Trong cuộc sống, chúng ta sẽ thường gặp phải loại người thế này: Rõ ràng biết bản thân mình sai nhưng luôn sử dụng những lời lẽ đáng thương để lấp liếm đi lỗi sai của mình và chuyển hướng vấn đề lên người khác, vừa tỏ ra bản thân có nỗi khổ tâm, có hoàn cảnh khổ sớ, vừa chỉ trích người khác không có tấm lòng vị tha.
Nhưng phía sau mỗi người đều cất giấu những bí mật không muốn cho người khác biết. Những cái khổ mà bạn phải gánh chịu không phải do người xung quanh bạn mang đến và cũng không ai có nghĩa vụ giải quyết những khó khăn đó cho bạn cả.
Những người này, họ chỉ luôn nhìn thấy những khó khăn của mình để kêu than đòi quyền lợi nhưng lại chưa từng nghĩ đến hành vi có thể mang đến cho người khác những thương tổn gì. Họ luôn miệng nói nhân nghĩa đạo đức, nhưng đến cùng cũng chỉ muốn lợi dụng tình thương và sự đồng cảm của người khác để lấy được lợi ích nhiều nhất cho bản thân mà thôi.
1. Sử dụng gánh nặng tâm lý để lấp liếm sự thật
Ở Trung Quốc, từng có một bức ảnh rất nổi tiếng trên mạng xã hội: Hai vị cảnh sát đang quỳ gối trước một người phụ nữ lớn tuổi.
Câu chuyện đằng sau bức ảnh làm người ta phải lắc đầu ngao ngán. Người con trai phạm lỗi khi lái xe trong tình trạng say rượu. Theo luật, cảnh sát phải thu hồi bằng lái xe của người vi phạm. Anh ta muốn xin lại bằng lái nhưng bị cảnh sát từ chối nên đã nằm vạ giữa đường, lấy cái chết để uy hiếp.
Người mẹ vì muốn cầu xin giúp con trai mình nên đã quỳ gối trước hai anh cảnh sát. Để tránh những người có mặt ở hiện trường buông lời dị nghị cho rằng cảnh sát ăn hiếp người lớn tuổi, hai nhân viên cảnh sát cũng phải quỳ xuống theo.
Đây chính là một cách "đánh tráo khái niệm", lợi dụng yếu tố đạo đức để bẻ cong sự thật. Người phụ nữ trên đã sử dụng đòn đánh tâm lý vào hai anh cảnh sát, lợi dụng hành động "hạ mình quỳ gối" để tạo áp lực dư luận để ép buộc cảnh sát phải trả lại bằng lái xe cho con trai mình.
Xã hội thời nay có rất nhiều người quen với việc sử dụng những yếu điểm của mình để bản thân được quyền làm mọi thứ và ép người khác phải nhường nhịn họ.
Người làm dịch vụ chăm sóc mà suốt ngày luôn to tiếng nặng lời với khách hàng. Cấp trên phạt lỗi thì lấy lý do là cuộc sống mệt mỏi, gia đình không hạnh phúc, áp lực căng thẳng nên tâm tình không ổn định. Ăn trộm ăn cắp quen tay, đến lúc bị bắt thì kể khổ rằng nhà nghèo nên mới làm liều.
Thảm cảnh của cô gái sau khi trúng thưởng 350 tỷ: Thứ hủy hoại con người nhanh nhất chính là "một đêm phát tài"
Họ cố viện lý do để người khác cảm thấy họ đáng thương mà bỏ qua lỗi lầm của họ. Cuộc sống của bản thân không thuận lợi thì bắt người khác phải nhường nhịn và đối xử ưu ái mình hơn. Người khác không đồng ý thì quay ra chỉ trích "không có tấm lòng nhân ái".
Trên thực tế, cuộc sống của một người trưởng thành chẳng có nổi hai từ "dễ dàng". Bạn phải chịu trách nhiệm với những khó khăn trong cuộc đời và cũng chỉ có bạn mới có thể giải quyết được. Đạo đức chỉ đúng đắn khi nó được vận dụng một cách công bằng. Lạm dụng đạo đức để trục lợi là hành vi khiến giá trị đạo đức bị xuống cấp trầm trọng.
2. Lợi dụng sự đồng cảm để trục lợi
Tháng 7/2021, ở Nam Ninh (Trung Quốc), Tiểu Hoàng phải nằm ICU để duy trì mạng sống vì một căn bệnh truyền nhiễm. Mẹ của Tiểu Hoàng là bà Đặng đã lên mạng đăng bài kêu gọi mọi người quyên góp, hỗ trợ con mình. Nhờ sự yêu thương với tấm lòng hảo tâm của mọi người, bà đã kêu gọi được 250.000 NDT (hơn 895 triệu VND).
Nhưng sau đó đã có một nữ cư dân mạng bóc phốt bà Đặng làm chủ nhiều quán mì, chạy xe Audi và sở hữu nhiều căn hộ. Ngay lúc đó, Tiểu Hoàng bệnh nặng vừa khỏi đã không ngại ngần mở cuộc "đại chiến" chửi lại người bóc phốt nhà mình.
"Nhà tôi đây cho dù ở ở lầu đi xe hơi thì cũng liên quan gì tới mấy người?".
"Chị cho tôi bao nhiêu tiền để tôi trả lại chị, tôi không thiếu mấy đồng tiền đó của chị".
Hành vi lừa gạt và thái độ ác liệt của gia đình này dẫn đến sự phẫn nộ từ công chúng, không còn cách nào khác, bà Đặng mới đứng ra giải thích: "Nhà và xe là do chúng tôi mượn tiền để mua, không phải kiểu nhà có tiền như trên mạng nói đâu".
Sau đó, bà Đặng cam kết nội trong 72 tiếng sẽ hoàn trả toàn bộ tiền từ thiện. Tiền từ thiện thì có thể trả, nhưng niềm tin giữa người với người thì có trả được không?
Ý nghĩa của hành động quyên góp vốn dĩ là mang tình thương của mọi người đến với người thật sự cần nó, tích tiểu thành đại để cứu lấy một mạng sống trên đường ranh giới sống chết.
Đời người gian khổ mà ngắn ngủi, ai cũng không biết được điều gì sẽ xảy đến vào ngày mai. Nhưng cuộc sống nào có dễ dàng với ai, bạn lấy tiền của người khác mua nhà mua xe thì bạn có từng nghĩ đến, những người hảo tâm quyên góp tiền cho bạn vẫn còn phải trầy trật sống trong một căn hộ cho thuê nhỏ hẹp, mỗi tháng cũng chỉ làm ra không được bao nhiêu đồng.
Mỗi một hành vi lừa đảo cá nhân xảy ra thì lại làm cho niềm tin giữa người và người ngày một lung lay suy yếu. Xã hội của chúng ta sẽ trở thành một môi trường độc hại, người làm từ thiện trở nên nhút nhát, lo được lo mất, sợ bị lừa gạt, khiến những người thật sự cần được cứu giúp lại mất đi cơ hội cuối cùng. Yêu thương và đùm bọc lẫn nhau là những đức tính tốt đẹp, nhưng những người giả vờ thành kẻ yếu để lừa gạt tấm lòng của người khác đáng để xã hội lên án.
(Nguồn: Zhihu)