Shark Tank Việt Nam mùa 6 tập 1 chào đón 3 startup thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, công nghệ và công nghệ bất động sản đến gọi vốn từ các Shark. Startup nào sẽ nhận được cái bắt tay với Shark và startup nào chưa thuyết phục được "Cá Mập" đầu tư vào mô hình kinh doanh của mình?
Thu lời 18 tỷ/năm từ các sản phẩm về con ong, startup Tracybee khiến 3/5 Shark ra deal
Startup đầu tiên đến Shark Tank Việt Nam mùa 6 tập 1 gọi vốn là Lê Ngọc Thu Trang – Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành công ty Ong Mật Tracybee chuyên các dòng sản phẩm về con ong.
Lê Ngọc Thu Trang – Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành công ty Ong Mật Tracybee chuyên các dòng sản phẩm về con ong (bên phải)
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống nuôi ong từ năm 1975, Thu Trang và ông xã đã từ bỏ cơ hội định cư tại Úc và trở về Việt Nam vào năm 2010. Đến năm 2012, chị quyết định không dừng lại ở việc nuôi ong, thu hoạch mật ong và xuất khẩu mật thô sang các nước phát triển mà muốn đưa đến người dân Việt Nam một thương hiệu mật ong chất lượng.
Mật ong của Tracybee đã đạt giải thưởng Platinum tại kỳ thi London International Honey Awards vào năm 2021. Đến năm 2022, Tracybee đưa dòng mật ong hoa lệ chi tham gia kỳ thi The Superior Taste diễn ra tại Brussels và đã đạt giải thưởng 2 trên 3 sao, chỉ xếp sau một thương hiệu mật ong tại Mỹ.
Không dừng lại ở đó, Tracybee quyết định tập trung đầu tư nghiên cứu sản phẩm keo ong xanh Brazil để đưa về Việt Nam nhằm mang đến một giải pháp giúp cho người dân vượt qua những bệnh thông thường như ho, cảm sốt, viêm nhiễm. Đó là lý do Thu Trang đến với Shark Tank Việt Nam mùa 6 kêu gọi các Shark đầu tư 500 ngàn USD cho 4% cổ phần của công ty.
Chia sẻ về bức tranh tài chính, Thu Trang cho biết keo ong mang lại 80% doanh thu cho Tracybee với con số thu về năm 2022 là gần 69 tỷ, lợi nhuận sau thuế là 18 tỷ đồng. Thông tin này khiến Shark Hùng Anh không khỏi thắc mắc: "Một năm đã là 18 tỷ mà chị đi gọi 500 ngàn USD đâu giải quyết vấn đề gì đâu".
Thu Trang bày tỏ, chị muốn các Shark đi cùng Tracybee một chặng đường mới để đầu tư nhà máy sản xuất keo ong xanh tại Việt Nam. Chị lý giải rằng Việt Nam đã sản xuất được sữa ong chúa, mật ong, phấn hoa, nhưng keo ong chưa sản xuất được bởi vì chưa có điều kiện để làm.
"Thật sự ra đến đây em định kêu gọi 1 triệu USD cho 8% nhưng mà em break down (chia) nó ra để các Shark dễ quyết định hơn", Thu Trang nói.
Tracybee hiện hợp tác với Apis Flora – công ty lớn nhất thế giới, đang nắm giữ trong tay công nghệ EPP-AF do họ sáng chế ra. Công nghệ độc quyền này giúp họ chiết xuất được hàm lượng Flavonoid và Artepillin C cao gấp 3 lần so với những công nghệ thông thường. Thu Trang khẳng định ở Việt Nam chỉ có Tracybee mới được thừa hưởng công nghệ đó của Apis Flora.
"Công nghệ độc quyền của người ta, bây giờ chị sản xuất tại Việt Nam làm sao chị sản xuất được", Shark Hùng Anh thắc mắc.
Thu Trang phân tích Tracybee có hai hướng đi. Thứ nhất vẫn tiếp tục nhập nguyên liệu đã được chiết xuất bằng công nghệ đó bởi Tracybee đã ký hợp đồng phân phối độc quyền các sản phẩm của Apis Flora tại thị trường Việt Nam. Hướng đi khác là sản xuất keo ong Việt Nam bằng cách mua lại công nghệ đó.
Trước quan ngại của Shark Hùng Anh về việc đối tác kiếm một công ty ủy quyền khác để cạnh tranh với Tracybee, Thu Trang thẳng thắn chia sẻ keo ong là ngách của ngành hàng thuốc nhưng mà là thực phẩm chức năng, thuốc tự nhiên. Nó sẽ là một phần thay thế cho thị trường thuốc sau này nên thị trường cực kỳ lớn và các tay chơi lớn sẽ bắt đầu vào. Theo dự tính của Thu Trang, doanh số Tracybee năm 2025 sẽ đạt khoảng 200 tỷ và đến năm 2030 phát triển ra doanh nghiệp 1.000 tỷ.
"Nên tại sao Trang muốn đi nhanh. Nên các Shark đầu tư thêm tiền đi ạ", nữ sáng lập của Tracybee thuyết phục các Nhà đầu tư.
Thu Trang cũng nói lên mong muốn các Shark không chỉ dừng lại đầu tư ở 500 ngàn USD. Ngoài ra chị còn muốn sử dụng nguồn lực các Shark đang có để có sự hậu thuẫn phát triển nhanh và có một mentor (cố vấn) để đưa Tracybee thành công ty vài ngàn tỷ.
Shark Hưng là người đầu tiên ra quyết định đầu tư
Dựa trên những chia sẻ của Thu Trang, Shark Hưng là người đầu tiên ra quyết định đầu tư. Ông đề nghị đầu tư 500 ngàn USD đổi lấy 10% cổ phần công ty, trong đó 6,5% là tiền, 3,5% còn lại là sự đóng góp về hình ảnh cá nhân, kinh nghiệm, tên tuổi của vị "Cá Mập" kỳ cựu này.
Shark Tuệ Lâm cho biết cô thích những tác động mà sản phẩm của Tracybee tạo ra. Đối với quỹ đầu tư thì con số 4% không quá hấp dẫn nên nữ "Cá mập 9x" đề nghị đầu tư 500 ngàn USD cho 7% cổ phần.
Shark Hùng Anh đề nghị đầu tư 1 triệu USD để sở hữu 19% cổ phần. Thu Trang đề xuất rằng với 1 triệu USD thì tỷ lệ cổ phần là 12%. "Các Shark vào thời gian này rất là tốt bởi vì keo ong đã gần hoàn thành giai đoạn giới thiệu thị trường, đang ngấp nghé qua giai đoạn growth (tăng trưởng). Tracybee có nền tảng về hệ thống phân phối, có nền tảng về sản phẩm, có database (cơ sở dữ liệu) khách hàng, có rất nhiều khách hàng yêu quý", Thu Trang thuyết phục.
Shark Hùng Anh đưa ra một phương án khác là 1 triệu USD đổi lấy 18% cổ phần nhưng Thu Trang không đồng ý. Chị lý giải rằng mình không bao giờ muốn các Shark mua ở giá cao và cũng không muốn bán ở giá rẻ bởi vì không làm cho hai bên hạnh phúc đi đường dài được.
Thu Trang cũng đưa ra nhiều phương để thuyết phục Shark chốt deal. Chị cho biết lợi nhuận thu về sẽ giữ lại 30% để tái đầu tư, còn 70% là chia cổ tức cho các cổ đông. Trong 70% đó, Shark sẽ được chia cổ tức dựa trên tỷ lệ đã đầu tư vào doanh nghiệp. Ngoài ra, Thu Trang còn cam kết nếu không đạt 300 tỷ vào năm 2025 thì sẽ trả lại tiền cho Shark.
Shark Tuệ Lâm đánh giá 300 tỷ là một con số không phải quá viển vông nếu hướng tới thị trường Đông Nam Á. Trước sự tự tin của startup, cô cho biết sẽ đầu tư upfront (chi phí trả trước) là 500 ngàn USD cho 7% cổ phần. 500 ngàn USD tiếp theo sẽ được giải ngân nếu đến cuối năm 2024 Tracybee đạt doanh thu 170 tỷ.
Thu Trang đánh giá điều này hơi khó vì tình hình kinh tế chung. Tuy vậy, chị cũng tiết lộ trong khoảng 3 – 4 tháng tới, Tracybee sẽ ra dòng kẹo ngậm từ keo ong. Mặc dù giá trị kẹo rất rẻ nhưng lại bán ra thị trường rất lớn.
Shark Hùng Anh đã chấp nhận mức kêu gọi đầu tư của Thu Trang
Sau quá trình thương thảo, Thu Trang cho biết 1 triệu USD cho 15% cổ phần là con số tối đa của chị. Chị chia sẻ Tracybee không định vị chỉ sản xuất những dòng sản phẩm về ong mà sẽ còn mở rộng portfolio (danh mục) sản phẩm để trở thành một công ty khổng lồ về ngành thực phẩm và thực phẩm chức năng. Cuối cùng Shark Hùng Anh đã chấp nhận mức kêu gọi đầu tư này của Thu Trang, đánh dấu thương vụ triệu USD đầu tiên của một startup nữ trong lịch sử Shark Tank Việt Nam.
Còn Shark Bình vì quan ngại rủi ro từ các nhà bán lẻ tự nghiên cứu sản xuất hoặc OEM (Original Equipment Manufacturer – thuê gia công theo yêu cầu) và Shark Erik vốn là nhà đầu tư công nghệ nên đã từ chối thương vụ này.
Tiến sĩ mang gần 100 bằng sáng chế lên Shark Tank "câu Cá mập" đầu tư vào công nghệ ánh sáng số LiFi
Startup tiếp theo đến Shark Tank Việt Nam mùa 6 tập 1 gọi vốn là Tràng Nguyễn – Sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Ánh sáng số HuePress. Anh đến chương trình kêu gọi số vốn 5 tỷ đồng cho 25% cổ phần công ty, tương đương mức định giá pre-money (định giá doanh nghiệp trước khi đầu tư) là 15 tỷ đồng.
Tràng Nguyễn – Sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Ánh sáng số HuePress kêu gọi số vốn 5 tỷ đồng cho 25% cổ phần công ty
Tràng Nguyễn tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, tốt nghiệp Tiến sĩ Điện – Điện tử ở Hàn Quốc và sau đó sang Anh làm cho Viện nghiên cứu LiFi. Anh có 3 năm kinh nghiệm làm việc cho IEEE Standards Association và là thành viên biểu quyết của tổ chức đấy. Sau đó Tràng Nguyễn quay trở về Việt Nam sáng lập nên HuePress. Hiện tại HuePress đã có gần 100 sáng chế độc quyền liên quan đến công nghệ LiFi.
LiFi là công nghệ giao tiếp bằng ánh sáng quang học, biến ánh sáng thành dữ liệu. HuePress hiện triển khai các dịch vụ, giải pháp IoT (Internet of Things – internet vạn vật) cho tòa nhà, cho smarthome và hướng đến cung cấp giải pháp toàn diện cho thành phố thông minh.
Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 6, Tràng Nguyễn giới thiệu tới các Shark một số sản phẩm ứng dụng công nghệ LiFi do HuePress thiết kế dành cho nhà thông minh và tòa nhà thông minh.
Để các Shark hiểu rõ thế mạnh khác biệt của công nghệ, sản phẩm, Tràng Nguyễn lấy ví dụ về việc bị mất GPS khi vào tòa nhà, vào tầng hầm. Khi đó đèn thông minh là điểm mấu chốt để triển khai định vị chính xác trong tòa nhà với sai số 1 cm. Một ví dụ khác là ứng dụng trong khách sạn. Khi khách thuê phòng trả tiền, một mã khóa sẽ được chia sẻ qua ứng dụng để khách hàng có thể tùy ý điều khiển toàn bộ thiết bị IoT trong không gian sống.
Sau khi lắng nghe chia sẻ của nam startup, Shark Hưng tổng hợp lại: "Nói nôm na LiFi tức là bạn dùng sóng ánh sáng thay thế cho sóng vô tuyến điện của wifi. Tức là chức năng của nó thì tương tự như vậy nhưng tất nhiên nó sẽ bổ sung trong một số ứng dụng cụ thể".
Quay trở lại bức tranh tài chính, Tràng Nguyễn cho biết, tổng vốn đầu tư của HuePress là 13 tỷ 250 triệu đồng. Trong đó 11 tỷ 300 triệu là tiền huy động cổ phần của các cổ đông, còn lại gần 2 tỷ là tiền vốn vay. Doanh số bán hàng hơn một năm qua là 1 tỷ 835 triệu từ các loại đèn. Còn những phân khúc cao cấp khác đang bán với số lượng rất ít. Hiện tại HuePress chỉ bán qua kênh online (trực tuyến) với mục đích giới thiệu sản phẩm, hệ sinh thái tới người dùng.
Shark Hưng nhận định hướng nghiên cứu này mang lại những lợi ích nhất định như giảm bớt sóng vô tuyến để tốt cho trẻ em và cho trí não, khả năng truyền tải dữ liệu tốc độ cao. Tuy vậy, ông cho rằng công nghệ này còn mông lung và startup đang trông chờ vào Shark trong việc ứng dụng công nghệ và kinh doanh. Vì thế, mặc dù thích thú với công nghệ này nhưng ở góc độ nhà đầu tư thì ông từ chối thương vụ này.
Shark Hưng cũng khuyên startup nên sống bằng năng lực cốt lõi là phát minh sáng chế và biến nó thành tiền bằng cách bán sáng chế. "Bạn cứ bán cái này ra tiền thì chắc chắn là sẽ đủ nuôi những sản phẩm còn lại để thành sản phẩm cuối cùng", Chủ tịch Hội đồng đầu tư Columbus Startup Venture Capital Partners nêu quan điểm.
Shark Bình là người tiếp theo từ chối đầu tư vì chưa nhìn thấy sự khác biệt của sản phẩm. Cùng quan điểm với Shark Hưng và Shark Bình, Shark Hùng Anh cũng quyết định không đầu tư.
Shark Bình từ chối đầu tư vì chưa nhìn thấy sự khác biệt của sản phẩm.
Hai Shark còn lại đến từ quỹ đầu tư mạo hiểm lại có những góc nhìn khác. Quỹ Nextrans đã từng đầu tư một công ty tương tự ở Hàn Quốc nên Shark Tuệ Lâm không ngại những rào cản mà ba Shark đã nêu. Tuy vậy, Shark nữ duy nhất của Shark Tank Việt Nam mùa 6 cũng chỉ ra rằng tính ứng dụng của các bằng sáng chế chưa cao.
"Với kinh nghiệm đã đầu tư ở thị trường Hàn Quốc vào các startup tương tự như thế này, tôi nhận ra một điều ấy là họ gọi vốn không chỉ một lần. Họ sẽ cần gọi những lần tiếp theo và thường những lần tiếp theo vốn họ gọi rất nhiều để hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Để có thể scale (mở rộng) thị trường thì những business disruptive technology, tức là những công nghệ mới sẽ cần rất nhiều vốn", Shark Tuệ Lâm chia sẻ.
Shark Erik Jonsson bất ngờ đề nghị đầu tư 2,5 tỷ và mời Shark Tuệ Lâm cùng tham gia thương vụ này
Trong khi đó, Shark Erik Jonsson bất ngờ đề nghị đầu tư 2,5 tỷ và mời Shark Tuệ Lâm cùng tham gia thương vụ này. Nhận lời Shark Erik, Shark Tuệ Lâm cho biết cô sẽ đầu tư khi startup đạt doanh thu 200 ngàn USD. Bởi đó là con số có thể chứng minh được thị trường này ở Việt Nam.
Sau khi tham khảo ý kiến từ một nhà đầu tư trước đó, Tràng Nguyễn đã đồng ý với đề nghị đầu tư 5 tỷ đồng cho 25% cổ phần công ty từ Shark Erik và Shark Tuệ Lâm, đồng thời cam kết trong vòng một năm sẽ đạt doanh số là 200 ngàn USD.
Thương vụ khép lại và HuePress đã có sự hậu thuẫn từ hai quỹ đầu tư mạo hiểm là Antler cùng Nextrans.
Cùng trong tập đầu tiên, startup cuối cùng lên sóng là Trịnh Thành Công – Sáng lập kiêm Giám đốc BDS NET. Anh đến để gọi 5 tỷ cho 10% cổ phần với mô hình kinh doanh và sản phẩm đã hoàn thiện trên website Bds.net. Giải pháp lõi của website này là bản đồ bất động sản, có thể giải quyết bài toán cho thị trường thứ cấp, mua bán, thuê cho thuê; thị trường sơ cấp, dự án và quy hoạch; thị trường tài sản số, bản đồ bất động sản, giúp khách hàng tìm kiếm sản phẩm một cách nhanh chóng cũng như định vị được vị trí bất động sản, từ đó tăng tính trực quan cũng như khả năng so sánh, đánh giá, đưa ra quyết định nhanh chóng hơn.
Thành Công đã trải qua hành trình 5 năm "đập đi xây lại" để hoàn thiện sản phẩm và "đốt" 30 tỷ chủ yếu để tìm hiểu về sản phẩm và quy trình vận hành. Đây là số tiền đầu tư đến từ các nhà đầu tư bất động sản bên ngoài. Tuy nhiên, mô hình hoạt động của Thành Công được các Shark đánh giá khó có thể thành công nên đã từ chối đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!