Cộng đồng sinh viên Trung Quốc chiếm số lượng lớn nhất ở Mỹ, Úc, Canada và nhiều nước châu Âu - Ảnh: netfinmarketing.com
Năm 1978, một phái đoàn từ Trung Quốc đã đàm phán với chính phủ Mỹ trong hơn 13 ngày về việc đưa sinh viên Trung Quốc đến học tập ở các trường đại học Mỹ. Thời điểm đó, hai nước vừa tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Mỹ cuối cùng đồng ý nhận 500 sinh viên Trung Quốc năm 1979.
Ngày nay, có hơn 360.000 sinh viên Trung Quốc từ đại lục học tập ở Mỹ, chiếm đến 1/3 tổng số sinh viên quốc tế. Không giống những sinh viên Trung Quốc của những năm 1970 đi Mỹ bằng học bổng, phần lớn du học sinh Trung Quốc ở Mỹ ngày nay là tự trả tiền học phí.
Đại học Illinois tại Urbana-Champaign (IUUC) có lượng sinh viên quốc tế chiếm khoảng 22,9% tổng số sinh viên nước ngoài học ở Mỹ, trong đó sinh viên Trung Quốc là cộng đồng lớn nhất với hơn 5.000 người. Theo Quartz media, nhiều người đã đặt cho trường biệt danh mới là Trường đại học của sinh viên Trung Quốc ở bang Illinois.
Xianghua Feng - sinh viên IUUC - kể về thực tế có quá nhiều đồng hương Trung Quốc trong trường: "Có một môn học mà tôi học với các sinh viên cao học, trong buổi hội thảo có 13 người, người duy nhất không nói tiếng Trung Quốc là giáo sư".
Do có quá đông sinh viên Trung Quốc, IUUC thậm chí đã cho tường thuật các trận bóng bầu dục bằng tiếng Trung cho nhóm sinh viên quốc tế đông đảo này.
Đại học Illinois là một trong những trường ĐH có số lượng sinh viên quốc tế đông nhất ở Mỹ, trong đó hơn 5.000 là sinh viên Trung Quốc - Ảnh: David Kidd
Nếu có lĩnh vực nào mà Mỹ đã xuất siêu sang Trung Quốc, giáo dục chính là một ví dụ điển hình. Cuộc sống không khác mấy ở Trung Quốc có thể phần nào khiến các sinh viên mất đi cơ hội trải nghiệm của thời gian du học nhưng các sinh viên đến từ Trung Quốc cho rằng họ khá hài lòng vì sự trải nghiệm của họ vẫn rất đặc biệt.
Theo thống kê, năm 2017 nguồn thu từ sinh viên Trung Quốc đã đóng góp khoảng 14 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ.
Diễn biến tương tự cũng xảy ra ở Úc, Anh và Canada, những nơi mà sinh viên đến từ Trung Quốc chiếm một số lượng đáng kể trong cộng đồng du học sinh quốc tế.
Theo thống kê của Bộ giáo dục Trung Quốc, năm 2018 có 519.400 sinh viên của nước này học tập ở nước ngoài, tăng khoảng 8% so với năm trước đó. Điều này xảy ra nhờ hai xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Trung Quốc hiện đang tăng trưởng số người có thu nhập trung bình (tầng lớp trung lưu) những người có khả năng tài chính và mong muốn có được nền giáo dục tốt nhất có thể cho con cái họ.
Nguồn thu nhập béo bở cho phương Tây
Ở phía ngược lại, các trường đại học ở phương Tây xem sinh viên quốc tế là một nguồn thu nhập. Giáo sư Han de Wit - Trường Boston College, Mỹ - cho biết: "Từ những năm 1980, các trường đại học ở Anh và Úc đã tăng cường tiếp thị và tuyển sinh đối với sinh viên ngoại quốc. Đến năm 2010, họ thu được quả ngọt.
Ở Anh, sinh viên quốc tế tăng 600%; ở Úc, sinh viên quốc tế tăng 2.000%. Ở Mỹ, sự hấp dẫn của đồng tiền đến từ Trung Quốc có phần muộn màng hơn. Chỉ đến năm 2008, thời điểm suy thoái kinh tế khiến các trường đại học ở Mỹ chới với và buộc phải đi tìm các nguồn tài chính cho trường, họ mới nhận ra Trung Quốc là đáp án cho vấn đề của mình.
Tiền học phí thu được từ sinh viên quốc tế cao gấp nhiều lần sinh viên trong tiểu bang và trong nước, và số tiền đó được dùng cho nhiều hoạt động khác, trong đó có cả cấp học bổng cho sinh viên trong nước.
Tuy nhiên, ông Han de Wit cũng cảnh báo việc dựa vào sinh viên Trung Quốc để cải thiện nguồn tài chính mà các trường đại học phương Tây đang nhìn nhận có mầm mống của sự thiếu ổn định. Khi sinh viên bỏ đi, các trường có thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn tài chính.
TTO - Trung Quốc mới đây thông báo ngân sách học bổng cho sinh viên quốc tế là 3,32 tỉ nhân dân tệ (khoảng 469 triệu USD), tăng 16,8% so với năm ngoái.