Chuyên mục  


"Nếu không có thầy cô, bạn bè chắc em đã chết. Thầy Cư (Võ Văn Cư) đã sinh ra em lần nữa", Nguyễn Thanh Hải, học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Tánh Linh) nói, giọng yếu ớt.

Nam sinh chưa thể nói chuyện nhiều, sau hơn 2 tuần được Bệnh viện Chợ Rẫy cắt bỏ một lá gan và nửa lá lách bị dập do gặp tai nạn trên đường đi học về. Ca mổ thành công, em may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần, sau đó được chuyển về Bệnh viện Nam Bình Thuận để tiếp tục điều trị từ hôm 6/5.

Em Nguyễn Thanh Hải đã qua cơn nguy kịch, đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Nam Bình Thuận. Ảnh: Việt Quốc.

Trưa 26/4 tan trường, Hải chạy xe máy 50 phân khối về nhà. Đến đoạn đường cong ở xã Măng Tố, cách nhà 2 km, cậu tắp vào lề tránh xe tải chạy chiều ngược chiều đang ôm cua. Xe máy tông phải cây cảnh của nhà dân ven đường, toàn thân Hải đập vào chậu cảnh. Cậu học trò đau không kêu được, chỉ ôm bụng rên, lả đi. Người dân khiêng em vào trong, nhưng không đưa em đi bệnh viện vì chưa liên lạc được với gia đình.

Từ trường về, thầy Võ Văn Cư (dạy môn Giáo dục Công dân) hoảng hốt khi thấy học trò bị nạn. Ông báo cho hiệu trưởng, rồi bế Hải lên xe máy và nhờ một học sinh khác ngồi sau giữ, chở đến Phòng khám đa khoa Bắc Ruộng gần đó cấp cứu. Bác sĩ đề nghị phải chuyển Hải gấp lên tuyến trên vì nội tạng đã tổn thương nặng. Hải đau, mê man.

Thầy Cư thuê xe cấp cứu chở học trò lên Bệnh viện đa khoa Nam Bình Thuận ở huyện Đức Linh cách đó hơn 20 km. Kết quả siêu âm cho thấy Hải bị dập gan hai mặt và một phần lách bị ảnh hưởng; máu tràn ổ bụng. Hai phương án được bệnh viện đưa ra: chuyển em vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) hoặc mổ tại chỗ.

Tuy nhiên, bác sĩ Hồ Ngọc Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Nam Bình Thuận, cho rằng nếu chuyển nam sinh đi ngay sẽ gặp nguy hiểm vì đường xa; còn mổ cấp cứu tại chỗ cần nhiều đơn vị máu tiếp ứng. Lúc này, cha của Hải đang làm phụ hồ ở Bình Dương, mẹ em đang ở nhà bên Tánh Linh chưa đến kịp. Thầy Cư quyết định xin bệnh viện cho em được mổ tại chỗ và cam kết huy động đủ lượng máu.

Bác sĩ Hồ Ngọc Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Nam Bình Thuận, thăm khám em Hải, chiều 6/5. Ảnh: Việt Quốc.

Thầy nhắn tin lên nhóm chát của giáo viên trường, thông báo tình hình cấp bách. Nhà trường liền phát loa phóng thanh kêu gọi thầy cô và học sinh hiến máu cứu Hải.

15 phút sau, 4 thầy cô và một nữ sinh (có nhóm máu O và B) có thể truyền cho Hải (nhóm máu B) lên thẳng xe đến bệnh viện. Đại diện nhà trường cũng đến hỗ trợ kinh phí điều trị ban đầu cho em.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Tấn Nha cho biết, ngay trong đêm, nhà trường tiếp tục kêu gọi và huy động thêm 6 người nữa đi hiến máu cứu Hải. Trên đường đến bệnh viện họ nhận được thông báo đã tạm đủ máu nên đoàn quay về, chuyển qua lấy máu vào sáng hôm sau.

Ca mổ đã cầm máu trong ổ bụng cho Hải. Hôm sau, em được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy để mổ lần hai. Hiện, sức khỏe của em tiến triển tốt.

Theo bác sĩ Hồ Ngọc Sơn, chính lòng quả cảm của thầy Cư đã quyết định giây phút sinh tử cho học trò mình. "Nếu thầy Cư không chuyển em đi viện ngay, rồi thay mặt cha mẹ em quyết định và huy động kịp thời đủ lượng máu, chắc chắn ca mổ cấp cứu ban đầu của chúng tôi sẽ khó thành công", ông nói.

Thầy Võ Văn Cư, giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Tánh Linh). Ảnh: Việt Quốc.

Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận, cho biết câu chuyện cứu học trò của thầy Cư và các giáo viên, học sinh trường THPT Nguyễn Văn Trỗi có sức lan tỏa rất lớn trong những ngày qua ở địa phương. Đây là gương sáng cần nhân rộng trong toàn ngành giáo dục.

"Chúng tôi đang đề xuất UBND tỉnh khen thưởng thầy Cư, Sở cũng sẽ có hình thức khen thưởng các cá nhân đã kịp thời hiến máu cứu Hải", ông Thái nói.

Việt Quốc

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020