Chuyên mục  


Chiều 6/7, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 14 của HĐND tỉnh Nghệ An, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nhận được nhiều câu hỏi về bạo lực học đường.

Đại biểu Hồ Văn Đàm, huyện Quỳnh Lưu, nói học đường hiện nay ngoài "bạo lực nóng" với các hành vi đánh nhau, chửi bới, còn diễn ra dưới dạng "bạo lực trắng" như tẩy chay, gây áp lực tâm lý ngoài đời thực lẫn trên không gian mạng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Công, đại biểu huyện Nghi Lộc, nhận định bạo lực học đường ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống, nhân cách của học sinh và đạo đức xã hội. Ông Công nói hiện nay "trên lớp trò không sợ thầy, kính thầy. Ra đường người già sợ trẻ nhỏ. Về nhà cha mẹ nịnh con cái".

Cả hai ông đề nghị người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo đánh giá và nêu cách ngăn chặn.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, trả lời đại biểu chiều 6/7. Ảnh: Hùng Lê

Trả lời, ông Thái Văn Thành cho rằng bạo lực học đường là thực trạng chung của cả nước. Riêng nhận định ngày nay trò không kính thầy, ông Thành nói biểu hiện này có, nhưng không phổ biến, chỉ gặp ở một số trường và địa phương chứ không phải ở Nghệ An.

Về giải pháp, Sở đã yêu cầu các trường chủ động dạy học sinh cách ứng xử và đảm bảo an toàn khi giao tiếp trên mạng. Ngoài ra, Sở phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền để học sinh nhận thức được tác hại của những hành vi "bạo lực trắng". Bên cạnh đó, các trường lập mô hình giáo dục, tổ tư vấn tâm lý, ban hành các quy tắc ứng xử để ứng phó với các hình thức bạo lực học đường.

"Ngành giáo dục cũng cần tổ chức các buổi sinh hoạt với phụ huynh, cung cấp cho họ phương pháp dạy học, chia sẻ thông tin khi phát hiện con mình có biểu hiện bạo lực học đường", ông Thành nói, thêm rằng phụ huynh cần phải linh hoạt, chú ý theo dõi học tập, nắm bắt tâm tư của con em để định hướng giá trị nhân cách đúng đắn, loại trừ những tư tưởng xấu.

Một vụ nữ sinh đánh nhau xảy ra tại huyện Anh Sơn, Nghệ An, tháng 9/2022. Ảnh: Cắt từ video

Theo đại biểu Chu Đức Thái, bạo lực học đường còn diễn ra giữa giáo viên với học sinh. Ranh giới giữa tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm của giáo viên với học trò và hành vi được xem là bạo lực rất dễ lẫn lộn. Nhiều vụ học sinh dùng lời lẽ đe dọa thầy cô hay phụ huynh vào trường đánh "người lái đò" rất phức tạp.

"Những điều này khiến cho môi trường giáo dục không thực sự an toàn, làm ảnh hưởng tâm lý thầy cô", ông Thái đánh giá, đề nghị có giải pháp nâng cao văn hóa ứng xử, để giáo viên không vi phạm nguyên tắc, đồng thời bảo vệ họ và nhà trường trước một số hành vi không đúng.

Ông Thái Văn Thành chia sẻ ngành luôn quán triệt quan điểm "giáo dục học sinh bằng tất cả lòng yêu thương". Nếu giáo viên xem học sinh như con cháu của mình thì cha mẹ cũng như các em sẽ rất quý mến, biết ơn. Có thể bây giờ học sinh còn ít tuổi, nhận thức chưa đủ chín, nhưng sau này trưởng thành thì sẽ hiểu được vấn đề.

"Đây là áp lực, song nếu làm được thì đôi lúc thầy cô nóng tính một chút thôi, học sinh vẫn yêu quý, phụ huynh sẽ bỏ qua. Ngược lại, thầy cô không quan tâm đến giáo dục nhân cách học sinh, đi dạy cho xong nhiệm vụ thì một sai sót nhỏ cũng gây ra hệ lụy", ông Thành nói.

Đại biểu Chu Đức Thái đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề bạo lực học đường. Ảnh: Hùng Lê

Theo báo cáo tại phiên họp, mỗi năm cả nước xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau. Tại Nghệ An, từ năm 2021 đến nay có 245 vụ, riêng 6 tháng đầu năm xảy ra 56 vụ.

Đức Hùng

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020