Chuyên mục  


cha-me-con-cai-1-17200154284531521457390.jpg

Cha mẹ nên tìm cách dạy con tự tin và bản lĩnh vượt qua những trở ngại, khó khăn dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào - Ảnh minh họa: parentandteen.com

Hàng năm, cứ sau mỗi mùa thi lại nghe những câu chuyện đau lòng: những cô cậu học trò trầm uất khi làm bài thi không tốt, thi trượt...

Từ cảm giác xấu hổ với bạn bè, với cha mẹ, với thầy cô; vì nghĩ đến cảnh không thể chịu đựng được những áp lực khác trong thời gian tới... thậm chí có HS nghĩ quẩn.

"Ba mẹ lúc nào cũng cho mình là đúng"

Anh Ngô Kim Nhật, một phụ huynh có con đang học cấp 2, thở dài: "Hiện có nhiều cha mẹ thiếu trò chuyện, tâm tình với con để giúp con giải tỏa áp lực thi cử".

Anh Nguyễn Thanh Hiệp, một bạn đọc của báo Tuổi Trẻ Online, bày tỏ: "Gia đình nào cũng mong con mình sánh vai với bạn cùng trang lứa vào các trường đại học nổi tiếng, xã hội thì luôn coi trọng những người có địa vị cao, học rộng.

Áp lực từ mọi hướng khiến cho những mầm non đất nước trở thành những con người vô cảm, ích kỷ, sống cho bản thân và đến khi không đạt được cái đích mình muốn thì suy nghĩ tiêu cực, thậm chí tìm đến cái chết".

Cô Nguyễn Thị Hoa Phượng, Phó hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng, thành phố Huế, người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tư vấn học tâm lý học sinh, nói: "Với các em học sinh đang ở tuổi dậy thì, có nhiều biến đổi về tâm sinh lý và rất nhạy cảm, nhất là những lúc các em đang gặp áp lực về tâm lý thi cử hoặc những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống…

Giai đoạn này, các bậc cha mẹ cần quan tâm con nhiều hơn, hiểu được tâm trạng, tình cảm của con, biết sức học, khả năng của con, từ đó định hướng giúp con, không nên tạo ra hay gây thêm áp lực cho con bằng sự kỳ vọng quá cao hoặc đặt cho con cái đích ngoài tầm với".

Cô chia sẻ một thực tế: khi nhận thấy mình không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ, các em sẽ thấy thất vọng về bản thân và dễ đưa ra những quyết định sai lầm, dại dột. Vì vậy, thay vì hướng con đến những thành tích, cha mẹ nên tìm cách dạy con tự tin và bản lĩnh vượt qua những trở ngại, khó khăn dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào.

Theo cô Phượng, cha mẹ nên tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện, tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ, đội, nhóm… sẽ giúp con tạo dựng được các mối quan hệ bạn bè, hình thành được kỹ năng sống, giúp các con tự tin hơn, bản lĩnh hơn.

Hoặc cha mẹ có thể chia sẻ những câu chuyện thất bại, vượt qua khó khăn, trở ngại của mình trong cuộc sống, qua đó giúp các con có thêm những bài học kinh nghiệm và vốn sống để vận dụng khi cần.

Em Gia M., một học sinh lớp 11 Trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế, cho biết trong hè được tham gia một số chuyên đề kỹ năng sống, kết bạn với những người bạn tích cực, em cũng có những buổi trò chuyện với bạn về việc một số học sinh không chịu nổi áp lực mà tìm cách tự tử.

"Các bạn đều khuyên nhau: chỉ có cha mẹ là người thương yêu và hiểu mình, hãy tâm tình với cha mẹ", Gia M. kể. Nhưng em cũng nói thêm: "Vấn đề là nhiều khi ba mẹ không chịu lắng nghe, ba mẹ khi nào cũng cho mình là đúng".

Trang bị kỹ năng "chống sốc" cho con trẻ

1e2a3391-1-17177263290281731954809.jpg

Một phụ huynh hôn động viên con trước kỳ thi vào lớp 10 vừa qua ở TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Chị Ngọc Oanh, hiện là một chuyên gia thấu hiểu và định hướng bản thân, kể trong quá trình tư vấn cho các em học sinh, chị nhận thấy phía nhà trường cũng như các phụ huynh đang thiếu một bước quan trọng: tư vấn tâm lý trước mùa thi.

"Trước mùa thi, chủ yếu thấy các hoạt động chọn trường, chọn nghề, ôn tập sao để làm bài thi được điểm cao... Nhưng nếu các em không đạt điểm cao thì sao, nếu các em không làm tốt bài thi thì sao? Người lớn có thể biết mình nên làm gì khi thất bại, nhưng các em chưa quen với việc đón nhận những thất bại", chị nói.

Chị Ngọc Oanh cũng đưa ra một số đề xuất: trước kỳ thi, nhà trường có những hoạt động giúp phụ huynh lẫn học sinh cùng ngồi lại với thầy cô giáo nhìn nhận thực tế năng lực của bản thân, đưa ra mục tiêu phù hợp cho các em. Thay vì tạo áp lực cho các em, hãy cùng các em nhìn thẳng vào những kết quả có thể đến và phương án sau đó như thế nào.

Chị Ngọc Oanh cũng gợi ý các bậc phụ huynh có thể tìm được rất nhiều lời khuyên, nhiều bài học thú vị từ một chuyên trang của tổ chức UNICEF, giúp cân bằng đời sống tinh thần.

Đề xuất một phương án mang tính dài hơi, phụ huynh Ngô Kim Nhật cho rằng chương trình giáo dục trong nhà trường cần phải lần nữa cải tổ: hãy bớt thời gian cho những nội dung mà các em có thể tự tìm hiểu từ sách vở, từ internet để dành cho những hoạt động huấn luyện kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn để biết ứng phó với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

"Thời của Google, ChatGPT, có những kiến thức đã có sẵn, nên nhà trường hãy tìm cách giúp các em hình thành được kỹ năng tự quản lý và chăm sóc bản thân, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng giải quyết vấn đề…

Nhà trường cũng hãy mời những người đã từng thất bại nay có được những thành công chia sẻ với các em về sự khó khăn của cuộc sống và những cách để vượt qua nghịch cảnh", anh Ngô Kim Nhật đóng góp ý kiến.

Trong khi đó, cô Hoa Phượng mong mỏi thầy cô và cha mẹ cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục con trẻ. Bằng việc quan tâm, dõi theo diễn biến tâm lý của các em, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các em… chúng ta mới có thể định hướng giúp các em có hành vi đúng, tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Cha mẹ cần bình tĩnh trước "trend"

Thực tế lâu nay có "trend" khoe thành tích con trên mạng xã hội. Ở một góc độ nào đó, "trend" này khiến cho nhiều phụ huynh sốt ruột khi con mình không được như "con nhà người ta".

Nên chính các phụ huynh cũng phải tự mình bình tĩnh trước những điều đó, đừng so sánh con mình với con nhà người rồi tạo áp lực tâm lý. Mỗi người là mỗi hoàn cảnh, và bản thân mỗi kỳ tích ngắn hạn này chưa nói lên được điều gì về lâu về dài.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020