Chuyên mục  


Thông tin trên nằm trong tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Chính phủ cách đây vài hôm về dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định của Luật Giáo dục.

Cụ thể, Bộ cho biết sẽ xây dựng quy chế công tác sinh viên, trong đó nhóm được xét, cấp học bổng khuyến khích học tập cần bao gồm người học ở các hình thức đào tạo khác như vừa học vừa làm, đào tạo từ xa, chứ không riêng người học hệ chính quy.

Hiện, các trường đại học thường cấp học bổng cho khoảng 10% sinh viên chính quy có kết quả học tập tốt nhất theo lớp, ngành học, với ba loại là khá, giỏi và xuất sắc. Học bổng loại khá có giá trị thấp nhất là bằng học phí mà sinh viên phải đóng. Hai loại còn lại cao hơn. Người học tại chức, học từ xa không được cấp học bổng này.

Đại diện một số trường đại học cho biết sinh viên hai hệ nói trên thường chỉ được nhận phần thưởng, hoặc được hỗ trợ học phí nếu có hoàn cảnh khó khăn, theo quy định của từng trường. Đề xuất mới sẽ tạo sự công bằng.

Lý do là theo Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực từ tháng 3/2020, văn bằng đại học đã không còn sự phân biệt giữa tại chức hay chính quy như trước. Hình thức đào tạo chỉ còn được ghi ở phụ lục văn bằng.

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nhận học bổng khuyến khích học tập tháng 11/2023. Ảnh: HUST

Ngoài ra, Bộ đề xuất các trường công lập dành tối thiểu 5% nguồn thu từ học phí cho quỹ học bổng khuyến khích học tập, giảm 3% so với hiện nay. Với trường tư thục, tỷ lệ vẫn là 2%.

Đồng thời, mức trích được tính dựa trên học phí của sinh viên tất cả hệ đào tạo, chứ không riêng sinh viên hệ chính quy.

Theo Bộ, kết quả khảo sát cho thấy đa số trường đại học công lập cho rằng mức trích lập 8% là cao, làm khó các trường bởi chủ yếu chỉ có nguồn thu từ học phí.

Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất ngân sách cấp học bổng cho sinh viên một số chương trình đào tạo theo đề án phát triển nguồn nhân lực các ngành công nghiệp mới, như bán dẫn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến dự thảo đến ngày 12/11 (Toàn văn dự thảo).

Dương Tâm

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020