Chiều 4/11, tại phiên thảo luận Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu nhìn nhận công tác phân luồng học sinh đi học nghề sau THCS và THPT còn nhiều bất cập.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết quyết định 522 năm 2018 của Thủ tướng về việc này đặt mục tiêu ít nhất 40-45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT học nghề vào năm 2025. Điều này tạo ra áp lực rất lớn cho các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Theo ông, mỗi năm có khoảng 15% học sinh tốt nghiệp THCS bỏ học, không có việc làm ổn định. Chất lượng đào tạo nghề với nhóm này còn thấp, tỷ lệ có việc làm không cao. Chỉ tiêu 45% học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề cũng không đạt vì đa phần các em mong muốn vào đại học.
Từ đó, ông Mạnh đề xuất giảm tỷ lệ phân luồng học nghề sau THCS để học sinh được bình đẳng về quyền học tập trong nhà trường. Việc này giúp các em phát triển toàn diện tư duy, thể chất, tránh gây áp lực cho xã hội và giảm tệ nạn do các em không được giáo dục đầy đủ trong môi trường sư phạm.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh tại phiên thảo luận của Quốc hội, chiều 4/11. Ảnh: Media Quốc hội
Ở góc độ khác, bà Lò Thị Luyến, phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, và bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, đại biểu tỉnh Vĩnh Long, nhận định việc phân luồng học sinh sau THCS vào trường nghề chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Theo bà Luyến, việc khảo sát, đánh giá nhu cầu thị trường việc làm chưa được quan tâm đúng mức. Mã ngành nghề, cơ cấu đào tạo nhân lực chưa bám sát nhu cầu việc làm, thị trường. Đa số học sinh và phụ huynh lúng túng và thiếu thông tin khi lựa chọn nghề nghiệp.
"Một số cơ sở giáo dục thực hiện phân luồng cực đoan, cứng nhắc dẫn đến sự đồng thuận không cao của phụ huynh, thậm chí có một số em vì bế tắc nên nghĩ quẩn", bà Luyến nhận định.
Trong khi đó, ở các vùng khó khăn, trường nghề không đủ hấp dẫn, cơ sở vật chất yếu kém. Học sinh cũng lựa chọn nghỉ học ở nhà nhiều, tảo hôn, sinh con sớm hay bị dụ dỗ vi phạm pháp luật.
Về giải pháp, bà Quyên Thanh cho rằng cần phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại. Tuy nhiên, bà đề nghị tăng số lượng học sinh sau THCS, THPT vào giáo dục nghề nghiệp.
Bà Luyến và bà Quyên kiến nghị Chính phủ, bộ ngành đánh giá lại đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh giai đoạn 2018-2025 (Quyết định 522), cũng như việc sắp xếp, sáp nhập các trung tâm dạy nghề, để đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, ông Mạnh cho rằng cần chú trọng xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo và đổi mới nội dung chương trình.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại phiên thảo luận của Quốc hội, chiều 4/11. Ảnh: Media Quốc hội
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay chỉ tiêu phân luồng học sinh sau THCS và THPT đã được các địa phương làm cơ sở để xây dựng hệ thống trường công lập.
"Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhu cầu học THPT của học sinh cao hơn so với khả năng đáp ứng của hệ thống trường, lớp hiện tại, gây ra nhiều căng thẳng trong quá trình lựa chọn", ông Sơn nói.
Theo ông, học sinh phải đối mặt với sức ép rất lớn khi thi vào lớp 10. Do vậy, đã đến lúc cần phải đánh giá một cách đầy đủ sau một thời gian triển khai quyết định 522, xem mức độ phù hợp còn đến đâu.
Sơn Hà