Ban giám hiệu Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú, TP.HCM) luôn theo sát bữa ăn bán trú của học sinh - Ảnh: M.G.
Như Tuổi Trẻ Online thông tin: Sáng 18-10, Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM tổ chức bữa ăn bán trú và mời phụ huynh cùng tham gia.
Theo nhiều bạn đọc, nếu trường nào cũng công khai bữa ăn bán trú như Trường tiểu học Tân Sơn Nhì thì tốt quá. Làm được điều này, các con vừa được ăn thực đơn cân bằng dinh dưỡng, vừa được giáo dục kiến thức dinh dưỡng.
Còn theo ThS Trần Xuân Tiến, việc "mục sở thị" bữa ăn bán trú của con em mình sẽ được nhiều hơn mất.
Nhằm góp thêm góc nhìn, sau đây là chia sẻ của ThS Trần Xuân Tiến.
Nhiều lợi ích cho các bên
Dinh dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng để giúp con trẻ luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện. Vì vậy, bữa ăn bán trú luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của phụ huynh.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy những ích lợi to lớn từ hoạt động cho phụ huynh trực tiếp xem bữa ăn của con em mình tại trường học.
Việc "mục sở thị" bữa ăn bán trú của con em mình, giúp phụ huynh yên tâm, tăng cường sự tin tưởng về những cam kết chất lượng, an toàn thực phẩm của nhà trường.
Hơn nữa, việc này còn giúp phụ huynh, nếu cần thiết có thể tham gia ý kiến điều chỉnh, đóng góp ý tưởng về thực đơn.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thể tham khảo về cách xây dựng chế độ dinh dưỡng, quy trình chuẩn bị và chế biến bữa ăn, về các lựa chọn ăn uống lành mạnh.
Tất cả tạo nên sự gắn kết, giao lưu trao đổi chia sẻ, xây dựng lòng tin giữa nhà trường và phụ huynh.
Các bữa ăn bán trú còn hướng đến mục tiêu vừa giúp các con được ăn thực đơn cân bằng dinh dưỡng, vừa được giáo dục về kiến thức dinh dưỡng.
Lan tỏa thành phong trào, được không?
Đọc các phản hồi trên Tuổi Trẻ Online về mô hình này, phần lớn các ý kiến đều mong muốn nhân rộng điển hình Trường tiểu học Tân Sơn Nhì ra toàn thành phố. Bản thân tôi là một nhà giáo, cũng rất tán thành đề xuất này.
Có thể nói, những trường học áp dụng thành công mô hình "trường học mời phụ huynh "mục sở thị" bữa ăn bán trú" có thể trở thành hình mẫu cho các đơn vị giáo dục khác. Sự lan tỏa này sẽ góp phần tạo ra một phong trào sâu rộng hơn về dinh dưỡng học đường.
Để tổ chức tốt mô hình này, chúng ta cần nhận thức rõ đây là hoạt động nhằm tạo niềm tin cho phụ huynh trên cơ sở thực tế, chứ không phải là hình thức, thực hiện chỉ để xoa dịu sự lo lắng của phụ huynh.
Chúng ta phải thực hiện bằng trách nhiệm nghề nghiệp, lương tâm nhà giáo.
Các đơn vị trường học có thể bắt đầu tổ chức thể nghiệm hoạt động này nhằm giới thiệu đến phụ huynh về thực đơn, nguồn thực phẩm cũng như quy trình chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các trường ngoài việc thông báo với phụ huynh, cần tạo sự hào hứng thông qua việc chia sẻ hình ảnh, video, với các bản tin trường học hoặc trên các trang mạng xã hội của nhà trường.
Chuyên nghiệp hơn, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức bữa ăn bán trú thông qua các hội thảo, hội nghị, chuyên đề cũng góp phần truyền cảm hứng cho các trường học.
Để nâng cao hiệu quả, các trường cũng cần khuyến khích phụ huynh tăng cường tham gia tương tác, đưa ra ý kiến phản hồi sau khi tham gia sự kiện "mục sở thị" bữa ăn bán trú.
Những chia sẻ của phụ huynh dựa trên trải nghiệm của họ về hoạt động này tại trường của con em mình sẽ là những đóng góp quý báu cho các trường, đồng thời, truyền cảm hứng đến các phụ huynh khác.
Nhà trường cần tiếp nhận các ý kiến đóng góp với tinh thần cầu thị, để đánh giá hiệu quả và cải tiến bữa ăn bán trú. Nếu có điều gì muốn bảo lưu, nhà trường cũng cần phản hồi nhanh chóng và rõ ràng đối với phụ huynh, để tạo sự đồng thuận chung.
Theo tôi, thật ra việc nhân rộng mô hình này không khó, quan trọng là các trường có muốn làm hay không mà thôi!
Cân nhắc về tính riêng tư, đảm bảo không gây xáo trộn cho trẻ
Mô hình "trường học mời phụ huynh "mục sở thị" bữa ăn bán trú" cần được lan tỏa và nhân rộng vì những lợi ích tích cực mà nó mang lại cho các bên có liên quan, góp phần tăng cường sự kết nối giữa phụ huynh, thầy cô và nhà trường.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện mời phụ huynh "mục sở thị" bữa ăn bán trú, cũng cần lưu ý, cân nhắc về tính riêng tư, đảm bảo không gây xáo trộn cho hoạt động học tập và ăn uống của con trẻ, tránh phát sinh những ảnh hưởng tiêu cực đến con trẻ trong bữa ăn.