Chuyên mục  


Trung tá Trần Anh Tuấn là cán bộ phòng Quản lý học viên, trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Trong phòng làm việc, ngoài giấy tờ, tài liệu, thầy Tuấn luôn sẵn dụng cụ xoa bóp, bấm huyệt, kim châm cứu và 3-4 bình rượu lá cây thanh táo, dây đau xương. Đây là "đồ nghề" thầy dùng chữa bệnh, giảm đau nhức cho học trò và đồng nghiệp khi không may bị đau ốm, hoặc chấn thương.

"Với tôi, làm thầy giáo và thầy thuốc là hai nhiệm vụ song hành, vì đều hướng tới mục tiêu được cống hiến, giúp đỡ và bảo vệ người dân", thầy Tuấn nói.

Trung tá Trần Anh Tuấn. Ảnh: Thanh Hằng

Thầy Tuấn quê Ứng Hòa, Hà Nội. Trở thành công an là mong muốn từ nhỏ, nhưng vì nhiều lý do, mãi đến năm 25 tuổi, anh mới thực hiện được. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi ngành Sư phạm Âm nhạc, anh xin gia nhập lực lượng công an, được nhận về công tác tại trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Trong 12 năm, anh đảm nhận vị trí quản lý giáo dục, tới 2018 chuyển sang quản lý học viên, tức làm công tác chủ nhiệm.

Cùng thời điểm này, mẹ anh Tuấn bị đau nhức xương khớp, mất ngủ và loét dạ dày. Thương mẹ, anh bắt đầu mày mò các phương pháp chữa trị bằng đông y, như xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu và các bài thuốc từ lá cây.

Lúc đầu, anh chủ yếu học thông qua đọc sách, xem bài giảng và nghiên cứu của giảng viên các trường y dược cổ truyền, những lương y nổi tiếng. Việc tự học gặp nhiều khó khăn song thấy sức khỏe của mẹ tốt hơn, anh Tuấn có động lực để giúp đỡ được nhiều người hơn.

Năm 2021, ở tuổi 40, anh Tuấn trở thành "tân sinh viên" ngành Y học cổ truyền, trường Cao đẳng Y - Dược cộng đồng. Vì còn công việc ở trường, anh chỉ có thể đi học vào cuối tuần và ngoài giờ hành chính. Anh kể giai đoạn này bản thân bận tới mức gần như không còn thời gian nghỉ ngơi nhưng vui vì được tiếp cận kiến thức bài bản và các phương pháp chữa bệnh mới.

"Bệnh nhân" của anh Tuấn thời gian đầu chủ yếu là đồng đội và sinh viên trong trường. Theo anh, sinh viên Phòng cháy chữa cháy được đào tạo trong môi trường khép kín, phải xa gia đình. Thầy cô là người gần gũi với các em nhất, vì vậy ngoài dạy kiến thức, thầy rất để ý đến sức khỏe của sinh viên.

"Các em hay bị bong gân, chấn thương cổ, lưng, đầu gối trong khi chơi thể thao, làm nhiệm vụ, hoặc không may bị cảm lúc đi gác. Tôi áp dụng những bài thuốc nam, kết hợp châm cứu, xoa bóp bấm huyệt thì các em đỡ", anh nói.

Nguyễn Chí Cường, 24 tuổi, cựu sinh viên khóa 2018-2022, kể hay bị lẹo mắt lúc đi học. Dù nhiều lần chữa trị, bệnh của Cường liên tục tái phát.

"Thầy Tuấn biết chuyện và chữa cho mình bằng cách châm cứu ở lưng. Mình khỏi hoàn toàn mà không cần dùng thuốc", Cường nhớ lại.

Từ khi biết anh Tuấn có thể chữa bệnh bằng đông y, nhiều bạn bè, người quen và hàng xóm tìm đến. Vì thế, mỗi ngày khi xong việc ở trường, anh tiếp tục chữa bệnh cho mọi người ở nhà.

Chị Nguyễn Thu Cúc, bạn cấp ba của anh Tuấn, kể được anh chữa trị khi bị đau khớp vai, đến mức không thể tự buộc tóc.

"Tuấn châm cứu ở đầu gối và chân cho tôi, lưu kim tầm 20-30 phút rồi tôi xoay vai và nhấc tay bình thường, tới hôm sau thì khỏi hẳn", chị Cúc cho hay. Lần khác, chị bị trẹo chân và được bạn chỉ cách bó bằng lá.

"Tuấn không lấy tiền của ai, cậu ấy chỉ mong người bệnh đỡ đau và nhanh khỏi. Cái tâm cậu ấy tốt. Có lẽ vì điều này nên tôi thấy Tuấn chữa bệnh rất hiệu quả, nhanh khỏi", chị Cúc nói.

Để nâng cao chuyên môn, ngoài thời gian học và thực hành, anh Tuấn tới các tỉnh miền núi phía Bắc, gặp những "ông lang, bà mế" để học nghề, hoặc nhờ người bản địa hướng dẫn tìm cây dược liệu. Chuyến đi dài nhất của anh kéo dài 10 ngày, còn lại chủ yếu tranh thủ vào dịp hè hoặc các ngày cuối tuần.

Tháng 7/2024, anh Tuấn tốt nghiệp trường Cao đẳng Y-Dược cộng đồng với tấm bằng giỏi, nhận giấy khen của hiệu trưởng.

Thầy Tuấn khám cho học viên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong vai trò thầy giáo, anh Tuấn được sinh viên tin tưởng vì luôn gần gũi, lắng nghe và cho các em lời khuyên. Thầy tâm niệm không cần nói quá nhiều để giáo dục, mà cần thể hiện bằng hành động.

"Tôi luôn mong khi mình yêu thương, dành tình cảm cho các em, các em cảm nhận và hiểu được, sau này sẽ đối xử với nhân dân như vậy", thầy nói.

Chí Cường kể, thầy Tuấn quan tâm tới tất cả vấn đề có thể ảnh hưởng đến việc học của sinh viên, từ gia đình, sức khỏe tới chuyện tình cảm.

"Mình vẫn nhớ những điều thầy dặn, đó là luôn đối xử với mọi người bằng sự chân thành, tử tế, vì nhân dân phục vụ; không ích kỷ mà luôn vì tập thể, vì mọi người; không ngừng học tập, trau dồi kiến thức để phát triển bản thân", Cường nói.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với thầy Tuấn là vào ngày sinh nhật được sinh viên hát chúc mừng ở ký túc xá. Còn món quà dịp 20/11 ấn tượng nhất là 200.000 đồng, kèm bức thư của một học trò khóa 2018-2022. Trong thư, nam sinh này cho biết đây là một ngày lương trong tháng đầu tiên đi làm.

Ngoài thời gian ở trường, thầy Tuấn tham gia nhiều hoạt động xã hội. Từ năm 2014, thầy dạy đàn miễn phí cho học sinh khiếm thị ở trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Dự án kéo dài gần 7 năm, buộc phải dừng khi dịch Covid-19 xảy ra. Thầy còn kêu gọi ủng hộ xây trường ở Hà Giang, giúp người khuyết tật bán chổi để tăng thu nhập.

Với các hoạt động này, anh Tuấn nhiều lần được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an; Tổng cục Chính trị Công an nhân dân; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở". Năm 2016, anh từng được Bộ trưởng Công an Tô Lâm gửi thư khen.

Thầy Tuấn cho biết phấn đấu trở thành một thầy thuốc giỏi nghề, đồng thời hoàn thành tốt vai trò của một giáo viên công an.

Thầy ấp ủ dự định mở phòng khám miễn phí cho người nghèo, hỗ trợ bà con trồng dược liệu ở vùng cao để vừa cải thiện đời sống, vừa góp phần duy trì các giống cây thuốc quý.

Thanh Hằng

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020