Chuyên mục  


thi-tran-bi-dan-vet-khong-lo-xam-luoc-1728788061.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ILQfflm20whaDiVLAnNckA
Thị trấn bị đàn vẹt khổng lồ xâm lược

Người dân Hilario Ascasubi than phiền về đàn vẹt hàng chục nghìn con bủa vây khắp thị trấn. Video: YouTube

Nhiều năm nay, người dân Hilario Ascasubi luôn bị "bao vây" bởi một đàn vẹt khổng lồ. Tuy nhiên, sự việc ngày càng trở nên trầm trọng hơn qua mỗi năm. Với số lượng vẹt tăng lên, mức độ thiệt hại về tài sản mà chúng gây ra cũng lớn dần. Những con vẹt sặc sỡ thích cắn dây điện và internet, khiến các nhà cung cấp "mệt bở hơi tai" để duy trì lưới điện và đường dây mạng hoạt động ổn định.

Phân chim rơi khắp vỉa hè, đường phố cũng là một vấn đề nghiêm trọng, cùng tiếng ồn liên tục mà chúng tạo ra ngày đêm. Phần lớn trong số 5.000 cư dân của Hilario Ascasubi đang bị tra tấn đến mức không thể chịu nổi. Họ tuyên bố không thể sống chung cùng vẹt thêm nữa, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa thể cải thiện tình hình.

Giới chức địa phương từng dùng bom tiếng ồn, đèn laser để xua đuổi đàn vẹt. Tuy nhiên, sau một thời gian, chúng làm quen với những thiết bị này và không còn bị ảnh hưởng. Do vẹt là một loài được bảo vệ ở Argentina, các biện pháp cứng rắn hơn để đối phó với chúng đều bị nghiêm cấm. Bởi vậy, người dân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chịu đựng.

Những con vẹt bám đầy trên đường dây điện ở thị trấn Hilario Ascasubi. Ảnh: FB

Theo báo cáo từ Đại học Nacional del Sur (UNS), có ít nhất 70.000 con vẹt ở Hilario Ascasubi. Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, chúng lại tụ tập trên cành cây, đường dây điện, làm cho khung cảnh tối sầm nhanh chóng.

Vào mùa hè, những con vẹt di cư về phía nam, đến các vách đá của Patagonia để sinh sản. Nhưng sau đó, chúng trở lại với số lượng thậm chí đông đúc hơn, tiếp tục cuộc xâm chiếm. Vì chúng không thể bị tiêu diệt, một số người đã kêu gọi di tản đàn vẹt khổng lồ, nhưng không ai biết cách đuổi chúng cũng như tìm được địa điểm khác cho chúng sống.

Trong khi người dân Hilario Ascasubi nghĩ vẹt là những kẻ xâm lược, các chuyên gia cho rằng loài vật này thực sự là những con vật tị nạn, bị đuổi ra khỏi môi trường sống tự nhiên chính bởi lòng tham của con người.

Tùng Anh (Theo ODD)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020