Chuyên mục  


nh-toan9-08072023-read-only-16887806582431259293619.jpg

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

"Con trai mình sau khi xem điểm chuẩn đã lặng im, đi vào phòng riêng. Dù biết trước sự việc là điểm thi quá thấp, khó có thể đậu vào nguyện vọng 1 và 2, nhưng con vẫn buồn. 

Tôi hỏi con: Con có muốn nhập học ở trường đậu vào nguyện vọng 3 không? Cháu trả lời là không vì trường đó có nhiều học sinh không ngoan. Con vào học sợ không thể hòa đồng cùng các bạn" - chị Ngọc, phụ huynh ở quận Bình Thạnh, kể.

Nhiều lối đi sau lớp 9

Kỳ thi vào lớp 10 công lập ở TP.HCM năm nay có hơn 30.000 thí sinh bị đánh rớt. Nỗi buồn sau khi xem điểm chuẩn lớp 10 là điều không thể tránh khỏi, nhưng phụ huynh và học sinh cũng ngay lập tức tìm ra lối đi riêng phù hợp với mình.

"Thật ra, với lực học của con, tôi biết con sẽ khó mà đậu vào lớp 10 công lập. Tuy nhiên, cả gia đình đều hy vọng vào một phép mầu. Đến ngày xem điểm chuẩn thì không còn hy vọng gì nữa. Tôi nói với con: rớt thì mình học hệ khác. Vẫn còn rất nhiều con đường học tập cơ mà" - chị Như Hà, phụ huynh ở TP Thủ Đức, chia sẻ.

Và thay vì khóc lóc, buồn phiền, chị Hà cùng con mở lại danh sách các trường có tuyển học sinh lớp 10 (danh sách này do Sở GD-ĐT TP thống kê và gởi cho tất cả phụ huynh có con học lớp 9 năm học 2022-2023 trước khi đăng ký thi vào lớp 10 công lập - PV). 

"Trong danh sách ấy có các trường THPT tư thục với mức học phí cụ thể, có các trường nghề, các trung tâm giáo dục thường xuyên với chương trình đào tạo cụ thể… 

Con tôi bảo là cháu không dám chọn trường tư thục vì sợ mẹ tốn tiền, tính ra mức học phí cao hơn trường công lập nhiều quá. 

Tôi khẳng định là mẹ đủ sức lo cho con ăn học, điều quan trọng là con phải chọn được loại hình học tập phù hợp với bản thân. Sau khi phân tích mọi khía cạnh thì con tôi đã chọn học nghề. Và tôi ủng hộ" - chị Hà nói.

Tương tự, khi nghe con nói không muốn nhập học vào trường THPT công lập thuộc dạng "vét", chị Ngọc đã gợi ý: "Không nhất thiết phải học trường công. Con có thể chọn học trường tư thục hay trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên". Cuối cùng, chị Ngọc và con trai đã chọn được một trường tư thục cho con.

"Tôi rút ra được một bài học là khi con thi rớt hoặc không đạt được kết quả như ý muốn thì chính phụ huynh phải là người vượt qua nỗi buồn trước. Khi mình lạc quan, không đay nghiến con thì con sẽ không cảm thấy có lỗi. 

Khi mình xem đó là việc nhẹ nhàng thì con sẽ mau chóng quên đi nỗi buồn. Dĩ nhiên, ba mẹ phải là người nói chuyện và gợi mở để con mạnh mẽ bước tiếp. Thi rớt đâu phải là dấu chấm hết, vẫn còn rất nhiều chọn lựa khác mà" - chị Ngọc chia sẻ.

25,5 và 10,5 điểm chuẩn lớp 10!

Một kỳ thi tuyển chắc chắn không thể tránh khỏi những căng thẳng. Tuy vậy, phụ huynh TP.HCM không phải thức trắng đêm để chờ chực, nộp hồ sơ cho con vào học lớp 10 như ở Hà Nội. Đó là điểm đáng ghi nhận.

Trong kỳ thi vào lớp 10 năm nay, TP.HCM có 10 trường THPT ấn định mức điểm chuẩn từ 23 trở lên. Tức là thí sinh phải đạt gần 8 điểm/môn mới có thể thi đậu. Trong đó, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) vẫn đứng đầu bảng với điểm chuẩn 25,5.

Tuy nhiên, TP.HCM cũng có rất nhiều trường THPT nhận học sinh từ 10,5 điểm như Bình Khánh, Cần Thạnh, An Nghĩa, Thạnh An (huyện Cần Giờ), An Nhơn Tây, Trung Lập (huyện Củ Chi), Đa Phước (huyện Bình Chánh)…

Một kỳ thi tuyển với gần 30% số thí sinh bị đánh rớt. Một kỳ thi mà đề thi được xem là "dễ thở" hơn mọi năm. Vậy mà thí sinh chỉ cần đạt hơn 3 điểm mỗi môn là đậu vào lớp 10 công lập. Vì sao như vậy? Mà nếu rà lại thì thấy đa số các trường có điểm chuẩn thấp đều thuộc vùng ven, ngoại thành.

Một chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM giải thích: "Đó là vì chất lượng giảng dạy ở vùng ven, ngoại thành TP vẫn còn nhiều hạn chế. Thứ hai là những năm gần đây sở tăng cường đổi mới nội dung đề thi tuyển sinh 10 nhưng nhiều trường vùng ven, ngoại thành chưa theo kịp nên học sinh thi đạt điểm không cao".

Vẫn còn một thực tế nữa cần phải nhìn nhận: Thí sinh chỉ cần đạt hơn 3 điểm mỗi môn là đậu vào lớp 10 công lập cho thấy công tác phân luồng học sinh ở một số địa phương chưa thực sự hiệu quả. Cuối cùng thì gánh nặng đổ hết lên vai giáo viên bậc THPT. 

"Những học sinh có đầu vào thấp thì học bậc THPT rất trầy trật. Các em ở độ tuổi 16, 17, 18 mà các thầy cô giáo vẫn phải vừa dạy vừa dỗ, vừa kèm cặp như học sinh tiểu học, rất vất vả" - một cán bộ quản lý trường THPT ở ngoại thành TP.HCM tâm sự.

Không lo thiếu chỗ học

TP.HCM có hơn 110.000 học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS trong năm 2023. Các trường THPT công lập chỉ nhận 70% số học sinh này vào học lớp 10. Tính ra có hơn 30.000 em không được học lớp 10 công lập.

Nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường THPT tư thục trên địa bàn TP.HCM là gần 50.000 học sinh. TP.HCM không thiếu chỗ học. Điều quan trọng là phụ huynh cần cân nhắc để chọn lựa một hình thức học tập phù hợp nhất với con em mình mà thôi.

(Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020