Nguyễn Huỳnh Anh Khoa (sinh năm 1999, quê TPHCM) đã có hành trình học tập và những trải nghiệm đáng nhớ tại đất Mỹ.
Biến sự hiếu kỳ "vô tội vạ" trở thành đam mê
Khoa kể rằng, khi còn là cậu bé học lớp 3 anh đã lén lấy dàn máy tính, đầu đĩa, cá thiết bị điện tử trong nhà để tháo ra rồi lại. Ban đầu bố của Khoa đã mắng vì sự hiếu kỳ "vô tội vạ" của anh. Nhưng rồi, nhận thấy sự tháo lắp thiết bị điện tử không khiến nó hư hỏng gì nên bố Khoa để cho anh được tự do khám phá và nghiên cứu.
Ròng rã từ lớp 3 đến lớp 8, đồ đạc điện tử trong nhà bị tháo tung là "chuyện thường như cơm bữa". Năm cuối cấp 2, anh được gia đình định hướng chọn trường cấp 3.
Anh Khoa có thế mạnh về các môn khoa học tự nhiên nên đã quyết tâm thi đỗ vào trường Phổ thông Năng khiếu chuyên Toán - Tin. Đạt được sự kỳ vọng của bố, ngay sau đó nam sinh biến sự hiếu kỳ "vô tội vạ" năm xưa trở thành đam mê theo đuổi khoa học công nghệ đến cùng.
Lớp 11, anh đạt giải Nhất Chung kết Tài năng Robot Robotacon Việt Nam và được mời sang Qatar để tham dự đấu trường quốc tế. Kể từ đó, Khoa nhận được lời mời tham dự vào Hội triển lãm du học để giới thiệu về robot của mình và giao lưu với một số đại sứ quán nước ngoài. Tại đây, nam sinh được mở mang tầm mắt và bắt đầu nhen nhóm khát khao đi du học lĩnh vực công nghệ tại nước Mỹ - nơi sinh ra các huyền thoại công nghệ.
Được 5 trường đại học Mỹ đón nhận
Với sự quyết tâm cao độ cùng thành tích ấn tượng, Anh Khoa được 5 trường đại học tại Mỹ đón nhận. Đó là: ĐH Washington, ĐH PennState, ĐH Rutgers, ĐH Minnesota và ĐH Purdue. Anh đã lựa chọn trường ĐH Washington là nơi để học tập và xây dựng nền móng cho ước mơ của mình.
"Thời gian đầu mới sang Mỹ, mình gặp cản trở lớn trong giao tiếp khi phát âm không chuẩn tiếng Anh. Cộng với khí hậu lạnh nên mình đã bị "sốc", hay bị cúm. Bản thân mình đã mất một năm để thích nghi với đời sống, văn hóa nơi đây", nam sinh nhớ lại.
Năm đầu tiên dành để học cách thích nghi, đến năm 2 anh tính chuyện đi làm thêm để vừa có thêm thu nhập lại trau dồi vốn sống. Khoa mạnh dạn đăng ký làm tutor (trợ giảng/ thầy dạy tư) nhưng bị từ chối thẳng thừng. Không nản chí, anh chàng vẫn tiếp tục thử thách bản thân, "trượt thì đi lại", cứ thế anh vượt qua vòng phỏng vấn.
Vốn là chàng trai chăm chỉ, ham học hỏi và tỉ mỉ nên Khoa nhanh chóng làm quen, thành thục với công việc. Anh được xét để dạy kèm 1-1 cho các học sinh cần có sự quan tâm đặc biệt. Thời điểm ấy, mỗi tuần tổng số giờ Khoa làm việc là từ 12 giờ - 15 giờ và số tiền kiếm được đủ để anh tự lực chi phí sinh hoạt.
Vào cuối năm 3 đại học, cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Anh Khoa xin làm nghiên cứu sinh, dự án mang tên "SoundWatch" - một ứng dụng đồng hồ thông minh giúp nhận biết âm thanh thông qua hình ảnh và rung động. Nhờ vào trí tuệ nhân tạo, ứng dụng này có thể cảnh báo người dùng những âm thanh quan trọng xảy ra xung quanh họ như tiếng gõ cửa, tiếng em bé khóc, tiếng chó mèo, hay âm thanh nguy hiểm như còi xe hoặc chuông báo cháy... Dự án nhận được đánh giá cao từ Google với tỷ lệ chính xác trung bình là 89.92% và đoạt giải "Ứng dụng tốt nhất" tại hội nghị ACM ASSETS 2020.
Cho đến thời điểm hiện tại, sản phẩm mang dấu ấn cá nhân - "Ứng dụng hỗ trợ người khiếm thính trên điện thoại" là điều khiến Anh Khoa cảm thấy tâm đắc nhất.
Chia sẻ với PV Dân trí, Anh Khoa nói: "Như bao bạn trẻ khác, mình cũng có một giấc mơ - khiến khoa học công nghệ trở nên hữu dụng hơn cho mọi người. Hiện tại, mình nhận thấy vẫn còn một rào cản rất lớn giữa khoa học hàn lâm và tính ứng dụng thực tiễn của chúng, phải mất rất nhiều thời gian để có thể mang một công trình nghiên cứu đến tận tay người dùng. Và "SoundWatch" là một trong những viên gạch đầu tiên để mình thực hiện giấc mơ đó, cũng là sản phẩm cá nhân mà mình cảm thấy có giá trị nhất đến thời điểm hiện tại".
Kỹ sư phần mềm tại Amazon với mức lương 9 con số
Anh Khoa hiện là Kỹ sư phần mềm tại Tập đoàn Amazon (Mỹ). Trước khi chọn điểm "dừng chân" là Amazon, Khoa từng được hơn 10 công ty mời phỏng vấn.
Để đặt chân làm việc tại công ty công nghệ hàng đầu, Khoa đã trải qua 2 giai đoạn phỏng vấn với 7 vòng khác nhau: sửa code, giải bài toán, xử lý tình huống trong môi trường làm việc giả lập và 4 vòng phỏng vấn trực tiếp.
Cụ thể hơn, Khoa chia sẻ: "Theo mình, để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng thì cần phải chuẩn bị trước mọi thứ như tìm hiểu rõ về công ty, nguyên tắc lãnh đạo, thái độ cầu thị. Quan trọng hơn hết đó là phải thuyết phục họ bằng vốn kiến thức chuyên môn, hiểu biết xã hội của bản thân".
Dù không tiết lộ con số cụ thể nhưng chàng trai này cho công việc tại Amazon mang đến cho anh mức lương 9 con số. Anh Khoa coi đây là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của mình.
Trước nhiều ý kiến về hiện tượng "chảy máu chất xám", Anh Khoa khẳng định: "Với một sinh viên mới ra trường không có nhiều khả năng hay kinh nghiệm để đóng góp cho đất nước. Nếu có thể dành thời gian học hỏi những gì nước bạn đang làm hay hoặc chưa hay đến khi đủ chững chạc, trau dồi thêm kinh nghiệm thì việc đóng góp cho đất nước có thể diễn ra ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực công nghệ".
Thành tích nổi bật của Anh Khoa:
- Giải Nhất cuộc thi Chung kết Tài năng Robot Robotacon Việt Nam 2015.
- Top 12 cuộc thi Olympic Robot Quốc Tế (World Robot Olympiad 2015).
- 110/120 TOEFL (tương đương với IELTS 8.0).
- Học bổng American Honor Scholarship năm 2016, 2017.
- Giải thưởng sinh viên ngoại quốc nổi bật - Pierce College năm 2018
- Đại sứ sinh viên quốc tế - Pierce College 2018.
- Giải thưởng sinh viên nổi bật cho lĩnh vực Vật Lý - Pierce College năm 2018
- Đề cử giải thưởng TOP 100 sinh viên có thành tích nổi bật nhất (Husky 100) - University of Washington (UW) năm 2021.
- Vị trí Research Assistant cho phòng thí nghiệm trong khoa (Makeability Lab) tại University of Washington.
- Vị trí Research Assistant đảm nhiệm vị trí cải cách khóa học CSE 457: Computer Graphics (Đồ Họa Máy Tính)
Tuệ Nhi