Chuyên mục  


base64-17320669511421935093478.jpeg

Thầy Lưu Hoàng Phúc (Trường tiểu học Lạc Long Quân, quận 11, TP.HCM) là một trong những giáo viên nhiệt huyết vừa đạt danh hiệu nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp trung ương năm 2024 - Ảnh: THANH HIỆP

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các đại biểu Quốc hội kỳ vọng việc xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo không chỉ để tri ân, tôn vinh những thầy cô giáo mà còn tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất để nhà giáo được phát huy, khẳng định năng lực bản thân và được trả công xứng đáng.

* Đại biểu TRẦN QUỐC TUẤN (Trà Vinh):

Đảm bảo mức sống, thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm

tran-quoc-tuan-1732064813245450715989.jpg

Tiền lương và chế độ đãi ngộ là một trong những vấn đề then chốt mà dự thảo Luật Nhà giáo cần cải thiện cho nhà giáo thông qua các chính sách, đặc biệt phải đảm bảo được mức sống cho nhà giáo và thu hút được sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Vì đây là lĩnh vực quan trọng nhất - lĩnh vực đào tạo ra những con người có ích phục vụ xã hội.

Dự thảo Luật Nhà giáo lần này đang đưa ra nhiều chính sách nhằm tôn vinh và nâng cao đãi ngộ cho nhà giáo, bao gồm các chế độ về làm việc, lương và phụ cấp. 

Một trong những đề xuất quan trọng là quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Cùng với đó là nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Điều này thể hiện quan điểm giáo dục là "quốc sách hàng đầu", nhằm thu hút và giữ chân các giáo viên giỏi, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục bền vững của Việt Nam. Tuy nhiên để đảm bảo khả thi, dự luật cần quy định cơ chế giám sát cụ thể cho các chính sách này, tránh tình trạng các quy định chỉ tồn tại trên văn bản mà không thực hiện được trong thực tế. 

Các quy định về lương và phụ cấp của nhà giáo cũng cần phải rõ ràng cụ thể hơn, như mức phụ cấp thâm niên và phụ cấp vùng miền, để đảm bảo công bằng và hiệu quả trong phân bổ ngân sách.

* Đại biểu NGUYỄN THỊ MAI HOA (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục):

Đột phá giao quyền tuyển dụng giáo viên cho Bộ Giáo dục và Đào tạo

mai-hoa-17320648132251842440796.jpg

Đáng chú ý dự thảo Luật Nhà giáo quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định. 

Quy định này là một trong những điểm mới, khác với quy định trong Luật Viên chức và các luật pháp liên quan hiện hành. Đây có thể coi là giải pháp hợp lý nhằm tháo gỡ một số bất cập, vướng mắc trong thực tiễn quản lý nhà giáo hiện nay.

Việc giao thẩm quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ giúp ngành chủ động trong xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý. Từ đó nắm tổng thể đội ngũ, dự báo nhu cầu, cân đối hợp lý các khâu tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng, điều tiết giáo viên kịp thời và hợp lý. 

Như vậy mới có thể khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ đã và đang diễn ra trong thực tiễn thời gian qua. Đồng thời góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo bảo đảm đủ về số lượng, chuẩn về chất lượng và đồng bộ về cơ cấu. Thu hút người giỏi đến với nghề dạy học, giữ chân nhà giáo giỏi trong nghề. Trên cơ sở đó, nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục quốc dân.

Nếu được Quốc hội chấp thuận, ủng hộ thì đây sẽ là một trong những chính sách mang tính đột phá của dự thảo Luật Nhà giáo.

* Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM):

Tạo điều kiện để nhà giáo phát huy năng lực

Luật Nhà giáo khi được thông qua sẽ tạo được chuyển biến tích cực trong ngành giáo dục, trong đó có giáo dục phổ thông, giáo dục nghề và giáo dục đại học. 

Tuy nhiên khi xem các cơ sở xây dựng luật cần bổ sung căn cứ của các Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, Luật Giáo dục đại học 2013 để làm cơ sở xây dựng dự án Luật Nhà giáo.

Dự luật cần có những quy định cơ chế, chính sách cụ thể tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo phát huy năng lực, đóng góp vào sự phát triển của các cơ sở giáo dục. 

Trong đó cần lưu ý quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong việc tạo điều kiện về cơ sở vật chất, công cụ giảng dạy... để nhà giáo thực hiện nhiệm vụ của mình. Ngành giáo dục có đặc thù giáo viên không lao động vì chức vụ cao hơn. Cơ bản giáo viên dạy môn nào sẽ dạy suốt đời môn đó, không có động lực để lên chức.

Do vậy cần có cơ chế để ghi nhận, trân trọng những nhà giáo này. Đó có thể là chính sách tạo điều kiện để nhà giáo nâng cao trình độ, ghi nhận sự đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

* Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM):

Đưa nghề giáo trở lại vị thế cao quý

pham-khanh-phong-lan-17320648132352004813952.jpg

Điều tôi băn khoăn nhất trong dự luật cần có những quy định cụ thể để giải quyết những khó khăn của nhà giáo trước cơn lốc xã hội hóa trong ngành giáo dục, nhất là những mặt trái đang diễn ra.

Thời gian qua ngành giáo dục gặp những khó khăn và tinh thần tôn sư trọng đạo đã vơi đi phần nào. Vẫn còn nhiều giáo viên chưa thể sống được bằng đồng lương nhà giáo, nhất là giáo viên trẻ, sinh viên sư phạm mới ra trường...

Chính vì vậy cần có thêm những chính sách thu hút sinh viên ngành sư phạm cũng như các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ giáo viên gắn bó với nghề, nhất là giáo viên vùng sâu vùng xa.

Cùng với đó có thêm chính sách lương đủ sức hấp dẫn để thu hút nhân tài vào ngành giáo dục. Chúng ta phải xây dựng cơ chế, chính sách để nghề giáo trở lại vị thế nghề cao quý, và thầy cô giáo được xã hội tôn trọng hơn.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020