“Mỗi em thu 1 triệu, lớp 50 em học sinh, thử hỏi phòng học cần ‘tân trang’ cái gì mà cần những 50 triệu?”, đây là một trong những bình luận nhận được nhiều sự đồng tình của cộng đồng mạng Trung Quốc về vụ việc phụ huynh của một em học sinh phản ánh khoản tiền cần đóng cho quỹ lớp dịp đầu năm.
Con đi học bị phân biệt đối xử vì bố mẹ phản ánh về quỹ lớp
Theo đó, các khoản tiền phải đóng đợt đầu năm cho các con bao gồm học phí, quỹ lớp, tiền đồng phục, vệ sinh… là những khoản tiền khá quen thuộc với các bậc phụ huynh.
Tuy nhiên, giáo viên tới một từ trường tiểu học ở Trung Quốc (đã ẩn danh tính) lại thu thêm của phụ huynh khoản tiền “tân trang cơ sở vật chất phòng học” với mức thu thấp nhất là 300 tệ (khoảng 1 triệu đồng) khiến không ít người bất ngờ.
Càng bất ngờ hơn cả, khi một phụ huynh có con đang theo học tại lớp đặt câu hỏi thắc mắc về khoản thu này, không những không nhận được lời giải thích thuyết phục mà người này còn bị giáo viên loại ra khỏi nhóm WeChat (ứng dụng nhắn tin tương tự Zalo).
Chưa dừng lại tại đó, con gái sau vài ngày đi học thì buồn bã kể với cha mẹ rằng cô giáo không thích em. Nguyên nhân là vì cô giáo chủ nhiệm đột nhiên đổi chỗ ngồi của em và chuyển em xuống vị trí cuối lớp. Hơn nữa cô còn phân cho em ngồi chiếc bàn học cũ, bàn rất thấp khiến em rất khó viết bài. Tới tiết hoạt động ngoài trời, đôi giày thường đi của em bị cô đổi sang một đôi khác cũ và nhỏ hơn.
Con đi học bị phân biệt đối xử vì bố mẹ phản ánh về quỹ lớp. Ảnh minh họa
Phụ huynh sau khi nghe con tâm sự đã trực tiếp phản ánh với nhà trường. Phía nhà trường thừa nhận hành động xóa phụ huynh khỏi nhóm chat của giáo viên là sai. Giáo viên nhận lỗi về hành động đó của mình. Về khoản thu thêm cải thiện cơ sở vật chất giáo viên giải thích đó là khoản tiền tự nguyện, phụ huynh nào muốn đóng thì đóng không đóng cũng không sao.
Riêng về việc cô giáo phân biệt đối xử với em học sinh thì cả phía nhà trường lẫn giáo viên đều không đưa được lời giải thích cụ thể và cho rằng đó là chuyện bình thường.
Cách phản ứng này của Ban quản lý nhà trường cùng giáo viên đã gây ra màn tranh cãi lớn. Không ít phụ huynh học sinh từng rơi vào trường hợp tương tự đã để lại nhiều bình luận. Trong đó, đa phần các bậc phụ huynh đều đặt câu hỏi thắc mắc về một số khoản thu quỹ lớp, đặc biệt là các khoản thu chi “tự nguyện”.
Cách xử lý của nhà trường xử lý gây tranh cãi. Ảnh minh họa
Vì điều kiện mỗi gia đình là không giống nhau, không ít phụ huynh có kinh tế kém hơn cảm thấy rất áp lực khi thấy những gia đình khá giả đóng mức tiền cao hơn bình thường. Chính những khoản thu chi “tự nguyện” kiểu như vậy khiến không ít bậc phụ huynh cảm thấy bất bình. Qua sự vụ này, không ít phụ huynh mong muốn rằng phía nhà trường có cách quản lý đồng bộ hơn. Các khoản thu chi cần minh bạch rõ ràng, phù hợp và công bằng cho cả phụ huynh và học sinh.
Một số bình luận của phụ huynh học sinh về vụ việc này nhận được nhiều sự đồng tình:
“Khoản tiền quỹ lớp nên làm rõ từng khoản, thu chi phải phù hợp và công bằng, như vậy mới tránh được mâu thuẫn giữa gia đình và nhà trường”.
“Mỗi em thu 1 triệu, lớp 50 em học sinh, thử hỏi phòng học cần ‘tân trang’ cái gì mà cần những 50 triệu? Không phải cơ sở vật chất đã đóng khoản riêng cho nhà trường trong học phí rồi sao?”.
“Những gia đình có điều kiện tốt thường đề xuất đóng mức tiền cao hơn bình thường, điều này khiến tôi cảm thấy rất khó xử mỗi lần đi họp phụ huynh. Vì đóng nhiều thì gia đình lo không nổi, nhưng không đóng thì con xấu hổ vì điều kiện gia đình không được như các bạn…”.