Trong tiềm thức của nhiều người, sa mạc gắn liền với hình ảnh những triền cát dài bất tận và khí hậu khắc nghiệt. Đa số mọi người đều cho rằng đây là nơi chỉ thích hợp với những sinh vật có sức sống mãnh liệt như lạc đà hay xương rồng. Thêm cả khoảng cách địa lý khiến cho việc chinh phục nơi đây cũng trở nên khó khăn.
Tuy nhiên nếu vẫn mong muốn một lần được khám phá sa mạc, thì tin vui cho các tín đồ xê dịch là ngay tại Việt Nam cũng có một nơi được mệnh danh là “tiểu sa mạc”. Đó chính là Mũi Dinh thuộc tỉnh Ninh Thuận. Không chỉ khí hậu dễ chịu mà còn có phong cảnh tuyệt sắc, điều này khiến nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ đưa cái tên Mũi Dinh vào danh sách những địa điểm “nhất định phải đến một lần trong đời”.
Khám phá “tiểu sa mạc’ trứ danh Ninh Thuận
Ninh Thuận là một vùng đất có địa hình khá nhiều hoang mạc. Những đồi cát rộng bạt ngàn là hệ quả của những thảo nguyên đang dần bị sa mạc hóa (hay còn gọi là địa hình bán sa mạc). Tuy nhiên cũng chính nhờ sự biến đổi tài tình của tạo hóa mà Ninh Thuận sở hữu điểm nhấn ấn tượng đến vậy.
Nhiều du khách cho biết, Mũi Dinh làm họ liên tưởng đến sa mạc Sahara bởi những đồi cát rộng, trải dài tít tắp tận chân trời, chỉ xuất hiện số lượng ít cây cỏ phất phơ trong gió nóng. Trên “tiểu sa mạc” Mũi Dinh có những hòn đá cả trăm tấn, trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà chẳng cần sự can thiệp của bàn tay con người.
Ảnh: Thamhiemninhthuan.com
Gió lớn thổi liên tục cuốn cát bay đi cũng khiến cho hình dạng của những đồi cát nơi đây luôn lượn sóng, thay đổi mới lạ. Chính vì vậy Mũi Dinh cũng được nhận xét là liên tục thay hình đổi nét chỉ trong một ngày. Theo lời người dân địa phương, nếu du khách đến đây vào 4 mùa trong năm, sẽ còn thấy được sự khác biệt rõ rệt hơn nữa.
Tuy là bán hoang mạc nhưng “cánh đồng cát” này không khô cằn như nhiều người nghĩ. Trừ xương rồng thì trên quãng đường khám phá du khách vẫn có thể bắt gặp những loài cây xanh mướt vươn mình trong nắng. Thậm chí du khách còn thấy những thảm cỏ xanh mơn mởn dưới chân đồi cát được người dân địa phương tận dụng chăn cừu. Hình ảnh đàn cừu trắng thảnh thơi gặm cỏ càng làm bật lên cuộc sống du mục hoang dã ở nơi đây.
“Tiểu sa mạc” vốn không hề khô cằn như mọi người vẫn tưởng tượng (Ảnh: Dulich.reatimes, Viet Nam Jour)
Ngoài đi bộ, du khách có thể lựa chọn một chiếc xe địa hình khám phá “tiểu sa mạc” Mũi Dinh. Lái xe qua các cung đường gập ghềnh và những con đường cát trắng là một trải nghiệm rất tuyệt. Qua từng đồi cát, du khách được đánh thức cảm giác mạnh mẽ và hồi hộp, nhiều người đã phải hét lên vì quá hào hứng khi cảm nhận được cuộc sống tự do chốn sa mạc.
Ở đây có khá nhiều dịch vụ cho thuê xe địa hình, giá thuê dao động từ 800.000 – 1.600.000 đồng tùy vào loại xe thời gian sử dụng. Nam Cương hay Sơn Hải là những đồi cát nhỏ nằm trong Mũi Dinh, được đa số du khách lựa chọn để thực hiện trải nghiệm này. Ngoài ra, khi nắng tắt, du khách có thể tham gia hoạt động trượt cát cũng rất thú vị.
Ảnh: Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa
Ảnh: Hello Phan Rang
Hành trình đến Mũi Dinh
Mũi Dinh là một mũi đất thuộc địa phận của xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 30km về hướng Nam và cách Đèo Ngoạn Mục (đèo Sông Pha) 80km về hướng Đông Nam. Vì nằm ở vị trí hẻo lánh nên đường đi đến đây khá trắc trở và gập ghềnh. Nơi đây hầu như không có dân cư sinh sống nên vẫn giữ được nét hoang sơ hiếm có.
Có khá nhiều phương tiện du khách có thể lựa chọn để đến với Mũi Dinh. Trong đó, xe khách và xe máy là 2 phương tiện gần gũi, tiện lợi, phổ biến nhất. Nếu đi xe khách xuất phát từ Sài Gòn đến Phan Rang sẽ mất khoảng 6 - 7 tiếng, du khách nên lựa chọn các chuyến xuất phát từ tối hôm trước để có mặt vào sáng sớm hôm sau. Giá vé xe khách hiện nay trung bình rơi vào khoảng 160.000đ – 200.000đ/người.
Nét hoang sơ nguyên vẹn của một góc Mũi Dinh (Ảnh: Vudumuc)
Nếu muốn tự mình chinh phục những cung đường đẹp nhất Ninh Thuận, thì xe máy là lựa chọn hợp lý. Phượt bằng xe máy, du khách có thể lựa chọn cung đường di chuyển sau đây:
Từ Sài Gòn – Phan Rang, du khách di chuyển khoảng 15 km theo quốc lộ 1A đến làng Chăm Văn Lâm thì rẽ trái. Tiếp đó băng qua vùng bằng lăng khoảng 8km là đến chỏm núi Đại Bàng. Đi thêm 7km nữa là đến Sơn Hải, từ đây đi xe thẳng vào sa mạc hoặc gửi xe ở nhà dân, ngọn Mũi Dinh ở cách đó 1km. Hiện nay quanh khu vực này đã có chỗ gửi xe và bán đồ ăn vặt, nước uống nên tương đối tiện lợi.
Cung đường biển siêu đẹp chắc chắn không làm các phượt thủ thất vọng (Ảnh: Vinwonders)
Một con đường khác đến Mũi Dinh có phong cảnh ven biển cực đẹp, đó là cung đường di chuyển dọc biển Cà Ná. Khi qua hết đầm Cà Ná, du khách sẽ rẽ vào đường DT701 để đi đến Mũi Dinh. Tuy nhiên cần lưu ý đây là cung đường có nhiều khúc cua, ngã rẽ, vì thế người lái xe cần tập trung và hãy chắc chắn là mình có một tay lái đủ vững vàng nếu như quyết định chọn cung đường này.
Như đã nói ở trên, Mũi Dinh thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ và không gian rộng lớn mênh mông. Nhiều du khách còn nhận xét rằng Mũi Dinh thể hiện hết thảy những gì đặc trưng nhất của mảnh đất Ninh Thuận, ví như một bức tranh sơn thủy đầy màu sắc đang vươn mình ra đại dương bao la, hoang dã nhưng mang lại cảm giác yên bình. Năm 2020, Mũi Dinh từng được chọn là một trong những bối cảnh chính của 2 bộ phim “Dấu chân du mục” (2014) và “Cát đỏ” (2020).
Một phân cảnh tại Mũi Dinh trong bộ phim Cát Đỏ (Ảnh: Mytour Blog)
Để có thể thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp nơi đây, du khách nên ghé thăm từ tháng 4 đến tháng 6 với chuyến du ngoạn mùa hè. Bởi địa hình liền kề biển nên mùa đông ở đây thời tiết sẽ lạnh và lộng gió hơn. Nếu du khách muốn tham dự các lễ hội độc đáo của người Chăm bản địa thì nên đến Mũi Dinh vào khoảng tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, tức là mùa nho chín (lễ Mbăng Katê diễn ra vào ngày 1-7 Chăm lịch hàng năm).
Những địa điểm lân cận để du khách tham khảo
Bên cạnh Mũi Dinh, du khách có thể tham khảo thêm một số địa điểm lân cận ở Ninh Thuận để chuyến đi được trọn vẹn.
Ngọn hải đăng hơn trăm năm tuổi
Hành trình khám phá Mũi Dinh Ninh Thuận sẽ thật thiếu sót nếu không chinh phục ngọn hải đăng Mũi Dinh. Ngọn hải đăng cổ kính này tọa lạc trên núi Mũi Dinh có tuổi đời hàng trăm năm. Nó có độ cao 170m so với mực nước biển, được xây dựng từ thời Pháp vào năm 1904, toàn bộ là đá granit vững chãi. Với tầm chiếu sáng bán kính khoảng 30 hải lý, đèn biển Mũi Dinh không đơn thuần là một mắt đêm chỉ hướng đất liền cho tàu thuyền từ Phan Rang đến Tuy Phong mà còn là một công trình kiến trúc xưa ấn tượng.
Ảnh: diemdendulich.net
Tuy nhiên đường tới đây khá dốc và khó khăn, đi bộ tương đối vất vả, mặc dù quãng đường chỉ hơn 1km nhưng có không ít người đã bỏ cuộc. Để hành trình đỡ gian nan thì chỉ nên chọn đi vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Chị Thảo Vân chia sẻ về trải nghiệm của mình: “Đường đi dốc, mệt và rất nóng. Mình phải nghỉ ngơi vài chục lần mới đến nơi. Tuy nhiên khi đến được ngọn hải đăng thì mọi mệt mỏi như tan biến vì mọi thứ quá tuyệt vời. Khung cảnh thiên nhiên bao la nhưng yên bình, vị mặn mòi của gió giữa biển trời lồng lộng thật sự khiến tôi muốn đứng đó mãi”.
Ngâm mình ở Bãi Tràng
Ảnh: Alongwalker
Đi hết vùng sa mạc, du khách sẽ tiếp cận bãi Tràng với những triền cát trải dài trắng xóa, làn nước xanh trong. Đây là một bãi biển nhỏ, nằm ngay dưới ngọn hải đăng, điểm đến này còn rất hoang sơ, biển lặng đẹp, có bãi đất trống thích hợp để cắm trại qua đêm, tổ chức tiệc BBQ. Ngoài tắm biển, du khách cũng có thể liên hệ với ngư dân để xin chụp ảnh với thuyền thúng, thuê thuyền kayak để thỏa sức chèo thuyền với sóng biển. Nhìn chung đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa núi non hùng vĩ, sa mạc cát rộng lớn và cả biển cả bao la.
Ảnh: Pharatravel
Alisa, du khách đến từ vương quốc Anh, chia sẻ: “Mũi Dinh, Việt Nam rất đẹp. Khung cảnh hoang sơ, yên bình. Đồ ăn ở đây cũng rất ngon và rẻ, hợp khẩu vị với chúng tôi. Nếu có dịp, tôi sẽ còn quay lại đây!”.