Đĩa xôi thắp hương là không thể thiếu trong dịp cuối năm từ cúng ông Công ông Táo, Tất niên, Giao thừa, 3 ngày Tết. Nhưng dịp cuối năm cũng là lúc thời tiết hanh khô hoặc nồm ẩm nên xôi nấu không khéo sẽ bị bết dính hoặc không dẻo hoặc để nhanh bị khô cứng khi hạ lễ thì không ai muốn ăn nữa.
Để có đĩa xôi dẻo, tơi, bóng, không nát, hạt tơi như đồ chõ mà để lâu vẫn bóng mẩy không bị khô thì nhớ các mẹo sau nhé:
Chuẩn bị nguyên liệu:
Gạo nếp 500g (nhiều ít tùy thuộc vào thành viên gia đình)
Các loại hạt nấu cùng: đỗ xanh đã cà vỏ, gấc. Ngày Tết thì thường sẽ đồ xôi đỗ xanh hoặc gấc, hạt sen để mang lại may mắn không nên dùng đậu đen, lạc.
Một chút muối, một chút dầu ăn/mỡ gà, muối vừng lạc ăn kèm
Sơ chế
Đậu xanh mang đi ngâm để hạt đậu mềm nở ra. Nếu nấu nồi cơm điện thì không cần ngâm quá lâu chỉ ngâm tầm 1-2 tiếng cho hút nước, gạo nếp không cần ngâm.
Nếu nấu xôi gấc thì không cần cần ngâm nếp và chỉ cần vo gạo sạch rồi lấy cùi gấc ra trộn vào. Cùi gấc muốn lên màu đỏ đẹp tươi không bị đỏ thâm thì có thể dùng thêm chút rượu trắng rót vào.
Xôi nấu nồi cơm điện vẫn tơi dẻo ngon không nát
Chọn gạo nếp
Nếp muốn ngon phải là nếp cái hoa vàng, hạt đều mẩy và hạt tránh mua hạt gạo vỡ nát. Nếp trắng không có đầu đen, không hôi dầu. Hạt màu trắng đục ngon hơn hạt nếp trắng trong. Nếp ngon sẽ cho xôi ngon thơm không bị chát.
Cách nấu xôi bằng nồi cơm điện
Gạo nếp không cần ngâm mà chỉ mang vo sạch như gạo thông thường. Gạo thời nay hút nước hơn gạo nếp thời xưa nên khi nấu xôi bằng nồi cơm điện thì việc không ngâm giúp bạn dễ nấu hơn.
Cách 1 nấu bằng lượng nước vừa đủ: Gạo nếp vo xong, trộn đều cùng đậu xanh hoặc gấc, cho thêm chút muối, đường, dầu ăn, giấm ngon:
- Muối và chút đường giúp khử chát cho gạo nên xôi sẽ đậm vị và ngon
- Nếu nấu xôi gấc thì nhiều gia đình cho nhiều đường để xôi có vị ngọt
Sau đó bạn cho hỗn hợp nếu với đậu xanh hoặc nếp và gấc vào nồi cơm và chút giấm ngon. Cho nước xâm xấp bề mặt gạo.
- Bật nồi để khi nồi chuyển về chế độ ấm thì bạn dùng đũa tre đảo đều lên, lý do là vì nước xâm xấp nên một số hạt gạo bên trên sẽ chưa đủ hơi để chín, không đảo lên thì sau đó vài hạt này sẽ bị cứng.
- Trong lúc đảo bạn cho thêm thìa dầu ăn hoặc mỡ gà vào đảo cùng. Đảo lên xong bạn đậy vung lại cho nếp tiếp tục chín bằng hơi. Làm theo tác này phải nhanh để giữ nhiệt, tránh việc phải bật lại nút cook thì nguy cơ xôi sẽ bị xém ở đáy nồi. Tầm 10 phút sau mở vung nồi ra tránh để lâu thì hơi nước trên vung nồi rơi lại vào nếp làm nếp bị ướt nát. Tránh để lâu xôi sẽ bị dính tảng lại khi ăn xôi sẽ không tơi.
Muốn hạt xôi bóng đẹp lâu không khô cần bí kíp
- Chú ý giấm ngon giúp cho hạt xôi xốp đẹp, dầu ăn hoặc mỡ gà giúp xôi bóng mượt không bị dính bết, lại giữ ẩm lâu nên xôi không bị khô cứng nhanh. Hỗn hợp giấm, dầu ăn chính là bí kíp giúp cho hạt xôi lâu bị thiu nếu không may trời nồm ẩm và xôi không bị khô cứng khi thắp hương lâu.
Đường, muối giúp cho xôi ngon hơn đậm vị. Dầu ăn giúp cho xôi bóng đẹp ăn lại ngậy béo đậm đà.
Cách 2 nấu xôi bằng nhiều nước: Cách này thì bạn không cần căn số nước mà cho nhiều hơn lượng nước thông thường và chỉ áp dụng cho xôi đậu xanh không áp dụng cho xôi gấc. Bạn cho hỗn hợp nếp và đậu vào nồi rồi cho nước sôi vào ngập hỗn hợp, khi nồi sôi trở lại thì bắc ra gạn hết nước đi, và cho vào nấu tiếp cho tới khi nồi cơm bật về nút giữ ấm, bạn đợi 10 phút thì mở ra cho chút dầu ăn/mỡ gà vào đảo đều cho xôi bóng đẹp. Đậy vung lại tầm 5 phút nữa là xới xôi ra.
Với cách nấu xôi này bạn không cần đồ 2 lần mà xôi vẫn ngon và không cần phải lỉnh kỉnh đồ nghề chõ đồ mà chỉ cần nồi cơm điện, nấu lại nhanh thuận tiện khi gấp gáp.