Nam chính thế hệ 1.0: Hoàng tử quyến rũ
|
Cha Song Ju (Kwon Sang Woo đóng) trong Nấc thang lên thiên đường. |
Yoon Hyung Chul trong All About Eve (2000), Han Tae Suk trong Trái tim mùa thu (2000) hay Cha Song Ju trong Nấc thang lên thiên đường (2003) chính là những kiểu mẫu hoàng tử quyến rũ của các nam chính Hàn Quốc thế hệ đầu tiên.
Điểm chung của những anh chàng này là giàu có và đẹp trai. Ngoài ra, mẫu nam chính này đều là những chàng trai tốt bụng, hào hiệp và rất ga lăng. Nghề nghiệp chủ yếu của các anh là giám đốc. Trong thời kỳ này, các nhân vật chính thường không có sự đa diện trong tính cách. Mẫu nam chính lý tưởng thường được xây dựng tốt hoàn toàn với các đặc điểm tính cách nhiệt tình, can đảm, thông minh, hiểu biết, chu đáo, chính trực và đáng tin cậy, nói tóm lại, đó là kiểu người đàn ông "chỉ xuất hiện trong giấc mơ".
Nhưng dần dần, những motif "đàn ông tốt" kiểu này lại khiến khán giả cảm thấy nhàm chán và không chân thực. Điều này đã dẫn đến việc các nhà làm phim tạo ra thế hệ nam chính thứ hai - mẫu "giám đốc hống hách".
Ca khúc nhạc phim Nấc thang lên thiên đường.
Nam chính thế hệ 2.0: Giám đốc hống hách
|
Lee Young Jae (Rain đóng) trong Full House. |
Các nhân vật tiêu biểu của thế hệ này có thể kể đến Lee Young Jae (Full House), Seol Gong Chan (My Girl), Thái tử Lee Shin (Hoàng cung), Hwang Tae Kyung (You're Beautiful).
Không giống như mẫu nam chính 1.0 với sự tốt bụng, dịu dàng, ấm áp, các nam thần thế hệ 2 này tuy sở hữu vẻ ngoài đẹp trai nhưng xấu tính hơn nhiều. Thay vì ga lăng với nữ chính, các anh chàng luôn lấy chuyện bắt nạt nữ chính làm thú vui, dù có cảm tình hay không. Đã vậy, họ còn luôn tỏ vẻ kiêu ngạo và lạnh lùng, khiến nữ chính thương tâm. Câu chuyện tình yêu trong phim Hàn giai đoạn này cũng chuyển từ chuyện tình Hoàng tử - Lọ Lem sang motif "yêu nhau lắm cắn nhau đau".
Tuy nhiên, đằng sau một anh nam chính "bá đạo", tự cao tự đại như vậy lại là một người đàn ông nhiều tâm sự với quá khứ từng bị tổn thương. Hóa ra, sự khắc nghiệt và lạnh lùng đó chỉ là mặt nạ mà anh chàng mang lên người. Dưới lớp mặt nạ này là sự thiếu an toàn và tự ti trong tình yêu.
Lúc đó, nữ chính lại trở thành những thiên thần tuyệt vời khi sưởi ấm trái tim cho những người đàn ông này, biến họ trở nên ấm áp và hạnh phúc.
Nam chính thế hệ 3.0: Mang năng lực siêu phàm
|
Do Min Joon (Kim Soo Hyun đóng) trong Vì sao đưa anh tới. |
Sau khi các nhà làm phim đã chán ngán những người đàn ông phàm trần, họ tạo ra thế hệ nam chính tiếp theo - những người có xuất thân vô cùng đặc biệt. Đó là Park Soo Ha (Đôi tai ngoại cảm), Do Min Joon (Vì sao đưa anh tới), Kim Shin (Goblin). Bên cạnh vẻ ngoài hoàn hảo, họ còn có những năng lực phi thường như khả năng ngoại cảm, dừng thời gian hay dịch chuyển tức thời.
Những yếu tố giả tưởng này đã giúp cho phim Hàn đỡ nhàm chán hơn hẳn. Mẫu nam chính mang siêu năng lực này còn là yếu tố tạo ra sự bất ngờ cho kịch bản, đồng thời giúp phim mang nhiều màu sắc hơn. Hầu hết motif trong dạng phim này là mối tình xuyên thời gian, trải qua bao đời kiếp vẫn vương vấn nhau.
Nam chính thế hệ 4.0: Người đàn ông bệnh tật
|
Jang Jae Yeol (Jo In Sung đóng) trong It's Okay, That's Love. |
Đối lập hẳn với nam chính 3.0 là những mẫu nam chính bất bình thường, mắc một số bệnh tâm lý. Điển hình là Jang Jae Yeol trong It's Okay, That's Love, Cha Do Hyun của Kill me Heal Me và Goo Seo Jin trong Hyde, Jekyll and Me.
Cốt truyện thường thấy trong các bộ phim này là nam chính mắc các bệnh lý về tâm thần (đa nhân cách, rối loạn ám ảnh...), nữ chính là bác sĩ tâm lý hoặc có khả năng điều trị bệnh. Tình cảm của hai người tiến triển rất chậm và phim thường mang không khí u ám, nặng nề. Đặc biệt, các chi tiết về quá khứ của nam chính càng làm cho bộ phim bi thương hơn.
Nam chính thế hệ 5.0: Người đàn ông đời thường
|
Kim Jae Hyuk (Park Hae Soo đóng) trong Prison Playbook. |
Sau khi đã chán kiểu mẫu nam chính có năng lực đặc biệt, các biên kịch Hàn Quốc đã để nhân vật của mình trở nên đời thường hơn. Đó là mẫu nam chính không khác gì những người đàn ông bình thường mà khán giả vẫn gặp trong cuộc sống. Họ là những con người rất thực, rất đời, thậm chí có phần nghèo khổ, mang nhiều thiếu sót nhưng luôn ấp ủ khát khao trong cuộc sống. Những mẫu nam chính này không có "hào quang của nhân vật chính", họ phải tự mình bươn chải, vất vả vươn lên.
Có thể kể đến các nhân vật điển hình như Kim Jae Hyuk (Prison Playbook), On Jung Seon (Temperature of love)... Họ là những người đàn ông không hoàn hảo, không giàu có hay đẹp trai, thậm chí còn vướng vào những rắc rối trong cuộc sống. Chính mẫu đàn ông "phàm trần" này lại khiến khán giả cảm thấy đồng cảm và chân thực, giúp phim nhận được nhiều sự ủng hộ hơn.
Chi Chi