Chuyên mục  


img3231-17157702091851345011058-17190644300851406027412.jpg

Nếu dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua, giáo viên sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề - Ảnh: VĨNH HÀ

Tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Nhà giáo, do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức mới đây, câu chuyện chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo tiếp tục nóng lên.

Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành viên tham gia soạn thảo Luật Nhà giáo - khẳng định: "Chúng ta hội nhập quốc tế, không thể không có giấy phép hành nghề. Dứt khoát phải có. 

Đây là xu hướng chung của các nước trên khắp thế giới, làm nhà giáo phải có giấy phép hành nghề. Lý do, nghề dạy học là nghề rất đặc biệt liên quan đến việc xây dựng con người. Như vậy, người làm nghề này phải có giấy phép hành nghề".

Nhiều bạn đọc có ý kiến tranh luận về chứng chỉ hành nghề cho giáo viên.

Chứng chỉ hành nghề là cần thiết

Một số bạn đọc cho rằng cần thiết phải cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo.

Bạn đọc Đoàn Việt Cường cho rằng: "Rất cần thiết phải có chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên. Chứng chỉ này gồm nhiều phân loại theo chuyên môn mà giáo viên sẽ giảng dạy và phải có thời hạn".

Cùng quan điểm, tài khoản vodinhngochanh viết: "Chứng chỉ hành nghề nhà giáo ra đời phù hợp với sự hòa nhập thế giới.

Trường hợp nhà giáo vi phạm đạo đức, hoặc vi phạm những điều cấm thì sẽ bị tước giấy phép hành nghề vĩnh viễn. Chứ hiện nay nhà giáo vi phạm, chúng ta đâu thể thu hồi bằng đại học sư phạm của họ được!".

Theo độc giả Trần Hoàng Ngân: "Giáo viên đủ kiến thức và kinh nghiệm nhưng cũng cần kỹ năng để truyền đạt cho học sinh. Vì thế cần có giấy phép hành nghề".

Bạn đọc Trần Quốc Phong góp ý kiến khác: "Chứng chỉ hành nghề chỉ nên cấp cho những giáo viên dạy ở trung tâm, dạy bên ngoài". Còn độc giả Nguyễn Phương Trang bày tỏ: "Phải làm sao để chứng chỉ hành nghề này thực chất thì mới bảo đảm chất lượng giảng dạy".

Làm không khéo sẽ tạo ra giấy phép con

Tranh luận lại, theo bạn đọc Thanh Đại: "Việc yêu cầu nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề là không cần thiết. Hiện nay, hệ thống giáo dục đã có những yêu cầu bắt buộc và khắt khe để đảm bảo chất lượng giảng dạy. 

Ví dụ, các giáo viên phải hoàn thành chương trình đào tạo chuyên nghiệp và thường xuyên tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ. Ngoài ra, nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục cũng thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ năng lực giảng dạy của giáo viên. 

Những biện pháp này đủ để đảm bảo rằng các nhà giáo có đủ trình độ và kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả, mà không cần thêm chứng chỉ hành nghề".

Một giáo viên THCS cho rằng: "Trên thực tế giáo viên đã có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Sinh viên ra trường không thuộc khối sư phạm muốn đi dạy cũng phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Hiện nay chúng tôi còn cần học lại chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo môn. Vậy xin hỏi chứng chỉ hành nghề để làm gì?". 

"Có nhất thiết giáo viên phải có chứng chỉ hành nghề không? Nếu có thì chất lượng giảng dạy có thay đổi theo không? Theo tôi, cốt lõi là làm sao cho chất lượng giáo dục được phát triển theo thế giới" - bạn đọc An bình luận.

Độc giả tên Ty có ý kiến: "Quan trọng có chứng chỉ hành nghề thì giải quyết được cái gì? Kinh phí ai bỏ ra, đơn vị nào được phép cấp chứng chỉ, các thủ tục để có chứng chỉ hành nghề có cần phải xét như thăng hạng giáo viên? Người làm luật phải đứng từ góc nhìn của đa số giáo viên chứ không thể theo góc nhìn một vài cá nhân". 

Theo dự thảo Luật Nhà giáo, chứng chỉ hành nghề chỉ đặt ra với người bắt đầu tốt nghiệp đại học sư phạm và làm việc trong các nhà trường. Giáo viên sau khi được nhận vào trường sẽ được bộ cấp chứng chỉ hành nghề sau 12 tháng tập sự.

Tài khoản BS đặt ra tình huống phát sinh: "Nếu chỉ công tác 6 tháng ở trường này rồi vì lý do nào đó phải đổi sang một trường khác thì trường ban đầu có dễ dàng cấp giấy xác nhận đã công tác sáu tháng cho giáo viên? Nếu theo luật thì bắt buộc phải cấp nhưng lệ làng thì có dễ như vậy không?".

Và bạn đọc Anh Vũ nhấn mạnh: "Điều quan tâm thiết thực nhất là cải cách tiền lương giáo viên, phụ cấp... chứ đừng đẻ thêm giấy phép con tạo thêm gánh nặng tâm lý cho thầy cô giáo".

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020