Chuyên mục  


Lan tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia với nghề Thiết kế đồ họa. Sau ba tháng ôn tập và hai ngày thi chính thức, nữ sinh Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội vượt qua thí sinh từ 25 đoàn khắp cả nước để giành danh hiệu cao nhất.

Khi còn là học sinh THPT Chương Mỹ B, Lan luôn nằm trong top đầu lớp. Dù vậy, nữ sinh không thể đưa ra định hướng nghề nghiệp từ sớm vì "không biết mình thích gì". Thời điểm đăng ký nguyện vọng đại học, Lan phân vân rồi quyết định chọn theo bạn bè. "Khi nhận tin trúng tuyển, mình không quá vui mà hoang mang, tự hỏi liệu có nên đi học hay không. Mình thật sự không đặc biệt thích ngành nào trong những ngành đã đăng ký", cô nói.

Cuối cùng, được một người quen giới thiệu, Lan tìm hiểu về Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, ngành Thiết kế đồ họa. Cô gái sinh năm 2000 "thấy ngành này cũng hay, lại hơi nghệ sĩ, hợp với tính cách của mình".

Lan-1336-1640182424.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xMr_izUVlJpfqdAPxPZsLQ

Trịnh Thị Lan, 21 tuổi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Học kỳ đầu tiên của Lan ở trường cao đẳng không giống như cô tưởng tượng. Nữ sinh từng nghĩ sẽ "học toàn bộ trên máy tính", tuy nhiên suốt kỳ I, cô được học các môn yêu cầu vẽ tay. Đây không phải sở trường của Lan, cô tự thấy mình vẽ cũng không đẹp nên nhanh chán. Chật vật đến học kỳ II, nữ sinh bắt đầu làm quen với các thao tác và phần mềm thiết kế trên máy tính. Được tự làm sản phẩm, hoàn thành các bài tập giáo viên giao, Lan hào hứng vì "đúng cái mình thích".

Nữ sinh nhanh chóng bật lên, vào top đầu của lớp và duy trì suốt chương trình học. Đầu năm 2021, Lan được chọn tham gia vòng loại Kỹ năng nghề cấp trường cùng khoảng 15 bạn khác. Dự thi với tâm thế thử sức, Lan bất ngờ khi đứng đầu vòng loại và trở thành đại diện duy nhất của trường, dự thi Kỹ năng nghề quốc gia, ngành Thiết kế đồ họa.

Bên cạnh niềm vui, cô lo lắng vì "sợ không làm được". Những năm trước, sinh viên của trường đều có giải cao, trở thành áp lực lớn với Lan. Chưa kể, đề thi quốc gia sẽ sử dụng tư liệu của các cuộc thi Kỹ năng nghề ASEAN, châu Á và thế giới nên được viết toàn bộ bằng tiếng Anh. Để lấy cảm hứng và động lực thi đấu, Lan đã xem rất nhiều video, hình ảnh của các thí sinh Việt Nam trên đấu trường khu vực và quốc tế. Từ đó, cô đặt mục tiêu giành giải nhất quốc gia để có cơ hội tham dự các kỳ thi quy mô lớn hơn.

Từ tháng 7 khi ban tổ chức gửi đề cương, Lan bắt đầu luyện tập cho cuộc thi. Thời gian ôn luyện trùng với thời điểm Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, nữ sinh phải thực hiện "ba tại chỗ" ở trường. Ngoài thời gian luyện tập thao tác, cô phải tự học tiếng Anh, đặc biệt là các từ chuyên ngành, được dùng nhiều trong thiết kế. Cô cũng dịch lại đề của các năm trước và ở các cuộc thi khu vực, từ đó luyện tập theo.

Chỉ có một mình tại phòng dành cho tình nguyện viên của trường, nhiều lúc Lan cũng nhớ nhà. "Ngoài mình thì trường còn một thí sinh khác dự thi Quản trị mạng. Để cân bằng và chia sẻ áp lực, mình và bạn đó thường nói chuyện và động viên nhau", Lan kể.

nu-sinh-duy-nhat-dat-huy-chuon-1619-2515-1640182424.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5x50NfhA2JRly5cLdhsPXw

Lan được đàn anh khoá trên hướng dẫn trước kỳ thi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia diễn ra từ 1 đến 12/12 sau nhiều lần hoãn vì dịch bệnh. Ba ngành thi trực tiếp liên quan đến kỹ thuật khai thác, xây dựng hầm mỏ, được tổ chức tại Quảng Ninh, 11 ngành còn lại thi trực tuyến. Tổng số thí sinh khoảng 180, đến từ 25 đoàn.

Nghề Thiết kế đồ họa mà Lan dự thi được tổ chức trực tuyến trong hai ngày 2-3/12. Thí sinh phải vượt qua bốn modules, tương đương bốn bài thi, với thời gian 12-15 tiếng. Điểm xét giải được tính từ tổng các bài thi, lấy từ cao xuống thấp.

Một ngày trước khi thi, Lan nhận bằng tốt nghiệp nên tinh thần tương đối thoải mái. Trong ngày thi đầu tiên, Lan phải hoàn thành module 1 và 2 trong sáu tiếng. Bài 1 với yêu cầu thiết kế logo và card visit cho một thương hiệu in truyền thống của Nga không làm khó được nữ sinh 21 tuổi. Tuy nhiên, bài thứ hai với yêu cầu thiết kế một tạp chí du lịch của ASEAN với độ dày 10 trang là thử thách lớn. Nữ sinh đánh giá, đây là module khó nhất vì dài và nhiều yêu cầu chi tiết cho từng trang.

Khi luyện tập, dạng bài này cũng khiến Lan chật vật. Lần đầu tiên làm thử, nữ sinh mất hơn 5 tiếng. Với tốc độ này, cô không thể hoàn thành modules 1 và 2 trong sáu tiếng. "Mình stress cực kỳ, vì khi bỏ dở, dù chỉ là một bài thi thì không thể có thành tích tốt, chưa nói chuyện được huy chương hay không", Lan nói.

Do đó, suốt một tuần cuối trước khi kỳ thi diễn ra, nữ sinh luyện tập với cường độ cao, từ 7h sáng đến 22h tối, dưới sự hỗ trợ của giáo viên. Mục tiêu đặt ra là loại bỏ toàn bộ thao tác thừa để hoàn thành nhanh nhất có thể. Kết quả, trong bài thi thật, Lan chỉ mất năm tiếng cho cả hai modules. Đây là kết quả tốt nhất mà cô làm được.

Sang ngày thi tiếp theo, module 3 và 4 lần lượt yêu cầu thiết kế một hộp thuốc ho cổ truyền của Mông Cổ và làm một poster khuyến khích người dân tiêm vaccine Covid-19. Vì đã vượt qua được chướng ngại vật khó nhất trong ngày thi đầu, Lan khá thoải mái và hoàn thành được hai bài thi cuối cùng tương đối nhanh.

Trong hai ngày thi, Lan đều gặp trục trặc kỹ thuật, phải nhờ đội ngũ chuyên gia can thiệp 10-15 phút. Thời gian này được tính bù vào giờ làm bài cho cô. Nữ sinh cho rằng, mình vẫn may mắn vì lỗi xảy ra khi cô đã gần hoàn thành bài thi, nên tinh thần không bị ảnh hưởng quá nhiều. "Nếu lúc đó mới làm được một ít và không biết phải đợi sửa đến bao giờ, mình chắc chắn sẽ rất hoảng", Lan nói.

ce2c3afe41d18b8fd2c0-8421-1640-9448-6036-1640182424.jpg?w=300&h=180&q=100&dpr=1&fit=crop&s=J6r-C1QtAXtmdiiVpFafKw
nu-sinh-duy-nhat-dat-huy-chuon-7750-3601-1640182425.png?w=300&h=180&q=100&dpr=1&fit=crop&s=v_w2e-2YfD3149m9ubrVUg
nu-sinh-duy-nhat-dat-huy-chuon-9421-3483-1640182425.png?w=300&h=180&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bN-kBY04x3DZMCl427H8aQ

Giữa tháng 12, nhận thông báo "đoạt huy chương vàng" và là cô gái duy nhất trong số các thí sinh giành được huy chương vàng tại cuộc thi, Lan không tin nổi. Niềm vui bất ngờ khiến Lan vỡ òa. "Mình phải khoe ngay với bố mẹ. Có lẽ đây là khoảnh khắc vui nhất của mình", cô nói.

Là giáo viên hướng dẫn Lan trong suốt quá trình ôn luyện cho cuộc thi Kỹ năng nghề quốc gia, cô Nguyễn Thị Thanh Xuân cho biết các năm trước, sinh viên của trường dự thi Thiết kế đồ họa đều là nam. So với các bạn nam, Lan tốc độ không bằng nhưng lại có sự điềm tĩnh, chăm chỉ và khả năng tự học rất tốt.

Cô Xuân đánh giá, thời điểm "nước rút", Lan không ngại luyện tập 15 tiếng mỗi ngày. Gặp thao tác khó, nữ sinh cũng chủ động liên lạc với các anh chị khóa trên để học hỏi. "Lan rất quyết tâm tại cuộc thi này, nhờ đó mà em giành kết quả tốt. Tôi hy vọng giải thưởng sẽ là tiền đề tốt cho em sau này", cô Xuân nói.

Hiện, Lan đang hoàn thành hồ sơ xin việc. Cô cho rằng giải thưởng này đem đến những ưu thế nhất định cho mình, nhưng khẳng định "vẫn cần luyện tập nhiều vì khi đi làm sẽ rất khác". "Nếu có cơ hội, mình mong có thể tiếp tục trau dồi kỹ năng, bổ sung kiến thức về lĩnh vực kỹ thuật để vững chuyên môn hơn", Lan nói.

Thanh Hằng

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020