Chuyên mục  


Thông tin được PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, công bố tại Hội nghị thường niên, sáng 26/12.

Theo ông Quân, đại học này đã dẫn đầu cả nước về số công bố quốc tế từ năm 2022 nhưng đây là lần đầu đạt mục tiêu 3.000 bài báo mỗi năm. Tỷ lệ bài báo quốc tế trên số lượng tiến sĩ đạt 2,01. Nếu tính trên tổng số giảng viên, con số này là 1.

"Thành tích rất ấn tượng, chứng tỏ năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học", ông Quân nói.

Theo các thống kê, cả nước mỗi năm có khoảng 19.000 bài báo quốc tế, phần lớn từ các trường đại học. Xếp sau Đại học Quốc gia TP HCM là Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội (khoảng 1.500-1.600 bài hàng năm).

Lý giải sự tăng trưởng, PGS.TS Lâm Quang Vinh, Trưởng ban Khoa học công nghệ, cho rằng Đại học Quốc gia TP HCM có nguồn nhân lực chất lượng cao. Số tiến sĩ về nước sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ hoặc sau tiến sĩ từ các nước tiên tiến ngày càng tăng. Hiện, số giảng viên giảng dạy kết hợp nghiên cứu là 3.677 người, khoảng 44% có trình độ tiến sĩ.

Cùng đó, trường thực hiện chiến lược phát triển khoa học công nghệ, gồm đầu tư trang thiết bị (hai phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia, 11 phòng thí nghiệm cấp Đại học Quốc gia TP HCM), nuôi dưỡng các nhóm nghiên cứu tiềm năng (hơn 80 nhóm) và hình thành trung tâm xuất sắc, các nhóm nghiên cứu mạnh đẳng cấp quốc tế. Các nhóm xuất sắc sẽ được đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực thông qua chế độ lương, đãi ngộ.

Với cách tổ chức này, các tập thể sẽ không ngừng phấn đấu để sớm được công nhận và được đầu tư, đồng thời các nhóm mạnh sẽ phát triển dần theo thời gian, vừa bổ sung vừa loại trừ.

Dù số lượng bài báo công bố quốc tế tăng mạnh nhưng doanh thu từ dịch vụ khoa học, công nghệ chỉ đạt 241,2 tỷ đồng, giảm so với hai năm trước (288 và 319 tỷ), theo GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM.

Bà Mai nhận định hoạt động sở hữu trí tuệ và khoa học, công nghệ còn nhiều hạn chế. Các nhà quản lý, nghiên cứu khoa học chưa quan tâm đến việc bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ nên giá trị chuyển giao công nghệ còn thấp. Các sản phẩm hình thành từ nghiên cứu khoa học sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa thể thương mại hóa do vướng nhiều quy định.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, nêu chiến lược phát triển khoa học công nghệ, ngày 26/12. Ảnh: VNUHCM

Ông Quân cho biết từ năm 2025, Đại học Quốc gia TP HCM đặt mục tiêu tạo ra phát minh, bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, chip bán dẫn, AI.

"Tức chuyển từ nghiên cứu đỉnh cao sang phát triển sản phẩm mẫu, đăng ký bản quyền sáng chế. Đây là bước chuyển trong chiến lược nghiên cứu khoa học công nghệ, giai đoạn 2025-2030", ông Quân nói.

Song song đó, đại học này tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng nghiên cứu khoa học công nghệ, hợp tác với doanh nghiệp để mở rộng hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho sinh viên.

Đại học Quốc gia TP HCM được thành lập năm 1995, quy mô đào tạo hơn 90.000 sinh viên, lớn nhất cả nước. Theo xếp hạng đại học QS 2025, cơ sở giáo dục này thuộc nhóm 901-950 thế giới.

Lệ Nguyễn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020