Học sinh, sinh viên nghĩ gì khi trong môi trường giáo dục lại xuất hiện "yêu râu xanh" mang danh nghĩa giáo viên?
Khi trao đổi với nhân vật, nhiều học sinh - sinh viên bày tỏ sự trăn trở, bức xúc trước tình trạng xâm hại tình dục đã len lỏi và diễn biến trong cơ sở giáo dục - một môi trường vốn được coi là an toàn, lành mạnh để các bạn rèn luyện và hoàn thiện nhân cách.
Cô bạn Minh Phương (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tâm sự: "Khi biết những thông tin xung quanh vụ việc này mình đã cực kì sốc, bởi lẽ môi trường sư phạm trang nghiêm mà lại có người như vậy ngày ngày lên lớp giảng dạy, truyền đạt tri thức. Hành vi này thực sự biến thái, làm mất thuần phong mĩ tục và đáng bị xã hội lên án.
Mình cũng cảm thấy đồng cảm với nạn nhân, cuối cùng họ cũng dám lên tiếng để vạch trần bộ mặt thật của kẻ xấu. Tuy nhiên vụ việc cũng cần được làm rõ, nhìn nhận khách quan từ nhiều chiều để có đánh giá khách quan nhất. Trong thời gian tới cần xử lý kịp thời để chấm dứt hành vi đáng sợ đó và trả lại sự trong sáng cho môi trường sư phạm. Mình cũng hi vọng nạn nhân hãy mạnh mẽ, tỉnh táo hơn".
Ảnh minh họa
Bạn Nam Anh (học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn) cho biết bản thân đã từng bắt gặp chính câu chuyện này ở trong lớp của mình: “Mình từng nghe các bạn kể về tình huống này một lần trong nhóm chat. Bạn nữ đó khá xinh nên được các thầy trong khoa để ý lắm, cũng có xin info và Facebook cá nhân của bạn đó nữa".
Cậu bạn cũng chia sẻ lại tâm lý của mình khi nghe chuyện này: "Mình nghĩ việc quen biết các thầy cô cũng nên dừng lại ở mức giới hạn nhất định, vì giờ MXH cập nhật thông tin khá nhanh, sớm hay muộn cũng sẽ có nhiều người biết, dẫn đến những sự việc không hay".
Quấy rối tình dục ở môi trường học đường: Không chỉ lên tiếng rồi...để đó
Trước những ý kiến trái chiều này, chúng tôi đã liên hệ với Chuyên gia giáo dục, Giám đốc Học viện Thành Công - TS. Vũ Việt Anh để phân tích kĩ hơn về vấn đề này.
Chuyên gia giáo dục, Giám đốc Học viện Thành Công - TS. Vũ Việt Anh
Theo đánh giá của TS. Vũ Việt Anh, thì đây là những vụ việc hết sức nhức nhối, đặc biệt còn xảy ra trong lĩnh vực giáo dục. Song chúng ta cũng cần phải nhìn nhận từ cả hai phía "Ở đây một số yếu tố mà chúng ta cần phải nhắc đến. Đầu tiên phải nhắc đến các bạn học sinh, sinh viên. Các em chưa được trang bị những kỹ năng sống, vốn sống phù hợp để chúng ta bảo vệ bản thân khỏi môi trường đại học đầy cám dỗ.
Theo tiêu chí giáo dục của UNESCO - tổ chức giáo dục của Liên hợp quốc thì cũng đã định nghĩa giáo dục rất rõ ràng, tức là chúng ta học không chỉ đơn thuần là học kiến thức mà chúng ta còn học để hiểu biết, đó là học những kiến thức ở ngay trong nhà trường. Các bạn trẻ khi lên Đại học cần xác định một cách rõ ràng rằng chúng ta cần phải trang bị đầy đủ những kỹ năng và thái độ sống để có thể ứng phó với mọi tình huống, cũng như hành động một cách khôn ngoan, khéo léo để tồn tại trong một môi trường đầy những biến động như hiện nay.
Yếu tố thứ hai theo tôi là đáng trách hơn ở giáo viên - người có tấm gương đạo đức tốt để cho thế hệ trẻ noi theo. Nhưng đã không kiểm soát được bản thân cũng như dục vọng của chính mình và đã làm ảnh hưởng không chỉ đến thanh danh của bản thân mà còn làm mất đi tương lai của những bạn trẻ. Và đây là một câu chuyện đau lòng, đáng trách cho cả hai phía".
Ảnh minh họa
TS Việt Anh cho rằng, yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý của các nạn nhân chắc chắn là rất lớn bởi vì họ đã bị xúc phạm về mặt nhân phẩm, đồng thời mất đi quyền riêng tư và tự do của mình. Nên đây là những đối tượng cần được bảo vệ ngay lúc này.
"Ở đây mỗi người chúng ta cần ứng xử một cách khéo léo, tế nhị, luôn luôn hỗ trợ, giúp đỡ những nạn nhân. Tránh những câu chuyện gièm pha xung quanh, hay chia sẻ vấn đề này rộng rãi mà cần phải đứng ra bảo vệ để họ có thể trở về với cuộc sống bình thường nhất.
Hơn ai hết lúc này vai trò của Hội sinh viên, đoàn Thanh niên và phỏng quản lý học sinh - sinh viên cần được phát huy mạnh mẽ, phải chung tay đứng ra hỗ trợ cũng như làm công tác tư tưởng để các nạn nhân có thể đi học trở lại, hòa nhập với cộng đồng mà không phải lăn tăn hay suy nghĩ gì cả.
Cha mẹ phụ huynh hãy luôn mở rộng vòng tay đón nhận, bao bọc che chở cho con, đặc biệt là phải lên tiếng, đây là điều mà đặc biệt nhấn mạnh, vì không những bảo vệ quyền lợi cho người thân yêu của mình mà còn bảo vệ cho những bạn trẻ khác không bị rơi vào thảm cảnh vào những câu chuyện đau lòng như thế này nữa.
Gia đình, nhà trường cần kết hợp với các đoàn thể, phải có tiếng nói và sẵn sàng, mạnh mẽ đứng lên để tố cáo những hành vi không đúng với chuẩn mực của xã hội như vậy.
Những cảnh báo xâm hại và nguyên tắc 3 từ cần nhớ
TS Việt Anh cho biết, việc trang bị cho các bạn trẻ những kỹ năng, kiến thức về phòng chống xâm hại rất quan trọng. Ở đây có những yếu tố mà trước khi xâm hại về tình dục xảy ra thì người ta có một số cảnh báo ví dụ như:
- Cảnh báo đầu tiên về nói, những người hay nói những câu chuyện về tình dục, tế nhị với mình thì đó là một trong những dấu hiệu mà họ muốn xâm phạm đến mình.
- Dấu hiệu thứ hai là xâm hại bằng nhìn, tức là họ có thể nhìn chằm chằm vào những bộ phận hay vùng kín của mình, hoặc bắt chúng ta nhìn vào những bộ phận vùng kín của họ hoặc của người khác bằng cách gửi những ảnh khỏa thân hay ảnh nhạy cảm
- Tiếp đến là xâm hại bằng đụng chạm, đặc biệt là vào những vùng nhạy cảm, vùng kín. Đó là những dấu hiệu trước khi xâm hại tình dục về thể xác xảy ra.
Về nguyên tắc, theo TS Vũ Việt Anh luôn có 3 từ mà các bạn trẻ cần ghi nhớ: "Tôi luôn dặn dò với các bạn trẻ rằng hãy luôn ghi nhớ 3 từ đơn giản này “No - go - tell”. No là hãy nói không với tất cả những cái hành động có dấu hiệu về xâm hại hay những dấu hiệu về gạ tình. Sau đó chúng ta phải “go” là rời khỏi người đó, đến một địa điểm an toàn nơi mà có người có thể bảo vệ, hỗ trợ mình. Và cuối cùng là “tell” hãy lên tiếng, hãy chia sẻ khi thấy có những dấu hiệu nguy hiểm để chúng ta có thể cảnh báo sớm với những người có trách nhiệm có thể đứng lên che chở và bảo vệ mình."
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, cần có những giải pháp liên quan bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ giáo viên."Đạo đức nghề nghiệp là điều quan trọng nhất. Chính các giáo viên của trường nếu thấy việc không hay cũng phải lên tiếng. Nếu theo dõi học sinh hằng ngày thì nếu có khác biệt sẽ biết ngay". TS Vũ Việt Anh cho hay.
Đồng thời, để khuyến khích trẻ nói ra, thì khi tiếp nhận phản ánh, nhà trường cần phải vào cuộc. Nếu có sai phạm cần xử lý nghiêm để làm bài học cho các trường hợp khác.
Sự quan tâm phòng chống xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà thuộc về mọi gia đình, nhà trường và toàn xã hội nói chung trong đó có vai trò của nhân viên tư vấn tâm lý, nhân viên công tác xã hội làm việc trong các phòng tham vấn học đường. Các hoạt động tham vấn tâm lý góp phần đáng kể trong việc bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ bị xâm hại, tạo ra môi trường học tập, vui chơi lành mạnh tốt nhất cho sự phát triển toàn diện nhân cách ở trẻ.
Các tham vấn tâm lý học đường cần đa dạng từ hoạt động đào tạo đến nghiên cứu, ứng dụng và xâu chuỗi lại thành một hoạt động chung nhất về mục tiêu, chương trình. Các nhà quản lý cần làm tốt công tác tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh và những người làm công tác giáo dục nhận thức được tính cấp thiết công tác hỗ trợ tâm lý học đường, mà công tác tham vấn học đường là hoạt động cần thiết trong bất cứ một nhà trường phổ thông nào tạo nên chất lượng cuộc sống học sinh và đảm bảo giáo dục toàn diện cho học sinh.
https://kenh14.vn/chuyen-gia-tam-ly-noi-ve-viec-xam-hai-tinh-duc-o-hoc-duong-duy-nhat-3-tu-bat-buoc-phai-nho-202204012259221.chn