Chuyên mục  


Ý kiến này được ông Ngô Thanh Hiền, Giám đốc Công nghệ IBM Việt Nam, nêu tại tọa đàm "Giải mã nghịch lý ngành Công nghệ: Đại bàng gõ cửa nhưng nhân lực khép cửa", ngày 1/11.

Ông Hiền cho rằng việc học lập trình cần được đẩy mạnh từ bậc phổ thông để những em có đam mê hình thành ý thức nghề nghiệp từ sớm. Trước khi vào đại học, các em đã làm quen 1-2 ngôn ngữ lập trình, thậm chí biết thêm một số công cụ cần thiết.

Vào đại học, với nền tảng từ trước, sinh viên sẽ học thêm kiến thức rất nhanh, có thời gian để theo dõi, tìm hiểu xu thế công nghệ trên thế giới, từ đó biết phải chuẩn bị những gì.

"Đại học đào tạo cơ bản chứ không thể cung cấp hết kiến thức theo xu hướng công nghệ nên sinh viên phải chủ động", ông Hiền nói.

Ông Ngô Thanh Hiền, Giám đốc Công nghệ IBM Việt Nam, chia sẻ tại tọa đàm ngày 1/11. Ảnh: D.T

Ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech, đồng tình. Theo ông ở Việt Nam hiện nay, nhiều sinh viên vào đại học mà chưa có kiến thức về lập trình.

Trong 4 năm, các em chỉ có khoảng 8 tháng đến một năm thực sự học các công nghệ lập trình thực tế để đi làm. Phần lớn thời gian còn lại được chia cho các môn đại cương, cơ sở, thực tập và làm đồ án.

"Dù các đại học đã cố gắng, sự chênh lệch giữa đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp vẫn còn khoảng cách nhất định", ông Tuấn Anh nói. "Việc kỳ vọng sinh viên có thể nắm vững công nghệ, tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm thực chiến chỉ trong thời gian đào tạo ngắn như vậy là bất khả thi".

Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, sinh viên trước khi vào đại học đã thành thạo một số ngôn ngữ lập trình như Python, Java, giúp giảm tải cho việc đào tạo ở đại học.

Đề xuất của ông Hiền và ông Tuấn Anh trong bối cảnh thị trường IT Việt Nam được dự đoán cần thêm ít nhất 500.000 lao động công nghệ từ nay đến năm 2025, theo Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tuy nhiên, báo cáo năm 2023 của nền tảng tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin (IT) - TopDev, cho thấy trong hơn 57.000 sinh viên ngành này tốt nghiệp mỗi năm, chỉ khoảng 30% đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Số còn lại cần được đào tạo thêm trong 3-6 tháng.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng thư ký Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), doanh nghiệp cho biết trong hàng trăm người nộp đơn, có khi chỉ nhận được 1-2 người ở mỗi đợt tuyển dụng.

Ông Hiền kể năm 2002, IBM mở trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) gia công phần mềm ở Việt Nam, bên cạnh mảng kinh doanh. Khi đó, doanh nghiệp kỳ vọng tuyển dụng được 1.000 lập trình viên trong thời gian ngắn. Nhưng sau hơn 10 năm, trung tâm này chỉ có 200-300 nhân sự.

Ông Chu Tuấn Anh, đại diện Aptech Việt Nam, tại tọa đàm ngày 1/11. Ảnh: D.T

Ông Tô Hồng Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho hay hiện Tin học đã trở thành môn bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 9, từ lớp 10 là môn lựa chọn. Môn này có ba mạch kiến thức gồm: học vấn số hóa phổ thông, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học máy tính. Các nội dung không chỉ dừng lại ở mức hiểu biết mà còn yêu cầu ứng dụng và định hướng làm nghề. Học sinh được học về lập trình nhiều hơn trước.

Ở bậc đại học, các trường đã kết nối với doanh nghiệp nhiều hơn, sinh viên được học theo dự án, ra trường có việc làm ngay.

"Các trường cũng chủ động nâng cao chất lượng", ông Nam nói. "Vấn đề là học như nào để có chất lượng". Đại diện Bộ cho rằng ngoài kiến thức chuyên môn, người học cần có ngoại ngữ, kỹ năng mềm, được trau dồi cả ở trong và ngoài trường lớp.

Dương Tâm

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020