Bi kịch của cha mẹ yêu thương con cái quá mức
Nhiều bậc cha mẹ đáp ứng mọi yêu cầu của con một cách vô điều kiện mà không biết, họ đã dạy trẻ rằng: "Nếu cha mẹ không cung phụng mình, đó là lỗi của họ". Dưới đây là bài viết của nhà tâm lý học Xuân Vũ (Trung Quốc).
Một lần, cô bạn khoe với tôi, con gái cô ấy đã "ăn hết cả con cá" còn vợ chồng họ chỉ nếm một chút để thử hương vị.
Nói xong người bạn cười và cảm thấy hài lòng vì con gái mình ham ăn. Tuy nhiên, tôi lại cảm thấy chút khó chịu.
Đây không phải lần đầu tôi nghe bố mẹ kể chuyện con ham ăn. Trẻ được quyền lựa chọn, cha mẹ sẽ chăm chỉ chuẩn bị, bất chấp món đó họ ăn được hay không.
Nếu người lớn nấu thức ăn không ngon, trẻ có quyền ăn hoặc không. Thậm chí nhìn đồ ăn thừa trên bàn, vẫn có người mẹ nói: "Xin lỗi, lần sau mẹ sẽ làm món con thích".
Đây chính là tình yêu lớn lao của cha mẹ. Nhưng đứa trẻ dường như coi tất cả những điều này là chuyện đương nhiên. Liệu yêu con có phải là phải hy sinh hết cho con, cho đi mọi thứ mà "không có điểm cuối"?
Trách nhiệm cơ bản nhất của các bậc làm cha làm mẹ là dạy con cách cư xử đúng đắn. Ảnh minh họa
Cách đây ít lâu tôi dự sinh nhật con gái một đồng nghiệp. Người mẹ này dậy sớm, tự tay trang trí bữa tiệc và làm cho con một chiếc bánh rất đẹp.
Khi mọi thứ đã sẵn sàng, nhân vật chính của bữa tiệc xuất hiện nhưng với vẻ mặt u ám. Cô bé miễn cưỡng thổi nến và cắt bánh trong lời thúc giục của bố mẹ.
Suốt buổi tiệc, người mẹ cẩn thận bóc tôm cho con, nhưng ăn được 2 miếng cô bé chê chán, rồi ngúng nguẩy bỏ đi.
Người đồng nghiệp thở dài, bất lực nói: "Đứa nhỏ này khó hầu hạ. Làm gì cũng không vừa lòng".
Nhiều cha mẹ như đồng nghiệp của tôi đang cố gắng lo cho con cái nhưng thay vào đó, đứa trẻ không thấy hạnh phúc.
Điều đáng sợ hơn là trẻ không để ý đến "sự cho đi" và tình yêu thương của cha mẹ. Chúng trở nên tham lam, muốn thứ gì được thứ đó mà không cần cố gắng.
Chúng cũng hay phàn nàn và đối mặt với cuộc sống bằng một thái độ "cay nghiệt".
Tình yêu thương không đi kèm kỷ luật của cha mẹ sẽ làm mờ đi ranh giới của tình yêu và sự phục tùng.
Bởi vậy trẻ sẽ mất khả năng cảm nhận niềm vui và hạnh phúc, không biết quan tâm đến người khác mà chỉ nghĩ đến bản thân mình.
Cha mẹ yêu thương con cái không có gì sai, nhưng nếu yêu quá mức sẽ khiến trẻ lạc vào tình yêu dị dạng.
Nuôi dạy con không biết ơn, không biết yêu thương cha mẹ là thất bại lớn nhất của giáo dục gia đình.
Cha mẹ càng chiều chuộng con cái lại càng không biết ơn
Ngày 12/10, tại ga tàu điện ngầm Kim Ngân Đàm, TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, một phụ nữ trung tuổi hai tay xách hai chiếc túi nặng bị một cô bé tầm 14 tuổi đi sau, tay đút túi quần, đá lia lịa vào người.
Cô bé này luôn miệng nói: "Đồ ăn hại" khiến nhiều người ngạc nhiên. Cảnh tượng giống như một cô chủ con nhà giàu kiêu ngạo và người hầu. Nhưng thực tế họ là hai mẹ con.
Người mẹ lần đầu đến thành phố nên lên nhầm ga tàu điện ngầm, cô con gái tức giận và đánh mẹ.
Thấy cảnh đó, nhiều người nói với cô bé nếu tiếp tục, họ sẽ báo cảnh sát. Người mẹ nghe thấy vậy, vội vàng bênh vực: "Không sao đâu, cháu nó hơi bướng bỉnh chút, không vấn đề gì".
Có quá nhiều bậc cha mẹ như vậy ở xung quanh chúng ta. Con đi học về được cha mẹ xách cặp hộ. Không cần làm việc nhà, chỉ cần học nhiều và điểm cao là được.
Tiện nghi vật chất được đáp ứng quá mức, ngay cả học sinh tiểu học cũng được sắm cho điện thoại di động.
Và đặc biệt nếu trẻ có gây sự bên ngoài, dù chúng có lỗi trước nhưng cũng phải bảo vệ tới cùng.
Những bố mẹ này làm tất cả mọi việc vì con, cho dù bị yêu cầu một việc quá sức, họ cũng chẳng do dự.
Những đứa trẻ có bố mẹ như vậy thường quên mất rằng, thay vì biết công ơn dưỡng dục, chúng sẽ coi sự hy sinh đó là hiển nhiên.
Những đứa trẻ có bố mẹ làm cho tất cả mọi việc thường quên mất rằng, thay vì biết công ơn dưỡng dục, chúng sẽ coi sự hy sinh đó là hiển nhiên. Ảnh minh họa
Trong cuốn sách "Tình yêu nghiệt ngã" của tác giả Sara nói về giáo dục con cái có một câu: "Tình yêu thương mà cha mẹ Trung Quốc dành cho con quá tràn trề. Không muốn để bọn trẻ trải qua cuộc sống gian khổ từ nhỏ, cũng không biết cách đáp ứng nhu cầu của chúng đúng lúc, rốt cuộc khiến bố mẹ cả đời gian nan nhưng trẻ vẫn kêu oan".
Thời nay nhiều bậc cha mẹ đang vô tình nuôi dưỡng "kẻ vong ơn bội nghĩa", họ đã nỗ lực hết sức nhưng lại sinh ra những đứa con vong ơn, chỉ biết nhận, biết hưởng thụ.
Những đứa trẻ như vậy cảm thấy tất cả những gì cha mẹ chúng làm đều là đương nhiên, nếu một ngày cha mẹ không đáp ứng đủ, đứa trẻ sẽ cảm thấy đó là lỗi của cha mẹ và oán trách họ.
Đứa trẻ sống mà không biết ơn thì dù có giỏi đến mấy cũng vô dụng.
Biết ơn chính là thái độ sống tích cực, đồng thời cũng là tiền đề dẫn đến thành công của con người.
Tình yêu không giới hạn thực sự có hại
Cha mẹ là người định hướng cho con cái, khi con cái mắc lỗi, cha mẹ phải kịp thời sửa lỗi cho con.
Những cây cao lớn không bao giờ mọc tùy tiện mà cần cắt tỉa kịp thời những cành cong queo.
Giáo dục con cái cũng vậy, cần phải chỉnh sửa từ khi chệch hướng thì lớn lên chúng mới trở thành những người có ích cho bản thân và xã hội.
Nếu cha mẹ thỏa mãn con cái một cách mù quáng, mong muốn và nhu cầu của trẻ sẽ liên tục mở rộng. Ảnh minh họa
Vài ngày trước, câu chuyện "Bé gái 7 tuổi lấy trộm đồ chơi và mẹ đã gọi cảnh sát" xuất hiện trên Weibo khiến người dùng mạng bàn luận sôi nổi.
Cô bé này đã lấy những quả trứng đồ chơi trong siêu thị và bị nhân viên bắt quả tang. Qua camera, siêu thị cũng phát hiện đây không phải lần đầu cô bé làm điều này. Nhưng dù người mẹ và nhân viên có hỏi gì thì cô bé cũng im lặng, quyết không hé răng nửa lời.
Không có cách nào khác, người mẹ đành gọi cảnh sát với mong muốn giúp đỡ giáo dục con gái cô. Sau hơn một giờ thuyết phục, cô bé 7 tuổi thừa nhận mình đã lấy những quả trứng đồ chơi vì không có tiền mua.
"Xin lỗi, cháu đã sai.." Cuối cùng cô bé đã nhận ra sai lầm của mình. Cô lấy hết can đảm để xin lỗi nhân viên và mẹ, đồng thời hứa sẽ không bao giờ làm những chuyện như vậy nữa.
Người mẹ sau đó đã bồi thường đầy đủ cho cửa hàng đồ chơi. Nhưng hành động của bà bị một số người chỉ trích "Việc bé xé ra to. Người mẹ đã làm tổn thương lòng tự trọng của đứa trẻ và sẽ gây ra một vết nhơ trong tâm hồn trẻ thơ".
Nhưng nếu người mẹ chỉ bồi thường và ngăn cản trẻ nhận lỗi lầm thì có bị lên án không?
"Cha mẹ luôn cho phép trẻ mắc lỗi bởi đây là một phần của quá trình trưởng thành. Nhưng trong khi chúng ta cho phép, phải hướng dẫn trẻ cách sống trách nhiệm và có lý trí với mọi hành động mình làm", vị cảnh sát đã thuyết phục cô bé 7 tuổi nói.
Cũng theo vị cảnh sát này, giáo dục con trẻ không có khái niệm "chuyện bé xé ra to". Trẻ mắc lỗi cần được sửa chữa kịp thời trước khi mọi việc vượt quá tầm kiểm soát.
"Cuộc đời không giống như một căn phòng ấm áp. Khi trẻ tiếp xúc với gió độc, chúng cần phải sớm được dậy cách phòng tránh để tránh gây tổn thương cho chính mình", vị cảnh sát chia sẻ thêm.
GĐXH - Phụ huynh tốt đương nhiên hy vọng con học giỏi nhưng họ biết chú trọng kiến thức con đạt được thay vì chỉ chăm chăm vào điểm số của con.
GĐXH - Cha mẹ thường đặt ra những hạn chế để giữ con cái trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng một số hạn chế nhất định lại có thể gây tác dụng ngược.