Các "quái xế" liên quan vụ tai nạn bị tạm giữ - Ảnh: HỒNG QUANG
Nhưphản ánh: Sau vụ tai nạn liên quan nhóm "quái xế" trẻ ở Hà Nội tông chết cô gái, nhiều phụ huynh có cảm giác giật mình, lo sợ, bất an.
Lời khai của 2 'quái xế' tông tử vong cô gái chờ đèn đỏ ở Hà Nội
Cùng là một phụ huynh, đồng thời là thầy giáo, thời gian qua chứng kiến nhiều vụ tai nạn ở tuổi học trò, bạn đọc Lê Tấn Thời (An Giang) kết luận: giao xe cho con tưởng thuận lợi, nào ngờ lợi bất cập hại.
Sau đây là chia sẻ của bạn đọc này gửi đến Tuổi Trẻ Online.
Con người ta có thì con mình cũng có!
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đồng loạt ra quân xử phạt những học sinh đi xe máy không đúng luật. Rất nhiều trường hợp học sinh vi phạm bị lập biên bản, sau đó gửi về trường.
Không chỉ ở những thành phố lớn mà ngay cả ở vùng nông thôn, không ít phụ huynh cũng giao xe máy cho con tự đi học dù biết rằng điều này vi phạm pháp luật.
Có muôn vàn lý do đưa ra: Không có thời gian đưa rước, sợ con ảnh hưởng sức khỏe vì phải đi học nhiều, hay là con nhà người ta có thì con mình cũng có!
Có quá lời không khi nói rằng sự nuông chiều của cha mẹ là một trong những nguyên nhân làm đau đầu các lực lượng thực thi pháp luật và ảnh hưởng đến việc đi lại của người khác.
Nhà một anh đồng nghiệp ở đường tỉnh lộ nên không ít lần anh chứng kiến cảnh những thanh thiếu niên gào thét, nằm ép mình trên những chiếc xe gắn máy phân khối lớn, nẹt pô và sau đó hòa mình vào những cuộc đua xe trái phép do sự thách đố của bạn bè.
Có một lần anh và những người hàng xóm phải đưa hai thanh thiếu niên vào bệnh viện cấp cứu do không làm chủ được tay lái và đâm sầm vào cổng rào nhà người dân.
Không hiếm những cuộc truy đuổi trên đường phố để chặn bắt những "quái xế" ở độ tuổi thanh thiếu niên vi phạm nồng độ cồn, vượt quá tốc độ hay gây tai nạn cho người khác rồi bỏ chạy, không những thế còn che kín, làm mờ biển số nhằm mục đích qua mặt cơ quan chức năng.
Bản thân tôi, nhiều lần trên đường về buộc phải nhường đường cho những chiếc xe gắn máy đi hàng ba, hàng tư mà người cầm lái là những em trong đồng phục học sinh với ba lô và cặp sách bên cạnh.
"Chết con tôi rồi thầy ơi"
"Chết con tôi rồi thầy ơi!'' - một phụ huynh hốt hoảng như thế khi nhận được tin con mình bị tai nạn giao thông.
Vị phụ huynh này một lần giao xe cho con mình và em này do không chú ý biển báo nguy hiểm gần một hẻm nhỏ, đã va chạm với một xe máy khác từ trong hẻm đi ra. Hậu quả là tay và chân bị trầy xước khá nặng.
May mắn là không ảnh hưởng nhiều đến xương tay, chân cũng như đầu và cổ.
Điểm lại những vụ tai nạn giao thông liên quan tuổi học trò, có thể thấy phổ biến nhất là do học sinh chưa có kỹ năng lái xe như đi sai phần đường, chuyển hướng hay qua đường không đúng quy định, không đội nón bảo hiểm...
Tuy nhiên, phóng nhanh, vượt ẩu là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn khi học sinh lái xe gắn máy. Cá biệt, có những em còn sử dụng chất kích thích hay rượu bia để rồi có những vụ đáng tiếc xảy ra, gây hiệu quả nghiêm trọng.
Để học sinh chưa đủ tuổi lái xe máy, lỗi một phần ở cha mẹ các em, nhưng những nơi giữ xe máy cũng không thể vô can.
Tôi từng chứng kiến một người giữ xe gần trường lớn tiếng đe dọa một giáo viên rằng: "Thầy phá việc làm ăn của tôi thì thầy coi chừng đấy!" khi người thầy này nhắc học sinh mình: Nếu đi xe máy mà gửi ở những điểm ngoài nhà trường, khi bị phát hiện thì vẫn bị xử lý và cha mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới.
Mong rằng những ông bố, bà mẹ trước khi giao xe cho con phải hết sức cân nhắc.
Học sinh vi phạm không chỉ bị hình thức kỷ luật của hội đồng kỷ luật trường, rồi phải đóng tiền nộp phạt, mà trên hết đó là sự an toàn, là tính mạng của con em mình.
Nghị định 100/2019, được sửa đổi bổ sung bởi nghị định 123/2021 quy định: Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên. Đối với trường hợp phụ huynh có hành vi giao xe cho con em độ tuổi học sinh điều khiển sẽ bị xử phạt từ 800.000 - 2 triệu đồng.