Đầu tháng 12, nghệ sĩ kỳ cựu trở lại điện ảnh với vai ông Hội đồng Lịnh trong tác phẩm Công tử Bạc Liêu. Dịp này, "phù thủy sân khấu" nói về áp lực làm trụ cột của Thiên Đăng - đơn vị anh đồng thành lập và quan điểm sống ở tuổi 63.
- Là một trong những tên tuổi bán vé chính của sân khấu, anh cân đối lịch đóng phim và kịch bằng cách nào?
- Công tử Bạc Liêu là một trong những phim hiếm hoi tôi nhận lời, vì thích kịch bản và sắp xếp được thời gian. Phải ưu tiên cho kịch, tôi từ chối nhiều lời mời điện ảnh khi đụng lịch diễn, trong đó có những vai tôi rất thích. Thậm chí, trong quá trình tìm hiểu, nếu biết dự án phim đó có diễn viên bên sân khấu tôi tham gia, tôi cũng sẽ ngấm ngầm từ chối, vì phải ở lại để giữ sàn diễn. Dù tiếc lắm, tôi đành chấp nhận, không thể chọn cả hai.
Một số khán giả nói "không có Thành Lộc diễn sẽ không mua vé". Tôi biết ơn song cũng chịu sức ép vì câu đó. Nhiều diễn viên đến một giai đoạn sẽ đi chậm lại vì thấy những gì đạt được đã đủ. Nhưng với tôi, áp lực từ tình cảm công chúng khiến tôi luôn phải cố gắng đi với tốc độ, năng lượng như trước. Điều đó làm tôi thấy sợ.
Thành Lộc chọc cười khán giả liên tục khi diễn "12 bà mụ" năm 2022. Video: Mai Nhật
- Thu nhập chủ yếu từ kịch, anh trang trải cuộc sống ra sao?
-Tôi có một câu chuyện vui thế này. Phòng ngủ của tôi có một máy lạnh, một ngày đẹp trời, máy bị hư. Đến nay, hơn 10 năm, tôi không sử dụng điều hòa nữa, chỉ có một chiếc quạt nhỏ. Tôi luôn nghĩ đến xuất phát điểm của bản thân, khi còn là một diễn viên trẻ, phải sống trong một "chuồng cu" chật chội, nóng nực. Tôi tự hỏi: "Ngày xưa khi nghèo, mình vẫn sống được như thế, bây giờ tại sao lại không?". Sau cùng, tôi tự nhủ không nên lệ thuộc vào bất kỳ thói quen nào.
Tôi từng sống phung phí vì rất mê thời trang, mua sắm quần áo nhiều. Một ngày, tôi giật mình tỉnh ngộ vì ăn xài, chi tiêu quá mức, rồi hoang mang bản thân liệu có chịu đựng được không nếu lỡ thu nhập thấp đi. Sau đó, tôi áp dụng lối sống đơn giản và nhận ra không thay đổi gì mấy. Tôi cân bằng được cuộc sống vì hiện tại không có nhu cầu tiêu dùng nhiều, có thì tốt, không cũng chẳng sao.
Nghệ sĩ Thành Lộc. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Anh cảm nhận tuổi tác ảnh hưởng gì đến phong độ diễn xuất?
- Có một vở tôi rất muốn diễn lại, nhưng sức khỏe không cho phép, là Hợp đồng mãnh thú của tác giả Lê Hoàng. Tôi thích tác phẩm đó vì câu chuyện chưa bao giờ lạc hậu với thời cuộc, nhưng không thể vận động, nhảy nhót như xưa.
Tôi may mắn không bị bệnh nền, song sự dẻo dai ít nhiều đã giảm sút. Hai năm trước, trong một suất diễn Ngày xửa ngày xưa, tôi gặp tai nạn trên sân khấu, giãn dây chằng khớp gối trái. Đến giờ, đầu gối trái của tôi vẫn đau âm ỉ. Nếu muốn diễn các vở dài hơi, tôi phải có chế độ nghỉ ngơi thích hợp.
Do đó, tôi đang dần nhường lại các vở cho các diễn viên trẻ, bởi họ mới là những người sau này thay chúng tôi cầm trịch sân khấu. Vả lại, nếu vở nào tôi cũng đóng chính, khi nào mới có người kế thừa?
Hậu trường Thành Lộc đóng ông Hội đồng Lịnh - đại gia miền Nam xưa trong "Công tử Bạc Liêu". Video: Đoàn phim cung cấp
- Cơ duyên anh đến với vai ông Hội đồng Lịnh ra sao?
- Tôi nhận được cuộc gọi của đạo diễn Lý Minh Thắng, xin gặp bàn kịch bản. Thú thực, lúc đó tôi chưa nhớ ra anh ấy là ai, tên phim mới là điều khiến tôi thấy bị thu hút. Tôi cảm nhận được tâm huyết của nhà sản xuất khi khai thác đề tài văn hóa Nam bộ đầu thế kỷ 20, cùng các giai thoại liên quan đến công tử Bạc Liêu, "má Bảy" Phùng Há.
Tôi cũng thích cách biên kịch hướng bộ phim theo thông điệp giáo dục, tình phụ tử, qua câu chuyện giữa ông Hội đồng Lịnh và con trai Ba Hơn (Song Luân). Hội đồng Lịnh, một mặt theo nề nếp cũ, bảo vệ truyền thống của gia đình, mặt khác vẫn khuyến khích con tiếp cận cái mới, cho Ba Hơn đi du học ở Pháp. Nhân vật có những câu thoại tôi tâm đắc, như "Thà cha đánh roi vào mông con còn hơn con bị đời đánh vào mặt", "Thất bại không có nghĩa là con bất tài".
- Một số nghệ sĩ kịch khi đóng điện ảnh thường mắc lỗi cường điệu. Anh khắc phục điều này như thế nào?
- Tôi luôn ý thức là diễn viên sân khấu đi đóng phim, do đó thường nhờ các đạo diễn điện ảnh tiết chế, "kiềm" bớt chính mình lại trên phim trường. Chẳng hạn, Lý Minh Thắng là người rất ngại góp ý, đặc biệt với các đàn anh, đàn chị như tôi, Hữu Châu, Thanh Thủy. Tôi nói với Thắng: "Chỉ có em mới nhìn được màn hình, nên khi nào thấy anh bắt đầu 'lai' qua sân khấu, em phải nhắc anh liền".
Tôi sẵn sàng quay đi quay lại cả chục lần theo ý đạo diễn, vì có những lúc cảm xúc lên cao trào, khó kiểm soát. Tôi nghĩ đó nên là tác phong của diễn viên chuyên nghiệp, gạo cội. Phải mở lòng hơn, biết nhược điểm bản thân ở đâu, người ta mới thoải mái khi làm việc với mình. Tôi vẫn thường nhắc các diễn viên trẻ: Người có kinh nghiệm sẽ biết cách gia giảm nét diễn, xóa đi sự nhập nhằng giữa kịch và phim.
Thành Lộc trong trích đoạn kịch "Alo, lộ hàng" - một trong những vở ăn khách anh đóng vai phụ. Video: Mai Nhật
- Gần 10 năm sau tự truyện "Tâm Thành và Lộc Đời", anh còn ấp ủ tác phẩm nào?
- Tôi định viết một cuốn sách nhưng không nói về bản thân nữa, mà là về những đồng nghiệp tôi yêu mến, những người tôi được đóng chung, được học hỏi. Với nghề diễn, tôi có nhiều thầy lắm, không chỉ là những tên tuổi lớn hơn. Thậm chí, nhiều đàn em, như Song Luân trong phim mới đây, tôi vẫn học được từ những phút tỏa sáng của họ. Nhờ họ, tôi yêu hơn cái nghề này. Chỉ có điều tôi rất lười viết, nên dự định ấy không biết bao giờ mới hoàn thành (cười).
Thành Lộc, 63 tuổi, sinh trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha là Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn, mẹ là nghệ sĩ hát bội Huỳnh Mai, anh trai Bạch Long, chị gái Bạch Lê đều là những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Anh được biết đến qua loạt vở kịch Dạ cổ hoài lang, Cậu đồng, Ngôi nhà không có đàn ông, Hợp đồng mãnh thú, Tấm Cám, series kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa. Nghệ sĩ còn góp mặt trong các phim truyền hình, điện ảnh, như Mùi ngò gai, Chàng trai năm ấy, Tấm Cám chuyện chưa kể, Ngôi nhà bươm bướm, làm giám khảo Vietnam Got's Talent 2012.
Tháng 5/2023, sau 26 năm hợp tác, Thành Lộc rời Idecaf vì "không còn chung quan điểm". Sau đó, anh đồng thành lập sân khấu Thiên Đăng, thu hút nhiều nghệ sĩ hợp tác.Mai Nhật