Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT&DL vừa ra thông báo về việc bộ phim "Ròm" của đạo diễn Trần Thanh Huy vi phạm Luật Điện ảnh. Cụ thể, đơn vị sản xuất này đã đi ngược quy trình xét duyệt phim dự thi. Công ty cổ phần sản xuất phim Hoan Khuê (HKFilm) đã tự ý gửi tác phẩm này tới LHP Quốc tế Busan lần 24 (diễn ra từ 3-12/10/2019) trước khi gửi văn bản đề nghị cấp Giấy phép phổ biến đến Cục Điện ảnh.
Một tuần sau khi phim đến LHP, đơn vị sản xuất mới đưa "Ròm" trình duyệt với Cục Điện ảnh và có buổi chiếu thẩm định. Được biết, một trong những nguyên nhân khiến phim "Ròm" không được cấp phép là do nội dung phản cảm, thể hiện cách nhìn tiêu cực về văn hoá, con người Việt Nam. Và khi không được cấp phép thì HKFilm mới gửi "thư" xin rút phim dự thi.
Theo thông tin báo chí, đại diện Ban tổ chức LHP Busan – ông Park Sungho cho biết đã nhận đơn xin rút phim của nhà sản xuất, nhưng BTC vẫn giữ lại bộ phim vì "Chúng tôi không muốn hủy buổi chiếu do nhiều khán giả quan tâm đến tác phẩm, đặt vé từ trước. Liên hoan phim phải duy trì sự kết nối và giao ước với khán giả".
Một cảnh trong bộ phim “Ròm”. Ảnh: TL
Để xảy ra sự cố trên, nhiều người cho rằng trách nhiệm trước tiên thuộc về HKFilm vì đã làm trái quy định pháp luật liên quan. Nhưng, Cục Điện ảnh cũng có một phần trách nhiệm khi không thực hiện đầy đủ, kịp thời chức năng quản lý nhà nước của mình.
Sau sự việc, liên hệ với bà Nguyễn Thị Thu Hà - Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, quy định của LHP Quốc tế Busan hay nhiều LHP quốc tế khác là sẽ tuyển phim trực tiếp với các cá nhân, đơn vị mà không thông qua Cục Điện ảnh. Do vậy, việc các nhà sản xuất cần chủ động liên hệ với Cục để được hướng dẫn và tiến hành mọi thủ tục cần thiết để đảm bảo đúng luật.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà cũng nhấn mạnh, nếu so sánh về mức độ vi phạm mà các nhà làm phim hiện nay đang vi phạm thì trường hợp phim "Ròm" vẫn là còn nhẹ.
"Có một loại vi phạm nghiêm trọng và phổ biến, đó là khi thẩm định kịch bản, nhà sản xuất phim luôn cam kết nói không với ngôn ngữ, hình ảnh nhạy cảm, phản cảm; khi trình duyệt xin cấp phép họ cũng giao nộp bản phim đúng cam kết, thậm chí chấp nhận cắt, bỏ theo yêu cầu của hội đồng thẩm định. Nhưng khi đưa phim dự thi, công chiếu ở nước ngoài hay khai thác qua những hình thức khác họ lại sử dụng bản chưa qua kiểm duyệt. Đơn vị quản lý như Cục Điện ảnh phát hiện ra thì "sự đã rồi". Đây chính là một trong những điểm bất cập của khâu hậu kiểm lỏng lẻo mà các đơn vị quản lý chưa có cơ chế, cách thức kiểm soát chặt chẽ" - Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ.
Một cảnh trong phim "Ròm". Ảnh: TL
Trước đó, trong buổi Họp báo thường kỳ quý III-2019, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL cho biết nhà sản xuất phim đã cố tình vi phạm pháp luật nên Bộ sẽ xử lý nghiêm trường hợp của "Ròm" theo Nghị định 158 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và quảng cáo.
Theo đó sẽ xử lý bằng hình thức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phát hành phim nhựa, băng, đĩa phim khi chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình. Ngoài ra sẽ phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi này.
Đặt trường hợp "Ròm" đạt giải tại LHP Busan thì sẽ thế nào? Người phát ngôn của Bộ cũng cho biết dù kết quả thế nào thì "Ròm" vẫn bị xử phạt theo đúng luật pháp: "Vi phạm pháp luật thì phải xử phạt chứ không thể nào khác".
An Khánh