Nếu tính cả Avanza, hai mẫu xe nhà Toyota bán 9.341 xe, kém Mitsubishi Xpander khoảng 8.100 xe. Khi năm 2024 chỉ còn tháng 12, cơ hội để Veloz và Avanza đuổi kịp doanh số của đối thủ Mitsubishi là bất khả thi. Doanh số trung bình của Xpander là khoảng gần 1.600 xe/tháng, còn Avanza và Veloz là 849 xe/tháng.
Chênh lệch doanh số lớn với nhóm bám đuổi cho thấy sức hút của Xpander sau hơn 6 năm có mặt tại Việt Nam vẫn ổn định. Mẫu xe của Mitsubishi trải qua một đợt nâng cấp giữa chu kỳ vào 2022 và khoảng 90% số xe bán ra ở thị trường Việt nhập khẩu Indonesia. Trong khi hai đối thủ thuộc Toyota chuyển sang lắp ráp trong nước từ cuối 2022, trước đó nhập cùng nơi như Xpander.
Thiết kế hợp gu khách Việt cùng lượng tiện nghi đủ dùng, Xpander thu hút nhóm khách gia đình lẫn kinh doanh dịch vụ. Những ưu điểm này tạo sức cạnh tranh lớn cho mẫu xe này dù không phải là sản phẩm giá dễ tiếp cận nhất.
So với cùng kỳ 2023 (16.931 xe), doanh số Mitsubishi Xpander tăng nhẹ 1%. Tăng trưởng khiêm tốn này do nhu cầu khách hàng trầm lắng nửa đầu 2024, thị trường ngày càng nhiều lựa chọn xe đa dụng hơn, các đối thủ giảm giá cạnh tranh hay nhiều sản phẩm Trung Quốc xuất hiện. Cùng với Xforce, hai mẫu xe mang có chữ X trong tên của Mitsubishi đang giúp hãng xe Nhật bay cao trong những năm qua tại thị trường Việt Nam.
Đối thủ cạnh tranh chính của Xpander là Avanza và Veloz giảm 13% (9.341 xe trong 2024 so với 10.730 xe trong 2023, lũy kế đến tháng 11).
Veloz (trái) và Xpander phải. Ảnh: TMV, Thành Nhạn
Trong phân khúc MPV cỡ B, ưu đãi 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ dành cho xe lắp ráp giúp các mẫu xe như Toyota Veloz, Avanza, Kia Carens hưởng lợi. Nhưng các mẫu xe nhập còn lại như Xpander, Honda BR-V, Suzuki XL7 cũng giảm giá bằng khuyến mãi tương đương 50% lệ phí trước bạ. Điều này khiến ưu thế cạnh tranh của xe lắp ráp trong nước không rõ rệt.
Trong tháng 11, tháng cuối ưu đãi lệ phí trước bạ được áp dụng, tất cả các mẫu xe trong phân khúc đều tăng doanh số, không riêng xe lắp ráp trong nước. Hai mẫu xe dẫn đầu doanh số phân khúc vẫn là Xpander và Veloz.
Kia Carens không được nhắc đến nhiều với tư cách là đối thủ thách thức doanh số nhóm đầu. Nhưng vị trí thứ ba, vượt trên các sản phẩm đã ra mắt trước đó, cũng có thể xem là kết quả tích cực. Carens bán hơn 4.200 xe, chiếm khoảng 10% thị phần toàn phân khúc.
Hyundai Stargazer, mẫu MPV có giá bán khởi điểm thấp nhất phân khúc xếp thứ 4 về doanh số. Ưu điểm về giá và trang bị tiện nghi, nhưng Stargazer không được khách hàng số đông đánh giá cao về tạo hình tổng thể. Từ khi bán phiên bản nâng cấp (bản X), định giá lại, Hyundai Thành Công không còn lắp ráp trong nước mà chuyển sang nhập Indonesia hoàn toàn đối với Stargazer.
Honda BR-V có lợi thế thương hiệu, chất lái nhỉnh hơn so với phần còn lại nhưng giá cao, không gian nội thất có phần khiêm tốn hơn. Doanh số BR-V thuộc nhóm bán chậm nhất cùng XL7 và Avanza, không kể Ertiga đã ngừng phân phối.
Suzuki XL7 là mẫu xe duy nhất trong phân khúc trang bị động cơ hybrid (loại nhẹ - mild hybrid). Hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu cải thiện hơn so với bản thường lẫn các đối thủ nhưng không lớn.
Hoạt động bán hàng, marketing của Suzuki dành cho XL7 mới có nhiều thay đổi, tuy nhiên vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong tháng 11, XL7 bán ra 418 xe, và lũy kế là hơn 2.800 xe, chiếm khoảng 7% thị phần phân khúc.
Phạm Trung