nhà tầm 6h sáng và về vào tầm 6-7h tối, tùy theo thời tiết và công việc.

"Tay lái yếu nên tôi từng bị ngã. Rồi cũng có lần mưa đường trơn trượt, không đi được xe máy, chúng tôi phải gửi lại xe ở bến đò để lội bộ lên. Lấm lem đầy người nhưng may vẫn kịp giờ lên lớp", cô Vân kể.

Thầy Nguyễn Khôi, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Minh Châu, cho hay trong trường có 24 giáo viên thì hơn 10 người ở bên kia sông. Trong đó có 3 giáo viên nhà cách trường hơn 40km. Mỗi ngày các cô giáo phải đi 80km lượt đi và về. Chưa kể việc phải chờ đò vượt sông.

Vất vả là thế nhưng giáo viên ở xã đảo này không được hưởng chế độ đãi ngộ nào hơn so với giáo viên ở đất liền. Mỗi năm học, thầy cô chỉ được hỗ trợ 300.000 đồng tiền đò (các năm trước được 200.000). 

Tiền hỗ trợ này chỉ cấp cho 9 tháng, thời gian nằm ngoài năm học không được cấp trong khi thực tế giáo viên vẫn phải vượt sông đến trường để phụ đạo, ôn tập cho học sinh cuối cấp, tập huấn, làm công tác tuyển sinh trong dịp hè.

050924trang-12anh-nho-read-only-1725497955817756699199.jpg

Rất nhiều hành khách trong chuyến đò này là thầy cô giáo vượt sông đi dạy ở xã đảo Minh Châu và học sinh đi học - Ảnh: VĨNH HÀ

Chuyện của hiệu trưởng người bản địa

Khác với nhiều giáo viên khác phải vượt sông để đến Minh Châu, cô Nguyễn Thị Bình, hiệu trưởng Trường mầm non Minh Châu, là người ở xã đảo này. Cô Bình kể khi học hết THPT, cô từng bị lỡ kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vì năm đó nước sông dâng cao, giấy báo dự thi gửi đến quá muộn.

Những năm 1995-1996, người tốt nghiệp THPT như cô Bình ở Minh Châu được xem là người có trình độ văn hóa cao nên cô được vận động ra trông trẻ ở trường mầm non.

"Khi ấy tôi có nghề thợ may, tôi may giỏi và kiếm tiền tốt từ nghề may. Nhưng tôi đã đồng ý đề nghị của xã dù lương cả tháng trả cho giáo viên mầm non khi đó không bằng số tiền tôi kiếm được một ngày. Trường thì có nhưng bỏ hoang vì không có giáo viên. Tôi là người đầu tiên" - cô Bình cho biết.

z57991439834637a081bbd4593c4df8e3aacf82002adf3-17255100566191151718829.jpg

Học sinh trường tiểu học Minh Châu trong một tiết học có nhiều hoạt động tương tác của cô giáo Lê Thị Thuý Vân - Ảnh: VĨNH HÀ

Sau này cô Bình đi học và tiếp tục gắn bó cho tới bây giờ ở cương vị hiệu trưởng. Nặng lòng với ngôi trường, nên cô Bình cũng dành nhiều tâm huyết và thấu hiểu khó khăn vất vả của đội ngũ giáo viên phải vượt sông Hồng sang Minh Châu dạy học.

"Khác với cấp học trên, trường mầm non hoạt động cả trong hè vì người dân có nhu cầu gửi. Trường có 10 người ở bên kia sông, vào thời điểm tháng 7 tháng 8, nước lên cao. 

Để đảm bảo an toàn cho giáo viên, tôi cho các cô bên kia nghỉ, giáo viên tại xã sẽ choàng gánh hỗ trợ. Những giáo viên có con nhỏ cũng được ưu tiên nhận lớp ca chiều trễ hơn để có thời gian sang sông về nhà với con rồi quay lại trường", cô Bình chia sẻ.

Khó khăn nhưng cô Bình cho biết không có giáo viên nào của mình bỏ nghề. Có những cô giáo ở bên kia sông sang đã gắn bó với trường 10-12 năm, riêng cô Bình - người thầy đầu tiên của trẻ mầm non xã đảo - đã gắn bó với trường ngót 30 năm.

Mơ ước về một cây cầu

"Giá như có một cây cầu thì rất nhiều khó khăn từ đời sống người dân đến giáo dục đều được giải quyết". Đây là mong ước mà nhiều thầy cô ở Minh Châu chia sẻ. Hiện xã đảo Minh Châu chưa có trường THPT nên mỗi năm có vài trăm học sinh ở Minh Châu phải đi đò sang bên kia để học.

Con đường của các em ngược với con đường của nhiều thầy cô giáo vượt sông sang Minh Châu dạy học. Và sự vất vả của các em cũng không kém các thầy cô giáo.

Theo lãnh đạo Trường THPT Ba Vì (Hà Nội), có nhiều học sinh ở Minh Châu vượt sông sang học ở trường này. Những ngày mưa to, nước lớn, học sinh Minh Châu đi lại khó khăn hơn, một số em muộn học vì lỡ đò.

Những học sinh tan học, về muộn sau 18h không còn đò là phải bắt xe hơn 20km ngược lên Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) để về nhà.

Đã có nhiều thế hệ học sinh Minh Châu phải "lụy đò" như thế để duy trì con đường học tập. Nhưng có lẽ còn những giáo viên vượt sông đi dạy và những học trò vượt sông đi tìm sự học thì vẫn hy vọng về sự đổi thay ở phía trước.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020