Chuyên mục  


Được James Cameron ấp ủ từ đầu những năm 2000, nhưng mãi đến 2016 thì Alita: Battle Angel (Alita: Thiên Thần Chiến Binh) mới có đủ nền tảng công nghệ để đi vào giai đoạn sản xuất. Bộ phim là một bước tiến lớn của "ông hoàng bom tấn" từ Avatar (2009) khi áp dụng hàng loạt hiệu ứng hình ảnh hiện đại. Đặc biệt, nhân vật chính Alita (Rosa Salazar) với tạo hình hoàn toàn bằng kỹ xảo điện ảnh là yếu tố then chốt của tác phẩm.

Hậu trường "Alita: Battle Angel"

Ngay từ khi thực hiện Avatar, James Cameron đã biết rằng dự án Alita: Battle Angel không chỉ khả thi mà riêng nhân vật Alita còn phải thật đặc biệt. Nếu như những thứ trên hành tinh Pandora không cần quá thực tế và thiên về trí tưởng tượng nhiều hơn, thì "thiên thần chiến binh" phải chân thật hết mức có thể vì bối cảnh ở ngay Trái đất.

Công nghệ Performance Capture giúp việc tái hiện nhân vật dễ dàng hơn trước.

Cô nàng phải đứng cạnh được nhân vật Tiến sĩ Ido (Christoph Waltz) trong cùng một khung hình mà người xem không thể nhận ra sự khác biệt giữa người thật và kỹ xảo điện ảnh. Và khi ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần cho Weta Digital - hãng đứng sau hàng loạt bom tấn mãn nhãn như bộ ba The Lord of the Rings, The Hobbit, Batman v Superman: Dawn of Justice (2016), Avengers: Infinity War (2018),...

Quá trình tái hiện hành động được thực hiện một cách kì công.

Họ sử dụng kỹ thuật Nắm bắt Hành động (Performance Capture) giúp tái hiện được toàn bộ cơ thể, cân nặng và cả chuyển động của người thật. Các nhà làm phim phải lắp đặt vô số các camera tại trường quay từ mọi góc độ và ghi lại các điểm chuyển động từ nữ diễn viên. Từ đây, chúng được đưa vào môi trường 3D để tạo nên khung xương rồi mới tới hình ảnh mô phỏng thật sự.

Kết quả là hình ảnh Alita trên màn ảnh rộng thật không kém gì cô nàng Rosa Salazar đang góp mặt vậy. Nữ diễn viên trẻ tuổi buộc phải mặc một bộ trang phục đặc biệt trong suốt quá trình quay phim gồm cả nón bảo hộ, máy ghi âm, ghi hình, pin,... Nhờ đó mà Rosa có thể diễn ngay trên trường quay và tương tác với mọi diễn viên khác hay môi trường chung mà không phải ghi hình riêng như trước.

Phần hành động cũng chân thực hơn trước nhiều lần.

Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa Performance Capture và Motion Capture (Nắm bắt Chuyển động) cũ khi giúp phần diễn xuất trở nên dễ dàng và thực tế hơn trước. Đặc biệt, những cảnh hành động cũng kịch tính và đẹp mắt hơn hẳn. Bên cạnh đó, công nghệ này cũng giúp các nhà làm phim thể hiện được biểu cảm của nhân vật một cách rõ nét.

James Cameron cho rằng nếu khán giả thấy được cảm xúc của Alita thì họ sẽ tin cô nàng có thật. Mọi cử động cơ mặt của Rosa Salazar đều được ghi lại bằng hai máy quay với vô số điểm ảnh. Từ đây, chúng sẽ được tái hiện trên máy tính theo từng khung hình. Từ những cái chớp mắt nhỏ nhất cho tới nụ cười mỉm đều xuất hiện trên màn ảnh rộng.

Mọi cảm xúc nhỏ nhất của Rosa Salazar đều xuất hiện trên Alita.

Ngay cả Rosa còn phải thừa nhận rằng nhìn vào Alita không khác gì ngắm chính bản thân bởi quá đỗi chân thật. Tinh thần, sự tỏa sáng và cảm xúc của cô nàng đều được phát ra thông qua hình ảnh nữ chiến binh dũng cảm và dễ dàng khiến khán giả quên đi sự thật đây là một nhân vật bằng công nghệ vi tính. Quả thật, James Cameron và Jon Landau đã làm được việc không tưởng khi kết hợp được người thật và kỹ thuật số trong cùng một khung hình.

Alita: Battle Angel công chiếu trên toàn quốc từ ngày 14/02/2019.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020