Nguyễn Đặng Anh Khoa, 22 tuổi, là sinh viên chương trình tài năng ngành Khoa học máy tính. Với điểm tốt nghiệp loại xuất sắc - 9,13/10 và tích cực trong hoạt động xã hội, Khoa được trường trao cúp Toàn năng. Trong khoảng 3.000 tân cử nhân, kỹ sư năm nay, chỉ 5 người đạt được thành tích này.
"Ngày đặt chân vào Bách khoa, mình không đặt mục tiêu nào xa xôi, chỉ tập trung cho hiện tại và dám thử sức với những gì mình hứng thú. Thành quả hôm nay, một phần nhờ may mắn", Khoa nhìn nhận.
Nguyễn Đặng Anh Khoa trong ngày tốt nghiệp tại trường Đại học Bách khoa TP HCM, sáng 22/11. Ảnh: Lệ Nguyễn
Vốn là cựu học sinh lớp chuyên Toán, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định, Khoa ngay từ sớm xác định theo đuổi lĩnh vực Toán ứng dụng. Nam sinh đăng ký vào ngành Khoa học máy tính vì cho rằng chuyên ngành này giúp rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề xoay quanh Toán học và sự logic.
Thời phổ thông học hành cật lực nên năm đầu đại học, Khoa cho phép mình thư thả, tham gia các chương trình thiện nguyện, câu lạc bộ văn hóa lẫn học thuật, tổ chức sự kiện... Khoa nói tinh thần hăng hái và sẵn sàng chia sẻ của tập thể giúp em cởi mở, hòa động và nhìn thấy năng lực khác.
Cũng nhờ đó, Khoa gặp được người bạn "hợp cạ", rủ rê vào câu lạc bộ Big Data (dữ liệu lớn) của khoa. Cơ duyên này giúp em tìm được hướng nghiên cứu sau này và bạn đồng hành làm luận văn tốt nghiệp.
Luận văn của Khoa và bạn nghiên cứu hệ thống gợi ý trong thương mại điện tử ứng dụng các lý thuyết và kỹ thuật liên quan đến đồ thị. Quá trình tìm kiếm giải pháp để xử lý nguồn dữ liệu lớn thực tế giúp cả hai vận dụng và mở rộng kiến thức cơ sở ngành để giải thuật trên đồ thị, tăng hiệu suất gợi ý. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm viết bài báo khoa học, được chấp nhận đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI, Scopus. Điểm luận văn này cũng cao nhất của khóa, đạt 9,9/10.
Khoa tự nhận không có trí nhớ tốt nên cách học khác với nhiều bạn ở Bách khoa. Thời gian đầu và giữa học kỳ, nam sinh chỉ nắm kiến thức cơ bản. Đến khi thi cuối kỳ, Khoa tập trung giải đề và đi học nhóm. Theo Khoa, học nhóm hiệu quả bởi "nhiều cái đầu cùng học vẫn hơn một mình". Các bạn trong nhóm cùng tìm kiếm tài liệu các phần rồi giảng lại cho nhau nghe. Bằng cách này, Khoa thu nhặt kiến thức dễ dàng, đầy đủ.
Nhưng không phải môn nào nam sinh cũng dễ dàng đạt điểm cao. Cuối năm thứ nhất, Khoa từng trầy trật với Kỹ thuật lập trình – môn cơ sở ngành rất quan trọng, chỉ vượt qua với điểm số 7,5. Hè năm đó, Khoa đăng ký học cải thiện để nắm chắc, đào sâu kiến thức, đưa điểm số lên 9,1.
Đây cũng là một trong hai môn mà Khoa ứng tuyển, rồi được thầy cô chọn làm trợ giảng vào đầu năm thứ tư. Môn còn lại là Hệ điều hành.
Khoa cho hay đây là hai môn quan trọng của ngành và liên quan đến luận văn tốt nghiệp nên làm trợ giảng vừa giúp ôn lại kiến thức, vừa được gặp gỡ sinh viên khóa sau.
"Mình hướng dẫn sinh viên ở phần thực hành, giải đáp thắc mắc về đồ án môn học hoặc các bài tập lớn", Khoa cho hay.
Khoa và bố mẹ trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hướng dẫn Khoa làm luận văn tốt nghiệp, TS Lê Thanh Vân, khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, đánh giá học trò có khả năng tự học rất tốt, nhanh nhẹn nắm bắt các vấn đề được gợi ý. Từ đó, Khoa đề xuất phương pháp mới, giải quyết các bài toán về dữ liệu.
"Các kiến thức về toán, giải thuật em ấy nắm vững, biết cách vận dụng thích hợp để giải quyết vấn đề", TS Vân nói.
Khoa hiện theo đuổi chương trình tiến sĩ Khoa học máy tính với học bổng toàn phần khoảng 4 tỷ đồng, tại Đại học Deakin, Australia. Hướng nghiên cứu của Khoa là vấn đề dữ liệu lớn với biểu diễn đồ thị, tập trung vào các mạng điều hòa gen trong tin sinh học.
Bắt đầu cuộc sống ở một đất nước mới, Khoa nhanh chóng thích nghi vì đã học xa nhà từ năm lớp 10, từng thực tập trong công ty đa quốc gia, đạt IELTS 7.5.
"Mình không muốn đặt ra mục tiêu quá xa hay nghĩ mình sẽ là ai sau này để rồi tự giới hạn, mọi phép thử đều đáng giá, giúp mình tới gần ước mơ", Khoa nói.
Lệ Nguyễn