* Dưới đây là bài tâm sự của một người phụ nữ tên Tiểu Mỹ rên trang Baijiahao (Trung Quốc).
Tôi sống trong một khu chung cư cũ, lầu trên là một cặp vợ chồng trẻ, chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với nhau. Chỉ có điều cách đây không lâu, cặp vợ chồng trẻ đã bán căn nhà của mình cho một cặp vợ chồng khác, sau khi tạm biệt hàng xóm, họ đã chuyển đi.
Cặp vợ chồng mới dọn tới này đều là người địa phương. Người chồng cao to, khoảng 40 tuổi, đôi khi gặp chúng tôi ở cầu thang, dù chúng tôi nói chuyện với anh ta, anh ta vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng, cảm giác chẳng làm gì mà vẫn khiến người khác có chút sợ hãi. Còn người vợ khoảng hơn 30 tuổi, cô ấy luôn tươi cười và rất khéo ăn nói. Thỉnh thoảng khi gặp nhau dưới chung cư, chỉ cần thấy tôi từ xa, cô ấy sẽ lập tức chào lớn tiếng: "Chị Tiểu Mỹ, chị chuẩn bị đi làm à? Chị Tiểu Mỹ, chị đi chợ à…".
Tính tôi bộc trực nên tôi rất thích nói chuyện với người phụ nữ nhiệt tình này. Vì vậy, cứ rảnh là tôi lại nói chuyện với cô ấy dưới lầu. Qua tiếp xúc, tôi biết cô ấy tên là Nhã Cầm. Thế nhưng, về cơ bản, tôi và Nhã Cầm vẫn giữ một khoảng cách nhất định, bởi Nhã Cầm mới chuyển đến. Tôi tuy là hàng xóm nhưng chưa hiểu rõ về cô ấy. Nhã Cầm chưa từng ghé thăm nhà tôi, tôi cũng chưa từng đến nhà cô ấy.
Ảnh minh họa
Thời gian trôi qua, Nhã Cầm đã sống ở tầng trên được một tháng. Trong một tháng đó, tôi phát hiện ra một việc: Vì ngày nào tôi cũng đi làm, đôi khi trưa cũng không về nhưng bất cứ khi nào tôi ở nhà, tôi đều có thể nghe thấy tiếng ồn ào ở tầng trên. Tôi cẩn thận lắng nghe, trên tầng liên tục vang lên tiếng "đùng đùng", đôi khi xen lẫn với tiếng bàn ghế di chuyển. Thậm chí sau 10 giờ đêm, lầu trên vẫn phát ra tiếng ồn ào cũng như tiếng trẻ con nói cười.
Sau khi nghe thấy những âm thanh này, tôi hơi tức giận, bởi vì tôi biết nhà Nhã Cầm có hai đứa trẻ con: một trai và một gái. Bé gái khoảng 8 tuổi còn bé trai tầm 6 tuổi. Có lần tôi gặp Nhã Cầm ở dưới nhà, Nhã Cầm từng buồn bã nói với tôi: "Chị Tiểu Mỹ này, con gái tôi chỉ hơn em trai nó có 2 tuổi, nó chẳng bao giờ chịu nhường em. Con trai tôi thì được chiều từ nhỏ. Hai chị em cứ như chó với mèo, lúc nào cũng ầm ĩ. Cơ mà thỉnh thoảng hai đứa cũng rất thân thiết, dù gì cũng là chị em ruột mà, hy vọng lớn lên hai đứa vẫn tình cảm như thế!".
Biết nhà Nhã Cầm có hai đứa con, tôi cảm thấy tiếng ồn ở tầng trên chắc chắn là do hai đứa nhỏ đó gây ra. Ngày nào chúng cũng náo loạn ở tầng trên, điều này đã ảnh hưởng đến cuộc sống và việc nghỉ ngơi của tôi. Tôi cũng bó tay, không biết phải làm sao, tôi và Nhã Cầm dù sao cũng là hàng xóm, nếu tôi lên lầu nói với cô ấy, liệu tôi có làm phật lòng người hàng xóm này không.
Một ngày nọ, tôi làm ca đêm, thời gian đó trùng với kỳ nghỉ hè của bọn trẻ. Từ lúc tôi tan ca sáng, trên tầng đã liên tục vang lên đủ loại âm thanh, tôi nằm trên giường mà trằn trọc, không sao ngủ được nên đành đứng dậy ra phòng khách rót một cốc nước. Tôi vừa ngồi xuống, mẹ chồng tôi cũng bước ra từ phòng ngủ và tức giận nói với tôi: "Tiểu Mỹ, dạo này con không ở nhà, con không biết hai đứa trẻ trên lầu nghịch ngợm đến mức nào đâu. Hai đứa cứ chạy qua chạy lại trên lầu ầm ầm. Cứ nghe thấy tiếng động từ tầng trên là mẹ lại thấy bực bội. Hôm nay con ở nhà, con lên nói chuyện với hai đứa nhỏ, bảo chúng đừng làm ồn nữa đi".
Nghe mẹ chồng nói, tôi bất lực thở dài, bởi vì tôi không muốn làm phật lòng hàng xóm ở tầng trên.
"Con dễ bị bắt nạt quá. Con còn phải làm ca đêm mà còn không chịu lên đó nhắc nhở tụi nhỏ. Thôi để mẹ lên tìm bố mẹ hai đứa nó, bảo họ giáo dục lại con mình…", mẹ chồng tôi vừa lẩm bẩm vừa đi ra khỏi nhà.
Tuy nhiên, khoảng mười phút sau, mẹ chồng tôi tức giận trở về nhà, mặt đỏ bừng vì tức giận, đóng mạnh cửa lại rồi ngồi xuống cạnh tôi. Thấy mẹ chồng như vậy, tôi vội rót cho bà cốc nước, bảo bà uống từ từ trong khi tôi hỏi lý do.
"Tiểu Mỹ, con không biết người đàn ông tầng trên vô lý đến mức nào đâu. Vợ anh ta không có ở nhà, nhìn thấy mẹ đến, anh ta liền tỏ thái độ với mẹ, còn liên tục nói hai đứa con của anh ta rất ngoan, ở trên tầng cũng đi nhẹ nói khẽ, không bao giờ có chuyện làm ồn đến tầng dưới. Anh ta còn nói mẹ vu khống con anh ta, nói mẹ đổ lỗi cho chúng. Mẹ đã từng này tuổi rồi, sao có thể nói dối được? Hai đứa con của anh ta thực sự đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống nhà mình mà", mẹ chồng tôi càng nói giọng càng lớn.
Ảnh minh họa
Nghe mẹ chồng nói vậy, tôi cũng rất tức giận, lúc đó tôi muốn lên lầu tìm người đàn ông hàng xóm đó để tranh luận, nhưng tôi nghĩ đến việc vợ anh ta là Nhã Cầm không có ở nhà. Nếu anh ta khăng khăng hai đứa con của mình không sai, tôi có nói thêm bao nhiêu lời nữa cũng vô ích. Hơn nữa, hai đứa trẻ lúc này cũng thôi ồn ào, có lẽ là vì mẹ chồng tôi đã lên nhắc nhở nên chúng tạm thời yên tĩnh lại, tôi không tiện lên tầng nữa, chỉ đành chờ thêm.
Ai ngờ hàng xóm tầng trên chỉ yên tĩnh được một ngày, ngày hôm sau, mọi thứ đâu lại hoàn nấy. Hai đứa trẻ tầng dưới tiếp tục ồn ào, tôi ở tầng dưới tiếp tục mất ngủ. Nghe thấy tiếng động lặp đi lặp lại trên tầng, cơn giận của tôi bùng lên, tôi ra khỏi nhà, chuẩn bị lên tầng tìm hàng xóm nói chuyện.
Tuy nhiên, nghĩ đến sự thất bại của mẹ chồng ngày hôm qua, tôi cũng lưỡng lự: Lỡ tôi đi mà chồng Nhã Cẩm không tin thì sao? Bởi vì gia đình họ chưa từng nghĩ rằng hai đứa trẻ nhà mình có thể gây ra tiếng động lớn như vậy. Tôi muốn chính họ tự trải nghiệm những gì gia đình tôi đã phải chịu đựng thời gian qua, từ đó nhận ra lỗi lầm của mình từ tận đáy lòng và giải quyết vấn đề này một cách triệt để.
Nghĩ tới đây, tôi nhanh chóng nghĩ ra một cách. Gần 9 giờ sáng hôm sau, tôi đứng trước cửa nhà chờ Nhã Cầm đi mua đồ về. (Vì lúc đó là ngày nghỉ và cả hai đứa trẻ đều ở nhà nên Nhã Cầm ngày nào cũng đi chợ mua đồ về nấu các món ngon cho hai đứa trẻ. Khu chung cư nơi chúng tôi sống không có thang máy, vì vậy Nhã Cầm mỗi ngày đều đi ngang qua cửa nhà tôi).
Chẳng bao lâu, Nhã Cầm mang theo một túi đồ nấu đi từ dưới lầu lên. Thấy tôi, cô ấy cười nói: "Chị Tiểu Mỹ, hôm nay chị được nghỉ à? Ngày nào đi qua nhà chị, tôi cũng thấy nhà chị đóng cửa".
"Nhã Cầm, giờ mới 9 giờ, vẫn còn sớm. Chúng ta quen biết nhau cũng một thời gian rồi mà cô chưa bao giờ đến nhà tôi chơi. Nay tình cờ gặp nhau thế này, hay cô ghé nhà tôi ngồi một lúc không. Cầm nhiều đồ như vậy không mệt à, coi như nghỉ ngơi một xíu, tiện uống ly trà. À mà, hai ngày trước, chồng tôi mới đi câu được mấy con cái, nhà tôi ăn không hết. Cá toàn cá tự nhiên thôi, tôi tặng cô hai con, cô mang về mà nấu cho hai đứa nhỏ, bổ lắm đấy", tôi giả bộ như mới thấy Nhã Cầm, nhiệt tình mời cô ấy vào nhà tôi chơi.
"Chị Tiểu Mỹ, cảm ơn chị. Hôm nay đi chợ, tôi tiện chân đi giày cao gót, giờ đau chân quá trời. Nhưng mà chắc tôi chỉ ngồi được một lúc thôi, hai đứa nhỏ đều ở nhà. Trước khi ra ngoài tôi có dặn chúng làm bài tập mà không biết chúng có nghe lời không nữa. Tôi vào ngồi chơi một lát rồi về kiểm tra mới được", Tiểu Mỹ vừa nói vừa bước đến cửa nhà tôi.
Hôm đó Yaqin đi một đôi giày cao gót, đi đến cửa nhà tôi, cô ấy do dự một chút, quay lại hỏi tôi: "Chị Tiểu Mỹ, tôi đang đi giày cao gót, tôi có cần thay giày không?".
"Nhã Cầm, thực ra đến nhà tôi ngồi một lát, có thay giày hay không cũng không thành vấn đề. Nhưng nay cô đi giày cao gót, tiếng giày hơi lớn. Bình thường tôi đi làm mà đi giày cao gót thì về đến cửa nhà cũng phải thay bằng dép ngay. Chủ yếu là do dưới tầng là một cặp vợ chồng già, tuổi tác cao, khó ngủ. Xưa tôi thỉnh thoảng đi giày cao gót trong nhà gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng đến họ. Thôi, chúng ta cũng không xa lạ gì, dép nhà tôi cũng toàn dép mới, cô thay tạm nhé", tôi vừa nói vừa đưa cho Nhã Cầm.
"Chị nói đúng đấy, sao tôi không nghĩ tới việc này nhỉ?", Nhã Cầm thay giày ra rồi nói với tôi. (Tôi thấy Nhã Cầm đỏ mặt. Bởi vì Nhã Cầm thích làm đẹp, tôi thấy cô ấy thường xuyên đi giày cao gót. Có lẽ cô ấy nhớ lại việc mình ở nhà không chuyển sang đi dép, vì tôi cũng thường xuyên nghe thấy tiếng gót giày tới lui trên tầng).
Ảnh minh họa
Tôi nhiệt tình mời Nhã Cầm ngồi xuống sofa, nhanh chóng rót cho cô ấy cốc nước, rửa vài quả táo cho Nhã Cầm ngồi ăn. (Thật ra, hai con cá tôi cho Nhã Cầm tôi để sẵn trong tủ lạnh rồi. Dù Nhã Cầm không vào nhà, tôi cũng có thể lấy chúng cho cô ấy một cách nhanh chóng nhưng tôi muốn mời Nhã Cầm đến nhà mình ngồi lát, kéo dài thời gian, để cô ấy tự mình cảm nhận tiếng ồn từ nhà cô ấy vọng xuống và nhận ra mình đang sai. Hai đứa nhóc nhà Nhã Cầm đều ở nhà và tầng trên đã bắt đầu có những tiếng "đùng đùng").
Tôi cũng ngồi xuống sofa, chậm rãi gọt táo cho Nhã Cầm mà không nói một lời. Không khí đột nhiên trở nên im ắng, phòng khách yên tĩnh vô cùng và âm thanh duy nhất nghe được là tiếng hai đứa trẻ chạy loanh quanh trên lầu, xen lẫn với tiếng chân ghế di chuyển. (Ngày hôm đóm, tiếng ồn từ tầng trên to vô cùng). Khi tôi gọt xong quả táo và đưa cho Nhã Cầm, cô ấy không nhận. Tôi nhận ra cô ấy đang ngửa mặt lên và cau mày, vì lúc đó hai đứa trẻ đang đùa giỡn trên tầng, tiếng ồn càng lúc càng lớn.
Nhìn thấy những điều này, tôi cảm thấy vui mừng: cuối cùng mục đích của tôi cũng đạt được rồi. Nhã Cầm cuối cùng cũng biết hai đứa nhóc nhà mình làm ảnh hưởng đến hàng xóm ở tầng dưới như thế nào.
"Chị Tiểu Mỹ, xin lỗi chị, trước đây nhà tôi ở nơi khác, hàng xóm tầng dưới đi nước ngoài, thường xuyên không ở nhà, cũng không ai phản ánh vấn đề này. Từ khi chúng ta thành hàng xóm, tôi còn tưởng hai đứa nhỏ còn nhỏ, chúng nô đùa trên tầng thì tầng dưới cũng không sao, chẳng có tiếng ồn gì đâu.
Tối qua, chồng tôi nói với tôi rằng mẹ chồng chị đến gặp anh ấy và nói rằng hai đứa con đang ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của bà. Tôi vẫn nghĩ con mình bị oan nhưng nhìn tình hình hôm nay, chắc chúng chẳng oan gì đâu. Xin lỗi chị, hôm nay về nhà tôi nhất định sẽ tìm cách quản lý hai đứa con của mình", Nhã Cầm nói nhỏ với tôi, đồng thời đứng dậy chuẩn bị về nhà.
Nghe xong những lời này, tôi thầm vui mừng, nhanh chóng đứng dậy và đưa cho Nhã Cầm cả ba con cá trong tủ lạnh. (Ban đầu tôi định đưa cho Nhã Cầm hai con cá, nhưng vì tâm trạng vui vẻ nên tôi đưa cả ba con cá còn lại cho Nhã Cầm). Kể từ khi Nhã Cầm trở về nhà, tôi không còn nghe thấy tiếng động từ trên lầu nữa. Ban đầu tôi nghĩ không qua một ngày, kiểu gì trên tầng sẽ lại tiếp tục ồn ào nhưng cho đến đêm hôm đó vẫn không có tiếng động nào từ tầng trên. Cứ như vậy, hai ngày trôi qua, trên lầu vẫn yên ắng, tôi có chút kinh ngạc: Hai đứa nhỏ thay đổi nhanh như vậy sao? Tại sao đột nhiên không còn tiếng động nữa?
Đến buổi tối ngày thứ ba, khi gia đình chúng tôi đang ăn tối ở nhà thì chuông cửa đột nhiên vang lên. Tôi mở cửa ra xem: Gia đình Nhã Cầm đang đứng trước cửa, chồng Nhã Cầm cầm một túi chuối, Nhã Cầm xách một túi bánh mỳ, hai đứa trẻ thì ngoan ngoãn đứng bên cạnh. Thấy có khách đến, tôi vội vã mời gia đình Nhã Cầm vào trong nhà.
Ảnh minh họa
"Bác ơi, con xin lỗi. Hôm đó bác đến nhà tìm con vì chuyện hai đứa trẻ làm ồn. Con không biết nguyên nhân sự việc, nếu con có nói lời nào không đúng thì mong bác bỏ qua. Hôm nay, con mua chút hoa quả đến xin lỗi nhà bác. Từ giờ chúng ta sẽ là hàng xóm tốt, nếu sau này gia đình con có làm gì không phải, mong bác cứ nói ra, nhà con nhất định sẽ thay đổi".
Chồng Nhã Cầm đến trước mặt mẹ chồng tôi và mỉm cười xin lỗi bà. (Chúng tôi luôn nghĩ rằng chồng của Nhã Cầm không biết ăn nói nhưng không ngờ ngày hôm đó, anh ta lại có thể nói ra những lời như vậy).
"Không sao không sao, hàng xóm láng giềng với nhau, đừng khách sáo. Bán anh em xa mua láng giềng gần mà", mẹ chồng tôi cũng niềm nở.
Hôm đó, gia đình chúng tôi trò chuyện rất lâu với gia đình Nhã Cầm. Nhã Cầm nói với tôi rằng vì biết hai đứa nhỏ nhà mình đã làm ảnh hưởng đến gia đình tôi nên ngay sáng hôm đó, cô ấy đã gọi điện nhắc chồng mua một ít đệm da để lót chân bàn, chân ghế. Hơn nữa, trưa đó, Nhã Cầm cũng không nấu cơm, cô dành thời gian cả ngày để dặn dò hai đứa con không được chạy nhảy lung tung, ở trên tầng thì phải đi đứng chơi đùa như thế nào. Thậm chí ngay cả với việc đi giày dép, Nhã Cầm cũng dặn con phải cẩn thận, đừng gây ra tiếng ồn.
Kể từ ngày đó, mối quan hệ giữa gia đình chúng tôi và gia đình Nhã Cầm ngày càng tốt đẹp hơn. Tầng trên không còn ồn ào, tầng dưới không bị ảnh hưởng. Sau khi trải qua sự việc này, tôi muốn nói với các bạn: Trong cuộc sống, quan hệ tốt với hàng xóm rất quan trọng. Đôi khi họ hàng rất thân thiết nhưng khi có chuyện gì xảy ra thì lại ở quá xa nhau, lúc này, hàng xóm mới là người có thể ở bên để giúp đỡ bạn. Nếu có vấn đề xảy ra giữa chúng ta và hàng xóm thì chúng ta phải tìm cách giải quyết trong hòa bình, giao tiếp với nhau để có thể chung sống hòa thuận.
Bên cạnh đó, qua câu chuyện này, tôi cũng thấy rằng việc giáo dục con cái cần được tiến hành một cách nhẹ nhàng nhưng kiên quyết. Cha mẹ cần giúp con ý thức được hành vi của mình không chỉ ảnh hưởng đến gia đình mà còn đến những người xung quanh. Việc dạy con sống có trách nhiệm và tôn trọng không gian chung là bài học quan trọng để trẻ có thể hòa nhập và được chào đón trong cộng đồng, xây dựng môi trường sống lành mạnh và yên bình cho tất cả mọi người.