Hình ảnh người cha đưa con tới trường dự thi tốt nghiệp THPT 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).
Vợ chồng anh Hoàng Nam và chị Mai Anh (quận Hà Đông, Hà Nội) có mặt tại điểm thi trường THCS Nam Trung Yên (Cầu Giấy) từ 6 rưỡi sáng để đưa con gái đi thi. Do nhà cách điểm thi 10km, kết thúc môn thi buổi sáng, anh chị quyết định ngồi tạm ở góc vỉa hè, chờ tới chiều khi con thi xong môn cuối là Ngoại ngữ mới ra về.
Anh Nam chia sẻ, Ngọc Linh - con gái anh định hướng đặt Nguyện vọng 1 vào trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc Gia Hà Nội. Theo đề án tuyển sinh năm nay của trường, xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ chiếm 50% chỉ tiêu mỗi ngành, còn lại là xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQGHN tổ chức, xét tuyển chứng chỉ IELTS,…
"Con gái tôi đã có 2 lần tham gia thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc Gia Hà Nội, nhưng 150 câu hỏi thì chỉ làm được 70-80 câu, kết quả không ổn lắm. Cháu lại không có chứng chỉ IELTS, nên hiện chỉ trông cậy vào kết quả thi tốt nghiệp THPT để có thể đỗ được trường đại học mong muốn", anh Nam nói.
Phụ huynh chờ đợi con tại điểm thi THCS Nam Trung Yên, Cầu Giấy, HN - (Ảnh: N.Liên)
Được biết, kết quả học bạ của Ngọc Linh đạt điểm trung bình rất cao: 9,8 điểm cho năm học lớp 12, lần thi thử tốt nghiệp THPT gần nhất cũng đạt 28 điểm cho 3 môn Toán, Lý, Hóa. Tuy nhiên, cô bé vẫn rất lo lắng, căng thẳng khi bước vào kỳ thi chính thức, vì số thí sinh lấy từ kỳ thi này chỉ chiếm 50% chỉ tiêu, sự cạnh tranh sẽ cao hơn.
Giai đoạn nước rút, Linh "ăn kém, ngủ kém". Mỗi ngày, em chỉ ngủ vài tiếng, có hôm 2h sáng mới đi ngủ nhưng 4-5h sáng đã thức dậy để tiếp tục ôn bài. Xót con, vợ chồng anh Nam nhắc nhở con không cần học quá nhiều, nhưng Minh vẫn kiên định vì mong ước vào được ngôi trường em yêu thích.
"Thực tế, con đã được nhận vào 2 trường đại học khác nhờ xét tuyển học bạ. Tuy nhiên, mục tiêu của bạn ấy là trường Đại học Y Dược. Chúng tôi cũng động viên con, nếu đạt được mơ ước là cái tốt, không đạt được có thể chuyển sang mục tiêu khác, chứ không cần áp lực chuyện nhất định phải đạt được điều ấy. Lo nhất sức khỏe của con", chị Mai Anh chia sẻ.
Giống với vợ chồng anh Nam, chị Minh Hà (quận Hà Đông) cũng có con trai thi tại điểm trường THCS Nam Trung Yên.
Chị Hà cho biết, con trai có mục tiêu theo học tại trường Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc ngành Tài chính ngân hàng của các trường Học viện Ngân hàng và Học viện Tài chính. Cậu bé đã đặt cả chứng chỉ IELTS và học bạ tới một số trường, tuy nhiên khoảng ngày 20/7 mới có kết quả xét tuyển. Bởi vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng rất quan trọng để có thêm phương án song song nếu xét tuyển chứng chỉ IELTS, học bạ không thành công.
"Xét tuyển IELTS, học bạ cũng chưa chắc chắn đỗ, vì nhiều bạn học giỏi lắm, có những bạn học bạ điểm rất cao. Bởi vậy, con vẫn phải cố gắng hết sức cho kỳ thi này", chị Hà chia sẻ.
Chị tâm sự, con trai chưa từng than vãn mệt mỏi hay áp lực, mỗi lần mẹ hỏi đều nói "Con cũng không lo lắng đâu, mẹ đừng áp lực quá". Tuy nhiên, chị cảm nhận được con cũng sốt ruột, lo lắng. Cháu thường xuyên thức muộn, dậy sớm để ôn bài. Ngoài lo cho sức khỏe của con, người mẹ cũng lo nếu điểm thi tốt nghiệp THPT của cháu quá thấp sẽ vừa mất đi một phương án xét tuyển, vừa có thể không được xét tuyển IELTS và bỏ lỡ những ngôi trường mong ước.
"Ngày đi thi bố mẹ nào cũng lo lắng. Đúng thôi vì 12 năm ăn học, bây giờ chỉ có trông vào ngày này", chị nói.
Được biết, hơn 1 tuần nay, chị Hà đã dừng mọi công việc để tập trung chăm sóc, lo liệu cho con. Trước ngày con làm thủ tục dự thi, chị tự di chuyển đến điểm thi để nhớ đường, tính toán sẵn đường đi nào thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, trước mỗi buổi thi, chị đều dặn dò con chuẩn bị kỹ dụng cụ cho từng môn, theo các hướng dẫn cô giáo đã nhắc nhở".
"Sáng nay thi thì từ tối hôm qua tôi đã phải xem lại ngày thi con cần chuẩn bị những gì để nhắc nhở con, tới trước lúc đi thi sẽ tự kiểm tra thêm lần nữa rồi hai mẹ con mới rời khỏi nhà. Không thể để con tự lo được vì tụi nhỏ nhiều khi không cẩn thận, trong khi đó kỳ thi này rất quan trọng, nhỡ gặp điều trục trặc không thể tự ứng biến tốt", chị Hà chia sẻ.