Chuyên mục  


du-hoc-nghe-duc-17364219996051388616300.jpg

Du học sinh học nghề tại Đức - Ảnh: DPA

Rào cản về ngôn ngữ là một trong nhiều chủ đề nóng được thảo luận tại tọa đàm về chủ đề hợp tác nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Đức, do Trường cao đẳng Bách khoa Bách Việt tổ chức chiều 9-1.

Cơ hội rộng mở

Ông Holger Gustav Karl Korte, giám đốc điều hành Tập đoàn giáo dục Vidacta (Đức), chia sẻ Đức áp dụng hệ thống "đào tạo nghề kép", kết hợp giữa học lý thuyết tại trường và thực hành tại doanh nghiệp.

Do vậy, sinh viên học nghề tại Đức thường được miễn học phí và nhận thêm trợ cấp hằng tháng trong suốt thời gian học. Chính sách này cũng được áp dụng với sinh viên quốc tế.

Ông Holger nói Đức hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề nghiêm trọng, đặc biệt trong các ngành công nghiệp và dịch vụ. Nguyên nhân chủ yếu là do dân số già hóa nhanh chóng và tỉ lệ sinh thấp. Dự báo đến năm 2030, Đức có thể thiếu hơn 5 triệu lao động.

Để giải quyết vấn đề này, Đức đã mở rộng chính sách tuyển dụng lao động từ các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu, trong đó có Việt Nam. Nhiều dự án đang được chính phủ cấp bang và liên bang Đức triển khai, để tuyển dụng học viên từ các trường nghề Việt Nam sang Đức vừa học vừa làm có lương.

"Các ngành nghề được ưu tiên tuyển dụng bao gồm công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị nhà hàng, khách sạn và đặc biệt là điều dưỡng", ông Holger nói.

Rào cản tiếng Đức

du-hoc-duc-2-17364222976181892560917.jpg

Các chuyên gia trong hội thảo chiều 9-1 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Bà Lưu Thị Ngọc Túy, chủ tịch HĐQT Công ty nhân lực quốc tế Vilaco Group, cho biết các ứng viên sang Đức theo học các chương trình đào tạo nghề kép thông thường phải đạt trình độ tiếng Đức tối thiểu B1 theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR).

Chứng chỉ B1 là một điều kiện xin hợp đồng học và thực hành nghề, hay xin visa từ Đại sứ quán Đức.

Theo bà Túy, nhiều học sinh, sinh viên rất có mong muốn du học nghề tại Đức nhưng lại ngại học tiếng Đức.

Một số bạn thậm chí chưa tìm hiểu nhiều về tiếng Đức cũng đã bị mặc định trong đầu là tiếng Đức rất khó. Một số lại bỏ cuộc nửa chừng vì không thể đáp ứng đủ điều kiện tiếng Đức.

TS Trần Mạnh Thành, hiệu trưởng Trường cao đẳng Bách khoa Bách Việt, cho rằng nhìn chung tiếng Đức là một ngôn ngữ khó về cả ngữ pháp và cách phát âm. Học sinh Việt Nam thường mất từ 6 tháng đến 1 năm để đạt được trình độ B1, nhưng phải học hết sức nghiêm túc.

"Dù vậy, bí quyết vẫn là xác định rõ mục tiêu và kiên trì. Nếu chăm chỉ và dành đủ thời gian, việc học tiếng Đức không quá khó, nhất là khi bạn đã biết tiếng Anh", ông Thành nói.

Ông Jannik Junker, hiệu trưởng Trường điều dưỡng thành phố Essen (Đức), chia sẻ thêm dù có đạt chuẩn ngôn ngữ, học sinh, sinh viên vẫn phải chuẩn bị tinh thần tiếp tục học để nâng cao ngoại ngữ khi đến Đức. 

Sinh viên nên tham gia vào các cộng đồng hoặc tổ chức dành cho sinh viên quốc tế, thực hành nghe nói ngay tại trường hoặc trong doanh nghiệp.

Ngoài ra trong khi ở Đức, ông góp ý sinh viên Việt Nam cần rèn luyện tính kỷ luật và sự chuyên nghiệp. Sinh viên cần học cách quản lý thời gian tốt và tuân thủ quy tắc trong mọi hoạt động, từ học tập đến công việc.

"Sự chủ động trong học hỏi và sẵn sàng tiếp nhận thử thách sẽ giúp các bạn ghi điểm với giảng viên và nhà tuyển dụng, đồng thời mở rộng cơ hội phát triển", ông Jannik Junker nói.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020