Sống trong thời đại kỹ thuật số, nhiều bậc cha mẹ hiện đại giám sát con bằng thiết bị điện tử từ lúc sinh ra tới khi vào đại học. Đồng hồ thông minh, camera và các ứng dụng trên thiết bị di động cho phép cha mẹ theo dõi con cái khi chúng đang ngủ, đang học, đang chơi.
Nhưng trong nền văn hóa bị ám ảnh bởi GPS, việc nghe lén các cuộc trò chuyện hoặc quan sát trẻ chơi đùa qua camera có vẻ là điều cực đoan.
Các bác sĩ nhi khoa và nhà tâm lý học cho biết, làm như vậy có thể khiến cha mẹ lo lắng hơn. Hơn thế, nó có thể cản trở khả năng phát triển quyền tự chủ và phán đoán của trẻ.
Kathryn Smith, mẹ của ba bé gái, cặp song sinh 5 tuổi và bé 8 tuổi, có thói quen giám sát phòng ngủ và phòng chơi của các con. Người mẹ mong muốn đảm bảo cặp song sinh không bị thương khi chơi hoặc quậy phá vào giờ lẽ ra phải đi ngủ. Con gái lớn cảm thấy dễ chịu khi biết có thể gọi bố mẹ nếu gặp ác mộng.
Các thiết bị theo dõi là một cách giúp cha mẹ dễ dàng hơn trong nuôi dạy con nhỏ, song nhiều người dùng nó theo dõi ngay cả khi con đã lớn. Ảnh: WSJ
Người mẹ ở Holladay, Utah (Mỹ) đã đặt camera nhắm vào cũi và giường các con khi chúng còn nhỏ. Cô chọn các thiết bị giám sát trẻ em dạng video cũ không kết nối wifi vì lo ngại camera bị hack.
Smith có thể kiểm tra con lúc đang xem TV. Một đêm gần đây khi vợ chồng cô ở bên ngoài, con gái 8 tuổi gọi qua video mà cha mẹ không nghe thấy nên đặt câu hỏi: "Con có thể theo dõi mẹ bất cứ lúc nào con muốn chứ?". Cặp song sinh một đêm nọ đã đánh nhau dữ dội, đến khi cha mẹ chạy qua thì một bé bị cắn trên trán phải đến bệnh viện.
Pamela Lewis ở Loveland, bang Colorado đã sử dụng camera trong phòng con trai cho đến khi cậu bé 14 tuổi. Cô cho biết không thường nghe lén, song nhờ việc này đã giúp người mẹ kịp giải quyết một số tranh chấp thời thơ ấu của con với bạn bè.
"Tôi là người mẹ luôn cắt nhỏ thức ăn cho con ngay cả khi con đã rất lớn vì sợ con hóc. Tôi đã sử dụng ghế xe hơi cho đến khi con 8 tuổi. Ngay cả việc đặt thiết bị theo dõi con cũng vậy", cô nói.
Vì sự cố chấp thái quá này, cô thường bị bạn bè và cả chồng trêu chọc. Tuy nhiên, người mẹ luôn nói với con trai khi cô bật màn hình và việc này chỉ để xem liệu con có ổn không. "Tôi không bao giờ muốn con nghĩ rằng tôi đang theo dõi nó và thực tế tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy cần phải theo dõi con", người mẹ nói.
Con trai của Lewis hiện 19 tuổi cho biết việc này không làm phiền cậu. Tuy nhiên cậu vui vì nó đã biến mất khỏi phòng mình.
Smith theo dõi các con với thiết bị cầm tay, ngay cả khi ở bồn tắm ngoài trời. Ảnh: WSJ
Kiana Muhly, một chủ doanh nghiệp ở Philadelphia đặt camera trong phòng ngủ con gái 6 tuổi. Cô thường kiểm tra vào ban đêm, đặc biệt khi cô ra ngoài và con được người trông trẻ cho đi ngủ.
Gia đình gần đây đã chuyển đến một ngôi nhà mới và nảy ra tranh luận có nên đặt camera trở lại phòng của con không. Sau nhiều ngày, cô thừa nhận nó không còn cần thiết nữa. "Tôi chắc chắn nó nói lên sự lo lắng mà công nghệ tạo ra. Tôi không ngừng kiểm tra thứ gì đó vì tôi có thể chứ không phải vì tôi cần", Muhly nói.
Khi nào nên loại bỏ thiết bị theo dõi con
Một số nhà sản xuất thiết bị giám sát trẻ em đề nghị cha mẹ ngừng sử dụng thiết bị khi con tròn một tuổi hoặc ít nhất là lúc tự ngủ qua đêm. Trang web Babysense cho biết bằng chứng cho thấy việc tắt màn hình càng sớm càng tốt sẽ giúp cả cha mẹ và con cái ngủ ngon hơn. Trẻ em học được cách tự xoa dịu tốt hơn khi cha mẹ không kiểm tra chúng và cha mẹ không bị đánh thức bởi từng âm thanh nhỏ phát ra từ màn hình.
Bác sĩ nhi khoa Hina Talib, ở New York, nói rằng quyền riêng tư là một cột mốc phát triển quan trọng và trẻ em từ ba tuổi đã bày tỏ mong muốn được ở một mình trong không gian riêng tư như phòng tắm hay phòng thay đồ. "Trẻ em không nên nghĩ rằng việc có camera chĩa vào chúng trong phòng ngủ là điều bình thường", cô nói.
Tuy nhiên, tiến sĩ Talib hiểu nhu cầu được biết tình trạng con của các cha mẹ. Bản thân cô cũng sử dụng thiết bị theo dõi cho đến khi hai con được 3 và 4 tuổi. Chính chồng cô là người đã thuyết phục phải dừng lại. Khi làm vậy, cô cảm giác được giải phóng và ngủ ngon hơn.
Trong một số trường hợp trẻ lớn bị mộng du hoặc các bệnh tật khác, vẫn nên dùng thiết bị giám sát. Nhưng cha mẹ phải có một kế hoạch loại bỏ một khi mọi thứ ổn định.
Nếu những đứa trẻ lớn hơn muốn có một màn hình vì chúng sợ bóng tối và muốn gọi cho cha mẹ thì thiết bị này có thể khiến chúng lo lắng hơn. Bạn cần cho con mình cảm giác an toàn khi không có hệ thống liên lạc này. Bạn có thể nói với con rằng sắp bỏ camera, nhưng chúng luôn có thể đến với cha mẹ khi chúng cần", tiến sĩ Talib nói.
Bảo Nhiên (Theo WSJ)