Quy định đặt tên ở Việt Nam
Việc đặt tên được quy định theo một số điều khoản trong luật pháp.
- Bộ Luật Dân sự có quy định tên của một người là tên được khai sinh trong giấy khai sinh. Họ thì sẽ theo họ của cha hoặc mẹ.
- Khoản 3 Điều 26 Mục 2 Chương III phần thứ nhất Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ, việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.
- Khoản 1 Điều 6 Mục 1 Chương II Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 5 năm 2020 cũng quy định: Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.
Cha mẹ cần lưu ý quy định về đặt tên cho con
Cha mẹ tránh đặt 5 kiểu tên sau cho con
- Tên bằng tiếng nước ngoài mà không phải tiếng dân tộc bởi luật quy định tên công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, ví dụ như Elizabeth, Manadona...
- Tên bằng ký tự mà không phải chữ, hoặc tên bằng số ví dụ như 1, 2, @, $...
- Tên ảnh hưởng xâm phạm tới lợi ích người khác: Trên thực tế thì hầu như chưa có trường hợp nào rơi vào việc đặt tên xâm phạm lợi ích của người khác.
- Tên không phù hợp với bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống người Việt. Việc xem tên có vi phạm điều này không thì cần xác định theo từng trường hợp cụ thể.
- Tên quá dài. Mặc dù chưa có quy định cụ thể tên được phép đặt bao nhiêu chữ bao nhiêu ký tự. Nhưng cha mẹ nên chú ý tên thường gồm họ, tên đệm, tên chính. Thông thường là 3 -4 chữ. Việc đặt quá dài sẽ gây khó khăn khi thể hiện trên các giấy tờ. Trước đây từng có đề xuất tên không quá 25 ký tự tuy nhiên chưa được phê duyệt thực tế. Do đó cha mẹ cần lưu ý bởi việc đặt tên quá dài cũng gây khó cho con trong quá trình đi học hay làm việc sau này.
Việc đặt tên cho con ngoài tránh những vi phạm liên quan tới luật pháp như trên, cha mẹ cũng nên chú ý tránh đặt những cái tên quá khác thường sẽ gây cho trẻ bị chú ý, bị trêu chọc khi ra xã hội. Cái tên liên quan tới cả cuộc đời của trẻ nên cha mẹ cần chú ý khi đặt tên con. Đôi khi trẻ cảm thấy xấu hổ hoặc bực tức vì cái tên mà cha mẹ đặt "không giống ai". Bởi thế trước khi đặt tên con, cha mẹ cần suy nghĩ kỹ.
Cái tên theo con suốt cuộc đời
Tham khảo những cái tên bị cấm trên thế giới
Nhiều nước trên thế giới cũng có quy định về việc cấm đặt tên cho trẻ. Bởi thế cha mẹ nên biết rằng cái tên rất quan trọng. Thời bây giờ xu hướng công dân toàn cầu, con có thể đi ra thế giới kết bạn giao lưu học hỏi nên cũng cần tránh những cái tên, biệt danh theo tiếng nước ngoài mà nhiều nơi cấm;
Những cái tên bị cấm tại Đức
Đức cấm đặt những tên liên quan tới phân biệt giới tính, không dùng tên đồ vật, tên sản phẩm, cấm những cái tên có thể khiến trẻ bị bôi nhọ, bị sỉ nhục. Ví như sau sự kiện 11/9 khủng bố tấn công tòa tháp đôi Mỹ thì một cặp vợ chồng người Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Cologne, Đức, muốn đặt tên con là Osama Bin Laden nhưng đã bị quan chức tại Đức yêu cầu cha mẹ phải đổi tên vì cái tên này gắn liền với một nhân vật có thật được cho là dễ gây hiểu lầm, trẻ sẽ bị trêu chọc. Theo đó nếu cha mẹ có quốc tịch nước ngoài thì luật pháp Đức cũng cấm những tên bất hợp pháp, nhạy cảm với quê hương của họ. Một số cái tên bị cấm ở Đức như Matti, Osama Bin Laden, Adolf Hitler, Kohl, Stompie…
Những cái tên bị cấm ở Thụy Sỹ
Ở Thụy Sỹ, cha mẹ phải gửi tên con lên Cơ quan Đăng ký hộ tịch Thụy Sỹ để được phê duyệt. Thụy Sỹ sẽ cấm cái tên gây tổn hại đến sức khỏe của trẻ hoặc gây khó chịu cho bên thứ 3, Thụy Sỹ cũng có các quy tắc khác như không đặt tên con trai cho con gái hoặc ngược lại, không đặt tên theo nhân vật phản diện trong Kinh thánh, tên thương hiệu, địa danh… Một số cái tên bị cấm ở Thụy Sỹ như Judas, Chanel, Paris, Schmid, Mercedes…
Những cái tên bị cấm ở Na Uy
Theo quy định tại Na Uy thì cha mẹ không thể chọn tên đã được đăng ký trong sổ đăng ký dân số của Na Uy làm họ hoặc tên đệm bởi tại nước này, tên đệm về cơ bản là họ thứ hai. Ngoài ra, một số cái tên trùng với họ phổ biến tại đây như Hansen, Haugen, Johansen, Olsen, Larsen… cũng không được phép sử dụng.
Những cái tên bị cấm ở Malaysia
Malaysia cũng đưa ra một danh sách những cái tên mà chính phủ và nhiều người coi là “không mong muốn”. Danh sách này gồm những cái tên gọi động vật, mang hàm ý xúc phạm, con số, tên hoàng gia, thực phẩm như Chinese Ah Chwar, Woti, Khiow Khoo, Chow Tow, Sor Chai…
Những cái tên bị cấm ở Trung Quốc
Trung Quốc không cho phép đưa các ký hiệu hoặc chữ số vào tên trẻ em. Biểu tượng at được phát âm là “ai-ta” trong tiếng Trung, đồng âm với cụm từ “yêu anh ta cũng sẽ bị cấm.
Những cái tên bị cấm ở Arab Saudi
Từ năm 2014, chính phủ Arab Saudi đã cấm hơn 50 cái tên mà họ cho là “quá xa lạ, không phù hợp, báng bổ hoặc trái với truyền thống xã hội, tôn giáo”. Một số cái tên bị cấm như Alice, Elaine, Linda, Sandy, Binyameen, Malika, Malak, Maya…
Những cái tên bị cấm ở Pháp
Tòa án địa phương có thể từ chối tên đó nếu họ cho rằng tên gọi có ý nghĩa nhạo báng, dễ khiến bé gặp nhiều rắc rối sau này. Một số tên bị cấm đặt ở Pháp như: MJ, Manhattan, Joyeux, Deamon, Prince William, Mini Cooper, Nutella, Fraise…
Những cái tên bị cấm ở Mexico
Năm 2012, giới chức bang Sonora, Mexico đã phê duyệt đạo luật cấm 61 cái tên mà họ cho rằng có thể khiến trẻ bị bắt nạt sau này. Chúng gồm Facebook, Rambo, Escroto, Hermione, James Bond, Batman, Harry Potter…
Những cái tên bị cấm ở Iceland
Nếu cha mẹ là người Iceland thì trước khi khai sinh cho con, họ đều phải nộp tên của con mình tới Cơ quan đăng ký quốc gia trong vòng 6 tháng sau sinh. Tên đó sẽ được Ủy ban đặt tên quốc gia duyệt. Có tới 50% cái tên bị từ chối vì vi phạm các yêu cầu đặt tên. Nước này quy định tên của trẻ phải không xung đột với cấu trúc ngôn ngữ Iceland, và viết theo quy tắc chính tả thông thường ở nước này. Nếu tên có chứa từ không nằm trong bảng chữ cái Iceland như (C, Q, W) sẽ bị loại. Một số tên bị cấm ở nước này như Zoe, Harriet, Duncan, Enrique...
Những cái tên bị cấm ở New Zealand
Chính quyền New Zealand có thể từ chối những cái tên nếu chúng mang tính xúc phạm, gây hiểu nhầm... Những cái tên bị cấm như Lucifer (chúa quỷ địa ngục trong Kinh thánh), Fish và Chips (tên cá rán ăn kèm khoai tây chiên của Anh). Tuy nhiên, cái tên độc dị nhất từng được lan truyền tại New Zealand chính là "Talula Does The Hula From Hawaii" (lược dịch là: Talula nhảy Hula từ Hawaii).